Cuộc đua chinh phục vũ trụ

Tên lửa Falcon 9 của hãng dịch vụ vận tải không gian SpaceX, Mỹ, ngày 21-12 đã có cuộc hạ cánh thành công lịch sử, sau khi đưa 11 vệ tinh vào quỹ đạo.

Cuộc đua chinh phục vũ trụ

 Đây được xem như bước đột phá trong ngành hàng không vũ trụ, biến tên lửa không gian thành phương tiện có thể sử dụng nhiều lần như máy bay...

Bước đột phá của ngành hàng không vũ trụ

Tại trụ sở SpaceX ở Hawthorne, Ca-li-pho-ni-a, các nhân viên hò reo vui sướng trước thành tựu đột phá này. Tỷ phú công nghệ E.Mút-xcơ (Elon Musk), lãnh đạo của SpaceX đã gọi đây là “thời khắc cách mạng” cho các thiết bị không gian có thể tái sử dụng. “Tôi vẫn chưa thể tin nổi. Chưa có ai từng đưa tên lửa đẩy không gian trở về được Trái Đất một cách nguyên vẹn. Chào mừng đã trở về, con yêu”, ông E.Mút-xcơ chia sẻ trên twitter sau khi tên lửa hạ cánh an toàn. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đã lên tiếng chúc mừng SpaceX.

Tỷ phú công nghệ E.Mút-xcơ, ông chủ của SpaceX. Ảnh: AP

Tỷ phú công nghệ E.Mút-xcơ, ông chủ của SpaceX. Ảnh: AP

Mới 6 tháng trước, một tên lửa Falcon 9 nổ tung chỉ 2 phút sau khi rời bệ phóng, phá hủy khối hàng hóa và thiết bị trị giá hàng trăm triệu USD lẽ ra phải được đưa lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Ông E.Mút-xcơ tiết lộ sau tai nạn đó, SpaceX đã khắc phục lỗi kỹ thuật, chế tạo phiên bản tên lửa Falcon 9 mới mạnh mẽ hơn 30%.

Sau khi rời bệ phóng và đưa 11 vệ tinh vào quỹ đạo an toàn, hệ thống đẩy của tên lửa Falcon 9, với chiều cao tương đương tòa nhà 15 tầng, đã hạ cánh an toàn tại Mũi Canaveral, Phlo-ri-đa. Hệ thống này hoàn toàn nguyên vẹn và có thể sử dụng cho các đợt phóng tiếp theo.

Hồi tháng trước, đối thủ của SpaceX là Blue Origin, được thành lập bởi tỷ phú G.Bê-dốt (Jeff Bezos)-Giám đốc điều hành tập đoàn bán lẻ Amazon-đã thực hiện một cuộc hạ cánh tương tự. Tuy nhiên các nhà phân tích cho biết tên lửa New Shepard của Blue Origin chỉ bay lên độ cao thấp. Trong khi đó, tên lửa Falcon 9 vươn tới độ cao hơn rất nhiều, do đó việc hạ cánh an toàn khó khăn gấp bội. “Do tên lửa của SpaceX được thiết kế để đưa vệ tinh lên quỹ đạo, tầng đầu của nó bay với tốc độ lớn hơn nhiều và đạt độ cao gấp đôi tên lửa New Shepard”-Liên đoàn Thương mại không gian (CSF) cho biết.

Tên lửa Falcon 9 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong ngành hàng không vũ trụ, vì nó không phải là tên lửa dùng một lần và cũng không phải một tên lửa cỡ nhỏ như New Shepard của Blue Origin. Falcon 9 là một tên lửa cỡ lớn, trong thử nghiệm lần này nó mang theo tới 11 vệ tinh cùng rất nhiều hàng hóa khác. Và cũng không giống so với thử nghiệm trước đây của Blue Origin, khi tên lửa New Shepard chỉ có thể phóng lên độ cao khoảng 100km sau đó hạ cánh trở lại mặt đất, tên lửa Falcon 9 có thể được phóng lên tầng quỹ đạo Trái Đất với khoảng cách 200km. Bên cạnh đó, tốc độ của Falcon 9 cũng cao hơn rất nhiều, tới 12.250km/giờ (Mach 10). Tên lửa Falcon 9 có hai phần chính, một module chứa hàng hóa tiếp tế cho trạm vũ trụ sẽ không được tái sử dụng, chỉ có phần động cơ tên lửa quay trở lại Trái Đất là có thể tái sử dụng cho các lần phóng tiếp theo.

Giấc mơ chinh phục Sao Hỏa

Với các tên lửa tái sử dụng như Falcon 9, SpaceX có thể giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa lên các trạm vũ trụ xuống rất thấp so với trước đây, mở ra một thời kỳ mới cho việc du lịch và tham quan vũ trụ.

Trên trang web của hãng SpaceX, tỷ phú E.Mút-xcơ giải thích sự kiện tên lửa Falcon 9 hạ cánh an toàn là một đột phá khoa học lớn. Bởi tên lửa đẩy rất đắt đỏ. Falcon 9 của SpaceX có giá lên tới 60 triệu USD. Phần lớn tên lửa đẩy hiện nay được thiết kế để cháy trong bầu khí quyển khi rơi trở lại Trái Đất. Điều đó có nghĩa là với mỗi sứ mệnh không gian, cần phải tốn ít nhất 60 triệu USD để thiết kế và sản xuất một quả tên lửa đẩy mới. Nhưng nếu tên lửa có thể đáp xuống Trái Đất an toàn thì nghĩa là chúng có thể được sử dụng lại nhiều lần tương tự như máy bay. Khi đó, các cơ quan không gian, công ty dịch vụ sẽ chỉ tốn tiền nhiên liệu, bảo dưỡng khi phóng tên lửa đưa hàng hóa và người lên vũ trụ. “Nếu sử dụng hiệu quả tên lửa giống như máy bay, chi phí bay lên vũ trụ sẽ giảm đi 100 lần... Đây là đột phá cơ bản cần thiết để cách mạng hóa du lịch không gian”, tỷ phú E.Mút-xcơ nhấn mạnh.

Tham vọng hàng đầu của SpaceX là đưa người lên Sao Hỏa. Với việc thực hiện những chuyến bay vào không gian cho NASA và các công ty vệ tinh, SpaceX đang phát triển công nghệ không gian để biến con người trở thành “sinh vật sống ở nhiều hành tinh”. Trên Sao Hỏa hoàn toàn không có đường băng, do đó tên lửa phải hạ cánh theo chiều thẳng đứng, sử dụng lực đẩy của động cơ.

Đầu năm tới, Công ty Virgin Galatic của tỷ phú R.Bran-xơn (Richard Branson) sẽ công bố tàu không gian mới được thiết kế để đưa du khách lên độ cao không trọng lượng. Tỷ phú G.Bê-dốt cũng có tham vọng tương tự và từng nhiều lần đề cập đến giấc mơ có ngày hàng triệu người sẽ sống, làm việc trên không gian.

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc tên lửa Falcon 9 hạ cánh mới chỉ là bước đầu quan trọng của giấc mơ chinh phục vũ trụ với giá rẻ hơn. AFP dẫn lời Chủ tịch Cơ quan Hàng không vũ trụ Pháp (CNES) G.Y-vơ Lơ Gan (Jean-Yves Le Gall) cho biết, cần xác định xem tên lửa Falcon 9 có thể tiếp tục hoạt động sau khi hạ cánh hay không. Bởi tên lửa khi hạ cánh phải chịu áp lực rất lớn từ bầu khí quyển, có thể bị hư hại. Động cơ tên lửa là loại máy cường độ cao, bất cứ lỗi hay hư hại nhỏ nào cũng có thể dẫn tới thảm họa. Việc tân trang tên lửa cũng sẽ là hoạt động tốn kém, mất nhiều thời gian.

Mới đây, tỷ phú E.Mút-xcơ tiết lộ SpaceX sẽ kiểm tra kỹ quả tên lửa Falcon 9 vừa hạ cánh, thử nghiệm nó nhiều lần. Nếu tất cả diễn ra ổn thỏa, SpaceX sẽ phóng một quả tên lửa khác từng qua sử dụng trong năm 2016.

Ước tính chi phí NASA bỏ ra để đưa rô-bốt tự hành Curiosity tới Hỏa tinh lên đến 2,5 tỷ USD. Do đó ngành công nghiệp không gian cần giảm chi phí đáng kể trước khi đưa một số lượng người lớn lên hành tinh đỏ. “Đây là bước quan trọng trong mục tiêu thành lập một thành phố trên Hỏa tinh”, tỷ phú E.Mút-xcơ khẳng định.

Theo QĐND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ