Cuộc đời thú vị của nhà văn Andersen

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đọc cuốn “Chuyện đời tôi”, tuyển tập tự truyện, tư liệu, hồi ức và thư từ của đại văn hào người Đan Mạch Hans Christian Andersen (1805 - 1875), bạn đọc có thể hiểu thêm về cuộc đời của tác giả những câu chuyện cổ tích lung linh thời thơ ấu.

Cuộc đời thú vị của nhà văn Andersen

Các thế hệ người Việt đã quen thuộc với những câu chuyện thần tiên, cổ tích mê hoặc như Nàng tiên cá, Chú lính chì dũng cảm, Bộ quần áo mới của hoàng đế, Vịt con xấu xí, Cô bé bán diêm… Hẳn nhiều người sẽ tò mò muốn biết về cuộc đời của người đã viết nên những câu chuyện này như thế nào.

Những điều bí ẩn này sẽ xuất hiện trong cuốn sách tự truyện Chuyện đời tôi của văn hào Andersen dày dặn (lên tới 675 trang), sách do NXB Thế giới và Omega Plus mới xuất bản, theo bản dịch của dịch giả Đăng Thư, dịch theo bản tiếng Anh Story of My Life, xuất bản ở Anh năm 1871.

Qua cuốn tự truyện, độc giả có dịp tiếp cận đại văn hào ở nhiều góc nhìn hơn, khi ông xuất hiện không chỉ với tư cách một nhà văn thiếu nhi, mà còn là một nhà thơ, một kịch tác gia hay một tiểu thuyết.

Những câu chuyện kể trong cuốn tự truyện này không chỉ thuật lại những năm tháng tuổi thơ cùng nhiều duyên may định mệnh đã tạo nên bước ngoặt thay đổi đời mình, Andersen còn tiết lộ những chi tiết thú vị về đời sống viết lách phong phú của mình, với chất liệu dồi dào được ông thu thập qua biết bao những chuyến du ký qua nhiều xứ sở châu Âu, những cuộc gặp gỡ với nhiều nhân vật nổi tiếng, tiêu biểu của thế kỷ 19 ở Đức, Pháp, Italia, Hà Lan, Thụy Điển, Anh và cả những vùng đất và những công quốc mà giờ đây chỉ còn được chúng ta biết đến qua các tài liệu lịch sử…

Cuốn tự truyện đầy ắp chi tiết thú vị, chứa đựng gần như toàn vẹn tâm hồn của một tác giả lãng mạn, đầy tình thương yêu dành cho con người. Lần theo từng trang sách, độc giả được tìm hiểu những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên cùng những bước ngoặt làm nên sự thay đổi của cuộc đời nhà văn Andersen.

Qua đó, ta được biết tình yêu sâu sắc với văn học mà nhà văn đã nuôi nấng suốt thời tuổi trẻ, qua những chi tiết đáng yêu như việc ông thường tự trình diễn những vở kịch mà mình đọc được bằng con rối gỗ. Ông cũng hứng thú với nghệ thuật nói đùa và thường hỗ trợ trong việc đề xướng ra hội những người thích đùa giữa những người bạn của ông.

Sau khi cha mất năm 1816, Andersen phải tự đi kiếm sống, từ thợ dệt vải, thợ may và làm trong nhà máy thuốc lá. Năm 14 tuổi, ông đến thủ đô Đan Mạch Copenhagen làm diễn viên trong các nhà hát, nhờ chất giọng cao nên đã được kết nạp vào Nhà hát Hoàng gia Đan Mạch. Tuy nhiên, sự nghiệp này kết thúc nhanh chóng sau khi ông vỡ giọng, từ đó Andersen chuyển hẳn sang viết văn.

Andersen bắt đầu thành công sau vở nhạc kịch Tình yêu ở tháp nhà thờ thánh Nicholas được Nhà hát kịch Hoàng gia trình diễn năm 1829. Đến năm 1831, tên tuổi của ông được biết đến rộng rãi hơn, nhiều tác phẩm của ông đã được phát hành nhưng sự hấp dẫn của Andersen lại nằm ở thể loại truyện cổ tích.

Từ năm 1835, Andersen bắt đầu sáng tác truyện kể với nhan đề Chuyện kể cho trẻ em tại Italia. Kể từ đó hầu như mỗi năm ông đều cho ra đời một tập truyện. Trong đó ấn bản thứ ba của truyện cổ Andersen được xuất bản năm 1837, đã mang đến nhiều tác phẩm cổ tích nổi tiếng nhất của ông, được đông đảo thiếu nhi trên toàn thế giới yêu thích như: Nàng tiên cá, Bộ quần áo mới của hoàng đế, Chú vịt con xấu xí…

Không chỉ dẫn dắt độc giả đi theo hành trình sáng tác, cuốn tự truyện Chuyện đời tôi còn đưa độc giả theo bước chân nhà văn qua những chuyến du hành đến rất nhiều quốc gia châu Âu. Qua những trang viết của ông, độc giả ngày nay có thể thấy được rằng ở thế kỷ 19, các nước châu Âu quan tâm đến văn hóa nghệ thuật như thế nào?

Yêu thích những câu chuyện thần tiên của Andersen, yêu quý tác giả, chắc chắn độc giả nên đọc Chuyện đời tôi để hiểu thêm về cuộc đời của người đã dành hầu hết thời gian cuộc đời mình để viết những câu chuyện cổ tích vẫn còn sống mãi với thiếu nhi thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ