Tây Ban Nha “nóng” khi Catalonia đòi quyền tự trị

GD&TĐ - Theo chính quyền vùng Catalan, họ đã giành được quyền tách khỏi Tây Ban Nha sau một cuộc trưng cầu dân ý gây nhiều tranh cãi và bạo lực ngày 1/10 vừa qua. 

Tây Ban Nha “nóng” khi Catalonia đòi quyền tự trị

Hàng trăm người đã bị thương sau khi cảnh sát đột nhập vào các điểm bỏ phiếu, trấn áp những người tham gia cuộc trưng cầu dân ý mà chính phủ Tây Ban Nha cho là bất hợp pháp.

Cuộc trưng cầu tai tiếng

Chính quyền ly khai Catalonia đẩy mạnh việc bỏ phiếu, bất chấp sự phản đối của Madrid và phán quyết của Tòa án tối cao Tây Ban Nha về tính bất hợp pháp của cuộc bỏ phiếu này. Trong số 2,2 triệu lá phiếu tính đến thứ Hai tuần này, có tới 90% phiếu ủng hộ Catalonia độc lập.

Nếu không có lệnh cấm bỏ phiếu trưng cầu dân ý của chính phủ Tây Ban Nha, thì có lẽ số người đi bỏ phiếu sẽ còn cao hơn nhiều, bởi Catalonia có tới 5,3 triệu cử tri đủ tiêu chuẩn. Chính quyền Catalonia cho biết ít nhất khoảng 770.000 phiếu bầu đã bị mất sau các cuộc đàn áp của cảnh sát tại các điểm bỏ phiếu.

Trong những cảnh quay được phát đi khắp châu Âu, cảnh sát chống bạo động Tây Ban Nha đã tiếp cận một số điểm bỏ phiếu và kéo những người đi bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý ra khỏi khu vực này.

Các quan chức địa phương cho biết hơn 800 người đã bị thương và 400 điểm trong số 2.300 điểm bỏ phiếu đã phải đóng cửa sau cuộc đàn áp của cảnh sát. Trong khi đó, con số này do Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cung cấp chỉ là 92 điểm.

Ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, Thủ tướng Tây Ban Nha phát biểu rằng người Catalan đã bị lừa tham gia bỏ phiếu bất hợp pháp.

Tất nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha đứng về phía sự can thiệp của chính phủ, bởi một phần trong cam kết của ông Rajoy khi nhậm chức là đảm bảo sự thống nhất quốc gia và phong tỏa các phong trào ly khai.

“Không thể tồn tại một cuộc trưng cầu dân ý muốn hủy bỏ Hiến pháp của chúng tôi và tách rời một phần đất nước chúng tôi mà không hề quan tâm đến ý kiến của cả nước” -ông Rajoy phát biểu - “Chúng tôi đã cho thấy rằng nhà nước dân chủ của chúng tôi có đầy đủ các phương tiện để tự bảo vệ khỏi những cuộc tấn công nghiêm trọng như cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp này”.

Trong khi đó, người đứng đầu Catalan - ông Carles Puigdemont - gọi bạo lực xảy ra tại các điểm bỏ phiếu là “một trang đáng xấu hổ” trong lịch sử nước này. Ông nhấn mạnh rằng “người Catalan đã giành được quyền tự do của một quốc gia độc lập”, dù phải đối mặt với sự đàn áp.

Ông Puigdemont phát biểu: “Chúng tôi đã giành được quyền được nghe, được tôn trọng và được công nhận. Catalonia đã đạt được chủ quyền và sự tôn trọng dành cho mình”.

Vấn đề Catalonia trong lịch sử

Cuộc bỏ phiếu có nguy cơ đẩy Tây Ban Nha rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất, kể từ khi chế độ độc tài Francisco Franco kết thúc vào năm 1975. Các nhà hoạt động dân tộc Catalan ủng hộ việc ly khai lập luận rằng khu vực này là một quốc gia riêng biệt với lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ riêng, cần phải được độc lập về tài chính.

Là một vùng giàu có ở Tây Bắc Tây Ban Nha, Catalonia có chính quyền riêng của địa phương, có quyền hạn đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục và thu thuế.

Tuy nhiên, khu vực này vẫn trả thuế cho Madrid, khiến các chính khách ủng hộ ly khai phàn nàn rằng doanh thu của họ được dùng để trợ cấp cho các vùng khác của Tây Ban Nha một cách không công bằng cho Catalonia.

Thật ra, tranh chấp về vấn đề này đã bắt đầu từ dưới thời của nhà độc tài Franco - chế độ độc tài đã kiềm chế hơn nữa những quyền hạn vốn ít ỏi của Catalonia.

Năm 1979, 4 năm sau khi Franco qua đời, Catalonia đã có quyền tự trị hoàn toàn. Năm 2006, chính phủ Tây Ban Nha cho phép Catalonia có những quyền hạn lớn hơn, được phép kiểm soát tài chính trong khu vực. Tuy nhiên, 4 năm sau, Tòa án Hiến pháp nước này lại bãi bỏ các quyền này, và chỉ ra rằng Catalonia không phải là một quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ