Cuộc đời nữ thẩm phán da màu đầu tiên của nước Mỹ

GD&TĐ - Jane Matilda Bolin là người phụ nữ da đen đầu tiên trở thành thẩm phán Mỹ.

Năm 1939, Jane được bầu làm nữ thẩm phán da đen đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Năm 1939, Jane được bầu làm nữ thẩm phán da đen đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Không chỉ nổi tiếng về việc vượt lên nghịch cảnh và sự phân biệt chủng tộc, bà còn là nguồn cảm hứng về sự thành công cho phụ nữ Mỹ.

Tuổi thơ khốn khó

Jane Matilda Bolin sinh ngày 11/4/1908 tại thành phố Poughkeepsie, bang New York (Mỹ), trong gia đình có bố - ông Gaius C. Bolin - là luật sư người da đen nổi tiếng. Ông Gaius là người da đen đầu tiên tốt nghiệp Học viện Williams, một trong những trường đại học có tỷ lệ tuyển sinh khắc nghiệt nhất nước Mỹ lúc bấy giờ.

Ngay từ nhỏ, được tiếp xúc với công việc của bố, Jane đã dành sự quan tâm cho việc vận động và tìm kiếm bình đẳng xã hội. Cô bé thích thú khi được đến văn phòng luật của bố và sà vào những chồng sách nói về lịch sử người da màu, công cuộc chống phân biệt chủng tộc hay các vấn đề xã hội nổi cộm của nước Mỹ.

Chưa kể, là một đứa trẻ lớn lên tại thị trấn chủ yếu là người da trắng, Jane thường xuyên phải đối mặt với những cái nhìn chằm chằm, có phần khắt khe, từ người xung quanh. Cô bé thậm chí còn bị từ chối dịch vụ tại các doanh nghiệp địa phương. Jane nhận thức sâu sắc những thiệt thòi và bất công trong xã hội.

Chân dung của Jane được trưng bày trong Phòng Trưng bày quốc gia Mỹ.

Chân dung của Jane được trưng bày trong Phòng Trưng bày quốc gia Mỹ.

Sự phân biệt đối xử tại địa phương ngày càng lan rộng khi Jane bắt đầu nghĩ đến việc học đại học. Năm 1924, ở tuổi 16, Jane muốn theo học Học viện Vassar vì ngôi trường này gần nhà nhưng họ không nhận học sinh người da đen. Vì vậy, cô phải chuyển sang học tại Cao đẳng Wellesley, ngôi trường dành cho nữ sinh tại bang Massachusetts.

Cô là một trong hai học sinh da đen của lớp. Trong suốt thời gian học tại trường, Jane luôn giữ thành tích học tập tốt, nhiều lần đứng đầu lớp. Thế nhưng, cô cùng người bạn da đen còn lại bị bạn bè tẩy chay đến mức phải nghỉ học.

Jane viết trong nhật ký: “Những ngày đi học của tôi chủ yếu là những ký ức buồn bã, cô đơn. Trải nghiệm này có lẽ là một phần nguyên nhân khiến tôi dành sự quan tâm đặc biệt cho các vấn đề xã hội tại Mỹ như nghèo đói, phân biệt chủng tộc”.

Trước khi rời trường, Jane chia sẻ với cố vấn học tập là muốn nộp đơn vào Trường Luật Yale thuộc Đại học Yale, một trong những trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Thế nhưng, vị cố vấn đã ngăn cản Jane thực hiện ước mơ của mình vì lý do chủng tộc và giới tính.

Người này cảnh báo Jane sẽ phải chịu sự phân biệt đối xử hà khắc ở Trường Yale danh giá, vốn chủ yếu dành cho người da trắng. Chưa kể, ngành luật vốn là địa hạt không chào đón phụ nữ. Rất ít phụ nữ Mỹ theo đuổi nghề này còn phụ nữ da đen thì càng hiếm hoi.

Riêng trong vấn đề này, bố của Jane đồng tình với vị cố vấn. Cô kể lại: “Ban đầu, bố tôi rất phản đối việc tôi muốn theo nghề luật sư. Ông hi vọng tôi sẽ trở thành một giáo viên. Ông không cho rằng phụ nữ nên lắng nghe những điều khó khăn mà luật sư phải nghe mỗi ngày”.

Jane không mặc áo choàng của thẩm phán để gần gũi với trẻ em.
Jane không mặc áo choàng của thẩm phán để gần gũi với trẻ em.

Vô hình vì màu da

Không nản lòng, Jane tốt nghiệp tại một ngôi trường phổ thông vào năm 1928 với thành tích đứng đầu lớp. Sau đó, cô đăng ký vào Trường Luật Yale và trúng tuyển. Jane là một trong ba nữ sinh được chấp nhận vào năm đó và là nữ sinh da màu duy nhất.

Vào thời điểm Jane vào Yale, cả nước Mỹ chỉ có 22 luật sư da màu. Do Yale chưa có ký túc xá dành cho nữ nên Jane phải tìm nhà trọ bên ngoài. Hàng ngày, cô phải chịu đựng sự phân biệt đối xử từ bạn bè.

Một số người cố tình đẩy cửa đập vào mặt Jane khi họ vào lớp học. Nhiều giảng viên cố tình coi cô như không tồn tại trong lớp học và đi lướt qua cô ngoài hành lang như không khí.

Ông Edward Morrow, sinh viên da đen học cùng khóa với Jane, mô tả những sinh viên da đen tại Trường Luật Yale như “những hạt tiêu đơn độc trong biển muối”.

Bất chấp những trở ngại đó, Jane vẫn quyết tâm kiên trì và trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên tốt nghiệp Trường Luật Yale vào năm 1931. Sự kiện này đã phá vỡ nhiều rào cản cản trở Jane với thế giới bên ngoài như là phụ nữ học luật, là phụ nữ da màu trở thành luật sư.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh của Jane chỉ mới bắt đầu. Tại Trường Luật Yale, Jane đã gặp và kết hôn với Ralph Mizelle. Sau khi tốt nghiệp, cả hai cùng nhau tìm kiếm việc làm ở thành phố New York.

Dù tốt nghiệp với những thành tích ấn tượng, Jane rất vất vả khi tìm việc làm. Cô kể: “Tôi bị nhiều công ty luật từ chối vì là phụ nữ nhưng tôi chắc chắn rằng chủng tộc cũng là một phần nguyên nhân trong quyết định của họ. Tôi nhận được sự tiếp đón cực kỳ lạnh nhạt và bị loại bỏ khá nhanh chóng”.

Tuy nhiên, Jane chưa bao giờ là người dễ dàng bỏ cuộc. Vì không ai thuê cô, Jane đã cùng chồng thành lập công ty luật. Sau 5 năm làm việc, Jane đã giành được vị trí làm việc tại văn phòng cố vấn của tập đoàn luật gia thành phố New York. Bà được chỉ định làm việc tại Tòa án xử tranh chấp Quan hệ Gia đình, nơi thường xuyên xử lý nhiều vụ việc liên quan đến phân biệt chủng tộc.

Công việc này là một thành tựu khác với Jane. Bà được mọi người chú ý bởi là người phụ nữ da đen đầu tiên làm việc trong bộ phận pháp lý của thành phố New York và cũng là người phụ nữ da đen đầu tiên gia nhập Hiệp hội Luật sư thành phố New York.

Nữ thẩm phán da màu đầu tiên

Sau khi Hội chợ Thế giới 1939 khai mạc, Jane được Thị trưởng New York, Fiorello La Guardia mời đến gặp tại tòa nhà thành phố. Khi nhận thông tin này, Jane vừa vui mừng xen lẫn sợ hãi. Bà sợ bản thân đã làm sai điều gì hoặc những nỗ lực suốt bao năm qua sẽ bị gạt bỏ vì bà là phụ nữ, là người da đen hoặc vì một điều gì khác.

Jane đã đến Hội chợ Thế giới cùng chồng. Khi thị trưởng đến, ông nói chuyện với chồng của Jane một lúc, rồi quay sang nói với bà: “Tôi sẽ đưa cô trở thành một thẩm phán. Hãy nâng tay phải của cô lên”.

Trong khoảnh khắc đó, Jane hoàn toàn bất ngờ, không thốt lên lời. Bà chỉ biết làm những gì mà thị trưởng nói. Khi giơ tay phải của mình lên, Jane chính thức trở thành nữ thẩm phán da đen đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Khi đó, bà mới 31 tuổi.

Ban đầu, bố của Jane không hài lòng. Ông cảnh báo: “Các thẩm phán phải đối mặt với quá nhiều căng thẳng trong cuộc sống. Họ qua đời sớm vì đau tim”.

Những lời cảnh báo đó không thể ngăn cản Jane. Cô cũng không hề nao núng khi thông tin về việc bổ nhiệm của mình lan truyền trên toàn thế giới. Thay vào đó, Jane tập trung cho công việc.

Bà tiếp quản Tòa án Quan hệ Gia đình, sau này được đổi tên thành Tòa án Gia đình. Với tư cách là thẩm phán, Jane đã xét xử các vụ lạm dụng tình dục, giết người ở trẻ vị thành niên và không biết bao nhiêu vụ việc trẻ em bị bỏ rơi.

Bà quyết định không mặc áo choàng tư pháp của thẩm phán vì bà muốn những đứa trẻ tại tòa cảm thấy thoải mái chia sẻ với mình. Bên cạnh đó, Jane cũng ủng hộ việc chấm dứt phân loại máu hiến tặng và nhà ở công cộng dựa trên chủng tộc.

Từ khi nắm quyền, Jane không bao giờ quên xuất thân của mình và những phân biệt đối xử mà bà phải trải qua. Jane làm việc hăng say, không ngưng nghỉ để góp tiếng nói chống phân biệt chủng tộc. Nhờ những phán quyết của bà, các cơ quan chăm sóc trẻ em do chính phủ tài trợ bắt buộc phải chào đón trẻ em da đen. Bà cũng ngăn cản tòa án phân công các nhân viên quản chế dựa trên chủng tộc.

Jane (trái) chụp cùng bố.

Jane (trái) chụp cùng bố.

Biểu tượng của niềm hy vọng

Bên ngoài tòa án, Jane cũng là người tham gia mạnh mẽ vào các phong trào quyền công dân. Năm 1944, thành phố Poughkeepsie, New York, vinh danh bà là anh hùng địa phương nhưng Jane thẳng thừng từ chối. Bà thậm chí đã vạch trần lịch sử phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào thành phố này.

“Poughkeepsie đã tự huyễn hoặc rằng con người có tính ưu việt chỉ vì lý do màu da, chủng tộc hoặc tôn giáo”, bà phê phán.

Trong 20 năm sau đó, Jane là nữ thẩm phán da đen duy nhất ở Mỹ. Dù mọi người luôn xôn xao bàn tán về vấn đề này nhưng bà không mảy may quan tâm. Với Jane, việc là thứ nhất, thứ hai hay cuối cùng đều không quan trọng. Công việc mới chiếm trọn sự chú ý của bà.

Dù có một con đường tương đối thành công, Jane nhận thức rõ những khó khăn mà người cùng thời phải đối mặt. Năm 1958, nói về những người phụ nữ đi làm, Jane nhấn mạnh: “Chúng tôi phải chiến đấu từng li từng tí và đối mặt với sự sỉ nhục đôi khi không thể chịu đựng nổi. Thế nhưng tôi khuyến khích các bạn, những người phụ nữ ngoài kia, hãy khoác lên mình tấm áo choàng và chiến đấu chống lại khó khăn”.

Jane đã có 40 năm ngồi trên ghế thẩm phán và 3 lần được tái bổ nhiệm. Bà đã ngồi ở vị trí này qua 4 đời thị trưởng New York khác nhau mà không qua đời vì đau tim như bố bà đã cảnh báo. Năm 1978, bà nghỉ hưu.

Với những thành tựu ấn tượng trong suốt sự nghiệp thẩm phán của mình, Jane đã nhận được bằng danh dự từ các tổ chức khác nhau trên cả nước, bao gồm Học viện Williams, nơi bố bà là sinh viên da đen đầu tiên tốt nghiệp.

Sau khi nghỉ hưu, Jane dành thời gian làm tình nguyện viên dạy đọc viết tại các trường công lập ở thành phố New York, là thành viên của Hội đồng Quản trị bang New York. Bà qua đời năm 2007 ở tuổi 98 tại quận Queens, thành phố New York. Thẩm phán Jane Bolin là biểu tượng của niềm hy vọng và đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời để trao quyền cho phụ nữ và trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...