Cuộc đời tủi nhục của 2 chị em ruột bị bán sang Trung Quốc làm vợ

Hơn 27 năm lưu lạc, làm “vợ” xứ người, bà Lê Thị Thịnh (SN 1960, ở xã Hà Ninh, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) may mắn được trở về Việt Nam. Ngày gặp mặt hai con ở quê nhà, bà xúc động không nói nên lời, chỉ biết ôm các con vào lòng mà khóc.

Bà Lê Thị Thịnh kể lại những tháng ngày cơ cực khi làm vợ ở nơi xứ người.
Bà Lê Thị Thịnh kể lại những tháng ngày cơ cực khi làm vợ ở nơi xứ người.

Ký ức tủi nhục nơi xứ người

Trở về quê nhà sau 27 năm bị lừa bán sang Trung Quốc, được đoàn tụ với người thân, bà Lê Thị Thịnh không giấu được sự vui mừng, xúc động xen lẫn nỗi buồn tủi. Khi nhắc lại những tháng ngày chát đắng làm “vợ” xứ người, bà Thịnh lại nghẹn ngào, nước mắt cứ trào ra trên khuôn mặt khắc khổ, đen sạm.

Trước đây, bà Thịnh từng kết hôn với một người đàn ông ở cùng xóm nhưng cuộc hôn nhân nhân này lại nhanh chóng đổ vỡ. Bà cùng đứa con trai 3 tuổi về ở với mẹ đẻ. Không lâu sau đó, bà Thịnh đi thêm bước nữa và đẻ được một cô con gái.

Bà Thịnh một mình gồng gánh nuôi 2 con thơ, cuộc sống vốn khó khăn nay lại càng quẫn bách, túng thiếu.

Đến tháng 2/1992, thấy bà rất cần tiền để trang trải cuộc sống, một người phụ nữ tên Nga (là con nuôi của gia đình bà) giới thiệu lên Lạng Sơn nhặt ngô, khoai, sắn về bán ngày kiếm được 400 - 500 nghìn đồng. Tin lời của người phụ nữ này, bà Thịnh bế theo con gái 13 tháng tuổi cùng mẹ đẻ lên tàu đi Lạng Sơn.

“Khi đến nơi, người phụ nữ đó cho tôi uống một cốc nước, sau đó tôi không biết gì nữa. Tỉnh lại, tôi thấy mình ngủ trong một ngôi nhà lạ và biết mình đã mất liên lạc với mẹ và con gái. Đến ngày thứ 4, tôi mới được người phụ nữ này cho ra ngoài và bắt đi cắt tóc ngắn. Bất ngờ thấy dòng chữ Trung Quốc, tôi hỏi lại thì bị cô ấy quát mắng, dọa đánh và không cho nói bất kỳ một lời nào”, bà Thịnh nhớ lại.

Sau khi đưa qua biên giới, bà Thịnh bị bán làm vợ cho người đàn ông tên Dốc Phân, 30 tuổi, ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Do bất đồng ngôn ngữ lẫn phong tục, tập quán, bà luôn bị mắng chửi, tra tấn tinh thần.

Nhà chồng sợ bà Thịnh sẽ bỏ trốn nên cấm ra ngoài gặp gỡ mọi người. Bà phải làm việc quần quật cả ngày nhưng miếng ăn cũng không được no. Đêm về, nỗi nhớ con lại cồn cào, da diết khiến bà chỉ biết khóc thầm.

Sau một tháng sống ở nơi “đất khách, quê người”, bà Thịnh bất ngờ gặp được chị gái ruột của bà tên là Lê Thị Đua khi đó 39 tuổi, đang giặt đồ trên bờ sông gần nơi bà đang ở.

Gặp nhau, hai chị em vừa mừng vừa tủi. Nghe bà Đua kể lại, bà Thịnh mới biết chị mình cũng bị người phụ nữ tên Nga lừa bán làm vợ cho một người đàn ông ở vùng đồi núi tỉnh Quảng Tây.

Bà Thịnh giọng nghẹn ngào nói: “Nhìn thấy khuôn mặt gầy gò, hốc hác của chị gái mà tôi không cầm được nước mắt. Chị tôi cũng đã lập gia đình và có 3 người con ở Việt Nam nhưng bị người chồng phản bội dẫn đến tâm trí không ổn định. Chị ấy mới được bố mẹ tôi đưa về nhà chăm sóc không ngờ lại bị kẻ lừa đảo bán sang Trung Quốc”.

Tuy 2 chị em ở gần nhau nhưng mỗi năm cũng chỉ gặp nhau được vài lần vì nhà chồng không cho tiền để tiêu, cũng không cho đi đâu vì sợ bỏ trốn. Chỉ ngày lễ, Tết, bà Thịnh và bà Đua mới có cơ hội được gặp nhau để mà trò chuyện.

Sống với người chồng tên Dốc Phân được 1 năm, bà Thịnh mang bầu và sinh đôi được 1 trai, 1 gái. Khi 2 đứa con được 3 tuổi, bà Thịnh và bà Đua gặp nhau để nhờ người tìm cách đưa về Việt Nam.

Thế nhưng, một lần nữa số phận lại đùa giỡn với 2 chị em bà, cả bà và bà Đua tiếp tục bị một người phụ nữ khác lừa đưa đến một vùng khác của tỉnh Quảng Tây.

“Đến ở một nơi hoàn toàn xa lạ, tôi được người bán mình đưa đi chơi 1 ngày với lí do chuẩn bị quần áo để về Việt Nam. Nhưng khi tôi trở về thì không thấy chị gái đâu cả, kể từ năm 1996 chúng tôi mất liên lạc”, bà Thịnh kể lại, giọng như lạc hẳn đi.

Tại đây, cuộc sống của bà Thịnh với người "chồng" mới tên Thân (hơn bà 2 tuổi) gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sống chung được 3 tháng, bà đã tìm cách bỏ trốn về với người "chồng" cũ Dốc Phân.

Sau hơn 20 năm chung sống, người chồng cũ qua đời, 2 con cũng đã trưởng thành, bà Thịnh chỉ còn tâm nguyện ấp ủ bao lâu nay là được trở về quê hương “nơi chôn rau cắt rốn”.

Vào tháng 6/2019 vừa qua, bà Thịnh may mắn được một người phụ nữ Việt Nam tên Phương, cũng lấy chồng bên Trung Quốc đưa bà qua cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), nhờ đó bà mới được trở về đoàn tụ cùng người thân.

Niềm vui ngày trở về

Ngày về quê hương, cảnh vật chung quanh đều đã thay đổi, bà Thịnh chỉ còn nhớ mang máng ngôi nhà cũ năm xưa. Hai đứa con của bà đều đã trưởng thành. Người con gái 13 tháng tuổi thất lạc cùng bà ngoại giờ đã lập gia đình ở tỉnh Ninh Bình.

Bà Thịnh vui mừng nói: “Ngày tôi về mới biết chị Đua tự tìm đường về nhà được 16 năm nay rồi. Và chị Đua đang sống cùng với con trai tôi bấy lâu nay. Sau bao nhiêu năm lưu lạc, giờ tôi mong muốn có được những ngày tháng sống yên vui bên con trai và người thân của mình”.

Được tin bà Thịnh may mắn trở về sau 27 năm mất tích bí ẩn, người dân địa phương tìm đến thăm hỏi, động viên rất đông. Nhiều người thân, họ hàng hân hoan trong niềm hạnh phúc.

Cuộc đời tủi nhục của 2 chị em ruột bị bán sang Trung Quốc làm vợ

Bà Lê Thị Đua cũng bị bán sang Trung Quốc làm vợ, hiện tâm trí bà không ổn định.

Anh Lê Văn Vượng (SN 1986), con trai của bà Thịnh chia sẻ: “Mặc dù mẹ bị mất tích, không có tin tức gì nhưng cả 2 anh em tôi ngày nào cũng ngóng trông và hy vọng mẹ về.

Giờ mẹ cũng đã trở về rồi, dù chân tay tôi bị yếu hơn sau khi bị tai nạn giao thông nhưng chỉ cần có mẹ ở bên, 2 mẹ con rau cháo nuôi nhau cũng thấy hạnh phúc và đủ đầy”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Quý, Chủ tịch UBND xã Hà Ninh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) xác nhận, bà Lê Thị Thịnh vừa trở về địa phương được một thời gian, còn bà Lê Thị Đua thì trở về cách đây khoảng 16 năm nay.

Ông Quý cho biết: “Do tâm lý bà Đua không ổn định nên bà đang được nhận chế độ bảo trợ chính sách xã hội hàng tháng. Riêng bà Thịnh vừa mới trở về, UBND xã sẽ tạo điều kiện cũng như chỉ đạo Công an xã làm các thủ tục cần thiết để giúp bà Thịnh nhập hộ khẩu tại địa phương và ổn định cuộc sống”.

Theo congly.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.