Cuộc đời ông trùm ma túy khu vực Tam giác Vàng

GD&TĐ - Với tham vọng thành lập một nhà nước độc lập, Khun Sa (1933 - 2007) đã tập hợp đội quân tinh nhuệ, trang bị vũ khí hạng nặng và thu phục những người dân bộ tộc thiểu số.

Khun Sa (phải) là trùm ma túy khu vực Tam giác Vàng.
Khun Sa (phải) là trùm ma túy khu vực Tam giác Vàng.

Nhà nước do Khun Sa thành lập phát triển lớn mạnh tại “trung tâm ma túy thế giới” Tam giác Vàng nhờ trồng thuốc phiện và tinh chế heroin.

Không biết đọc, biết viết

Sinh năm 1933 tại vùng núi Laemo, bang Shan, Miến Điện (nay là Myanmar), Khun Sa, tên thật là Trương Kỳ Phu, lớn lên trong gia đình có cha là sĩ quan Quốc Dân đảng còn mẹ là người dân tộc Shan. Năm Khun Sa 3 tuổi, cha hắn qua đời, mẹ tái giá với một người Shan ở huyện Mong Hpin, nằm sát biên giới Myanmar - Trung Quốc.

Khi về nhà bố dượng, cậu bé Trương Kỳ Phu được đổi tên thành Sa, có nghĩa là người giàu có. Sau này, khi đã nổi danh trong giới buôn ma túy, hắn được người ta kính trọng gọi là Khun Sa (Ngài Sa).

Đến năm Khun Sa 5 tuổi, mẹ hắn cũng từ giã cõi đời. Khun Sa được ông nội là Trương Thuần Vũ mang về nuôi nấng, dạy dỗ. Vốn là đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm lại học hành lười nhác nên Khun Sa không biết đọc, biết viết. Hắn thường trốn học đến nơi đóng quân của các đơn vị Quốc Dân đảng. Không lâu sau, Khun Sa gia nhập hàng ngũ này, được học về kỹ thuật chiến đấu và trồng cây thuốc phiện.

Trong cuộc nội chiến Trung Hoa, Quốc Dân đảng bị quân giải phóng đánh tan, Tưởng Giới Thạch phải chạy ra đảo Đài Loan. Đơn vị của Khun Sa chỉ là một nhánh nhỏ nên vẫn tiếp tục đóng quân ở Miến Điện. Lợi dụng tình thế “rắn mất đầu”, Khun Sa đã biến đơn vị này thành đội quân của riêng mình.

Vào thời điểm này tại Miến Điện, nhiều đơn vị tàn dư của Quốc Dân đảng đã chạy đến bang Shan, chiếm lĩnh những rẻo đất sát biên giới với Trung Quốc. Từ năm 1950, các nhánh quân Quốc Dân đảng liên tục đối đầu với tộc người Shan, người Wa và quân đội chính phủ Miến Điện, biến vùng biên giới trở thành khu vực hỗn loạn.

Khi mở rộng quy mô đến 800 người, đội quân của Shan cũng chiếm được một vùng đất rộng lớn của tộc người Shan và người Wa để trồng cây thuốc phiện và chế biến ma túy. Việc sản xuất, trao đổi hàng cấm giúp đội quân của Shan thu về những khoản tiền khổng lồ để đầu tư mua súng, đạn và lương thực. Nhận thấy thu nhập từ thuốc phiện cao hơn lên nương trồng lúa, người Shan, người Wa cũng ồ ạt làm theo. Từ năm 1952, địa danh “Tam giác Vàng” ra đời.

Quân đội liên hợp Shan do Khun Sa nắm quyền.
Quân đội liên hợp Shan do Khun Sa nắm quyền.

Người mở đường cho “trung tâm ma túy thế giới”

Ma túy đã thúc đẩy nền kinh tế của khu vực Tam giác Vàng từ đầu thế kỷ 19. Hơn một nửa sản lượng cây thuốc phiện được đưa vào hoạt động buôn bán bất hợp pháp. Các bộ lạc địa phương như Akha, Homong, Lahu, Yeo, trồng và thu hoạch thuốc phiện cho những người trả giá cao nhất như trùm ma túy hoặc sĩ quan quân đội.

Đến đầu những năm 1960, Khun Sa nổi danh là trùm ma túy lớn mạnh nhất tại Tam giác Vàng. Khi sự nghiệp đang trên đà phát triển, quân đội của hắn đối đầu với những nhóm Quốc Dân đảng tàn dư đang hoạt động trên đất Lào, Thái Lan và bị đánh bại. Khun Sa gần như trắng tay.

Năm 1969, Khun Sa bị quân đội Miến Điện bắt và giam giữ suốt 5 năm. Sau đó, Trương Tô Tuyền, tướng lĩnh dưới tay Khun Sa đã bắt cóc 2 bác sĩ người Liên Xô trong đoàn chuyên gia y tế sang giúp Miến Điện để đổi lấy Khun Sa.

Chính phủ Miến Điện không chấp nhận yêu cầu. Dưới áp lực của Liên Xô và cộng đồng quốc tế, chính phủ cuối cùng phải nhượng bộ, cho phép Khun Sa rời khỏi nhà tù ở Yangon nhưng bị quản chế tại gia. Sự kiện này từng gây chấn động thế giới.

Năm 1973, con trai lớn của Khun Sa cùng người chú Jaiyen đã tổ chức đưa Khun Sa ra khỏi nơi giam lỏng, bất chấp cảnh sát và lính dã chiến ngày đêm canh gác. Người thân, bạn bè của Khun Sa được phép vào nơi giam lỏng, thậm chí ở qua đêm. Do đó, Jaiyen đã tìm người có vóc dáng giống Khun Sa để thế chỗ.

Khoảng một giờ sau, Khun Sa thật lên ô tô ra về còn người thế thân đóng giả Khun Sa đàng hoàng ở lại trong khu vực giam lỏng. Đến ngày hôm sau, vụ việc mới bị phát hiện nhưng Khun Sa đã kịp trở về căn cứ tại Mae Sai, Thái Lan.

Trong thời gian chịu cảnh tù đày, Khun Sa đã ấp ủ tham vọng xây dựng một nhà nước riêng. Do đó, khi trở về với tự do, hắn đã tập hợp lực lượng, lợi dụng tinh thần dân tộc để khuyến khích những bộ tộc như Shan, Wa ở khu vực Tam giác Vàng thành lập Nhà nước Shan độc lập. Quân đội của hắn đổi tên thành Quân đội liên hợp Shan (SUA).

Lấy bang Shan làm lãnh thổ riêng, đội quân của Khun Sa nhanh chóng phát triển thành lực lượng vũ trang chống chính phủ. Cơ quan đầu não của đội quân đặt tại căn cứ địa Homong nằm tại tỉnh Mae Hong Son, Thái Lan. Quân đội liên hợp Shan liên tiếp đối đầu với chính phủ Miến Điện để giành quyền kiểm soát bang Shan.

Trong quá trình xây dựng quốc gia, Khun Sa tiếp tục mở rộng trồng thuốc phiện, đồng thời xây dựng hàng loạt lò điều chế heroin và sản xuất ma túy tổng hợp Amphetmin và Ecstasy. Vào những năm 1980, khu vực Tam giác Vàng được coi là trung tâm ma túy thế giới với cách thức gia công heroin tinh luyện.

Riêng Khun Sa nắm giữ 70% sản lượng ma túy và việc buôn bán của khu vực. Hắn giấu những xưởng điều chế heroin trong rừng núi, được canh gác cẩn mật. Thời điểm việc kinh doanh phát triển, Khun San sở hữu 15 xưởng tinh chế rộng lớn.

Từ Tam giác Vàng, heroin được vận chuyển trái phép đi khắp Đông Nam Á, thông qua các sân bay như Bangkok, Singapore, Hồng Kông hay New Delhi.

Không chỉ giương oai trong giới ma túy, Khun Sa đã bành trướng thế lực từ hơn 1.000 lính lên hơn 10 nghìn. Chưa dừng lại ở đó, hắn đã tập hợp, kết nạp những nhóm quân đội riêng lẻ trong bang Shan thành Quân đội Mông Thái (MTA), còn gọi là Quân giải phóng bang Shan. Đội quân có hơn 45 nghìn dân binh, được trang bị vũ khí hiện đại như súng trường, súng chống tăng, tên lửa tầm ngắn của Mỹ.

Người dân bộ tộc Shan.
Người dân bộ tộc Shan.

Ông vua không ngai

Lo sợ lực lượng của Khun Sa ngày một lớn mạnh, chính phủ Miến Điện đã áp dụng chiến lược vừa tấn công quân sự, vừa ly gián nhưng Khun Sa vẫn tiếp tục duy trì vị trí “Ông vua không ngai” tại Tam giác Vàng.

Quân đội giúp Khun Sa tránh khỏi các cuộc đột kích, tạo dựng vô số nơi trú ẩn cần thiết trong các ngôi làng địa phương. Dù nhiều lần bị ám sát bởi chính phủ Thái Lan, Miến Điện, Khun Sa vẫn tiếp tục bành trướng thế lực của mình.

Đầu những năm 1990, sự nghiệp của Khun Sa đạt tới đỉnh cao. Bên cạnh buôn bán thuốc phiện, Quân giải phóng bang Shan buôn bán đá quý, vũ khí và kiểm soát toàn bộ tuyến biên giới Miến Điện - Thái Lan dài 400km, phía Đông bang Shan và 3 tỉnh Chieng Mai, Chieng Rai và Mae Hong Son của Thái Lan.

Tại bang Shan, Khun Sa cũng thành lập trường học, đài truyền hình vệ tinh và tập dượt các trận phóng tên lửa phòng không. Bản thân Khun Sa từng tuyên bố: “Nhân dân của tôi, người dân bang Shan và tôi đều đấu tranh để giành độc lập. Chúng tôi không được bất cứ ai viện trợ, trồng thuốc phiện đương nhiên là nguồn lợi kinh tế duy nhất của chúng tôi”.

Sống trong biệt thự lộng lẫy tên là Bạch Cung, cách Homong 10km, Khun Sa được bảo vệ bởi hơn 3.000 lính tinh nhuệ. Hắn đối đãi với cấp dưới ôn hòa, coi trọng người tài, thường xuyên thăm hỏi dân chúng. Dù là trùm ma túy, Khun Sa cấm thuộc hạ sử dụng ma túy. Lấy bản thân làm gương, hắn nâng cao kỷ luật, đề ra quy định nghiêm ngặt để điều hành quân đội.

Khu nhà ở của Khun Sa tại bang Shan.
Khu nhà ở của Khun Sa tại bang Shan.

Tuy nhiên, đến những năm 1980, vị trí trung tâm ma túy thế giới của Tam giác Vàng đã bị Afghanistan thay thế, sự nghiệp của Khun Sa dần xuống dốc. Chính phủ Miến Điện cũng thúc đẩy chiến lược thống nhất nội bộ nên tình hình chính trị khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Từ năm 1989, được sự hỗ trợ của Mỹ, chính phủ Miến Điện đã tiến hành thương thuyết, hòa giải với nhiều tổ chức ly khai để chia rẽ Quân giải phóng bang Shan, đồng thời cô lập SUA. Đến năm 1993, gần 6.000 lính SUA đầu hàng quân đội chính phủ khiến lực lượng của Khun Sa suy giảm.

Thừa thế, quân đội Miến Điện đã mở đợt tấn công vào trung tâm Tam giác Vàng với sự phối hợp của chính phủ Thái Lan, Lào, bao vây các đường biên giới sang Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan. Lâm vào cảnh cùng đường, ngày 5/1/1996, Khun Sa buộc phải tuyên bố hạ vũ khí và bị áp giải về thủ đô Yangon. Hai tuần sau đó, quân đội SUA, ước tính gần 10 nghìn người, đã giao nộp vũ khí đầu hàng.

Dù đầu hàng chính phủ Miến Điện, Khun Sa đặt ra yêu cầu không dẫn độ hắn sang Mỹ để tránh bị khởi tố về tội buôn bán ma túy. Một bộ phận tay sai của Khun Sa vẫn ở lại khu vực bang Shan nhưng cũng “rửa tay gác kiếm”.

Sau khi trở về Yangon, Khun Sa được chính phủ Miến Điện cấp biệt thự và ở đó đến khi qua đời vào ngày 26/10/2007 do bệnh tiểu đường, huyết áp cao. Được hỏa thiêu, song nơi chôn cất Khun Sa vẫn còn là bí mật.

Được biết, trước khi qua đời, Khun Sa từng chi những khoản tiền lớn để xây dựng, trùng tu chùa chiền nhằm mong muốn gột rửa tội nghiệt. Cả cuộc đời, Khun Sa có 8 người con, trong đó nhiều người đã trở thành doanh nhân thành đạt tại Yangon, Myanmar.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.