Cuộc đời của “Nữ hoàng sa mạc” Gertrude Bell

GD&TĐ - Bị chính quyền đế quốc Anh căm ghét, nhưng lại được người dân Iraq yêu quý, Gertrude Bell đã dành phần lớn cuộc đời đấu tranh giành độc lập cho Iraq. Bà được người dân tôn vinh là “Nữ hoàng sa mạc”.

Gertrude Bell (1868 – 1926).
Gertrude Bell (1868 – 1926).

Nhà thám hiểm gan dạ

Vào ngày 12/3/1921, trước tượng Nhân sư ở Ai Cập, ba nhà ngoại giao Anh đứng tạo dáng chụp ảnh. Trong số này có Gertrude Bell, nhà khảo cổ, nhà thám hiểm và điệp viên.

Đi cùng bà là Winston Churchill (sau này là Thủ tướng Anh), người xem bà là bạn, và TE Lawrence, được biết đến trên toàn thế giới với cái tên “Lawrence của Ả Rập”, một sĩ quan Anh có vai trò quan trọng trong cuộc nổi dậy của người Ả Rập chống lại sự thống trị của Đế quốc Ottoman - Thổ Nhĩ Kỳ.

Họ là thành viên của Hội nghị Cairo, nơi được trao quyền định hình Trung Đông và châu Á trong thời kỳ hậu Thế chiến thứ nhất.

Nhưng Gertrude Bell có lẽ là người rạng rỡ nhất vào những ngày tháng Ba này khi bà vừa đàm phán về chế độ tự trị cho người Iraq, buộc đế quốc Anh phải giữ lời hứa với bà trong Thế chiến thứ nhất.

Sinh ngày 14/7/1868, Gertrude Bell theo học ngành Lịch sử hiện đại tại ĐH Oxford, Anh. Bà là người phụ nữ đầu tiên đạt được học vị cao ở trường này. Sau khi tốt nghiệp, Bell trở thành một nhà thám hiểm quốc tế.

Ham mê leo núi, bà đã được vinh danh là một trong những người đầu tiên lên đến đỉnh núi “Gertrudspitze” ở dãy Alps. Tuy nhiên, máu phiêu lưu mạo hiểm đã khiến bà nhiều lần gặp những tình huống nguy hiểm. Năm 1902, thảm họa xảy ra khi một trận bão tuyết khiến Bell bị mắc kẹt trong dãy Alps ở Thụy Sĩ.

Bà bị kẹt trên sườn núi hơn 2 ngày trước khi bão tuyết tan. Hai năm sau, dù tay chân bị tê cóng, Bell vẫn chinh phục thành công ngọn núi Matterhorn. Đây chỉ là ngọn núi đầu tiên trong một loạt các ngọn núi mà bà đạt được trong sự nghiệp của mình.

Trong những cuộc thám hiểm tiếp theo, Bell chuyển từ địa hình đóng băng sang môi trường nóng bỏng, khám phá các sa mạc. Bà có cuộc hành trình xuyên Trung Đông đầu tiên vào năm 1892.

Năm 1909, Bell băng qua Lưỡng Hà, chụp ảnh các địa điểm khảo cổ. Những bức ảnh của bà đã trở thành một trong những tài liệu đáng tin cậy nhất về kiến trúc cổ, sau khi ISIS và cuộc nội chiến Syria đã phá hủy nhiều địa điểm trong những năm gần đây.

Sau đó, vào khoảng năm 1913, bà hướng đến Ba Tư, sau đó xuất bản sách và ảnh thể hiện sự quan sát sâu sắc của mình về Syria và Lưỡng Hà.

Gertrude Bell cùng các sĩ quan Anh trò chuyện với một nhà lãnh đạo Ả Rập tại Mesopotamia, năm 1917.
Gertrude Bell cùng các sĩ quan Anh trò chuyện với một nhà lãnh đạo Ả Rập tại Mesopotamia, năm 1917.

Đòi quyền tự quyết cho Trung Đông

Không như nhiều người Anh cùng thời, Bell dành hết tâm trí để tìm hiểu ngôn ngữ, chính trị và văn hóa của Trung Đông. Bà thông thạo tiếng Ả Rập, tiếng Ba Tư và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm đó, Bell gặp TE Lawrence, một sĩ quan quân đội Anh trẻ tuổi, người luôn giúp các quốc gia Ả Rập ở Trung Đông đấu tranh giành độc lập từ Anh. Vào thời điểm đó, Lawrence đang làm trợ lý cho một nhà khảo cổ học. Sau cuộc gặp gỡ giữa họ, Bell gọi Lawrence là “một chàng trai thú vị”.

Khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra, Bell hiểu rõ Trung Đông hơn bất kỳ người Anh nào và bà đã có được những đồng minh trung thành trong số các bộ lạc ở Lưỡng Hà. Người Anh đã phải nhờ sự trợ giúp từ Bell trong cuộc chiến chống lại người Ottoman, đế chế vẫn còn cai trị các khu vực rộng lớn ở Trung Đông, Đông Âu và Bắc Phi.

Năm 1915, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên làm việc cho tình báo quân đội Anh. Không có bí danh, bà chỉ được biết đến với cái tên “Major Miss Bell” (Thiếu tá Miss Bell).

Thiếu tá Bell đã làm việc ở Cairo (Ai Cập) trong Thế chiến thứ nhất cùng với TE Lawrence. Họ phân tích thông tin tình báo và khuyến nghị người Anh nên liên kết với những người Ả Rập để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, đánh bại đế chế Ottoman.

Bell liên hệ với các đồng minh Ả Rập của mình với lời hứa về quyền tự quyết của họ khi chiến tranh kết thúc và đế chế Ottoman sụp đổ. Mặc dù, người Anh không hề có ý định giữ lời hứa đó, Bell bảo đảm rằng họ sẽ thực hiện.

Bell đã tranh đấu cho quyền tự trị của người Ả Rập tại Hội nghị Hòa bình năm 1919 và đề xuất trong một báo cáo năm 1920 gửi chính phủ. Sau đó, năm 1921, bà trở lại Cairo cùng với Lawrence và Winston Churchill để vận động cho quyền cai quản của người Ả Rập đối với Iraq.

Tại hội nghị, Bell đã giúp vẽ đường biên giới phía Nam của Iraq và bà ủng hộ Faisal I, người đã giúp đỡ nước Anh trong chiến tranh, đứng đầu chế độ quân chủ mới. Vào ngày 3/10/1932, Vương quốc Iraq được trao quyền độc lập.

Người Iraq gọi Bell bằng kính ngữ “khutan”, có nghĩa là “người phụ nữ được kính trọng”.

Cam kết của Bell đối với nền độc lập của người Ả Rập không được người phương Tây tôn trọng hoàn toàn. Bà bị căm ghét bởi những kẻ theo chủ nghĩa đế quốc ở Anh, vốn muốn Anh đóng một vai trò tích cực hơn ở Trung Đông.

Gertrude Bell cuối cùng chuyển đến sống ở Baghdad và trở lại ngành khảo cổ học. Bà đã sống những năm cuối cùng của mình tại đây, chống chọi với bệnh phổi và được phát hiện chết vì dùng thuốc ngủ quá liều vào ngày 12/7/1926. Cái chết của bà do tự tử hay một tai nạn vẫn còn là điều bí ẩn.

Gertude Bell đã giúp thành lập Bảo tàng Quốc gia của Iraq. Để tri ân những đóng góp của “Nữ hoàng sa mạc”, Faisal I đã bổ nhiệm bà làm giám đốc các di tích cổ, nơi bà đã tranh đấu để lưu giữ những hiện vật của Lưỡng Hà tại Iraq, thay vì chuyển chúng đến các bảo tàng ở Anh.
Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.