Nghệ sĩ Kim Anh tên đầy đủ là Mạch Kim Anh, thuộc dòng Minh Hương gốc Quảng Đông, Trung Quốc, sinh ra tại Lai Vung, Đồng Tháp.
Thập niên 80, 90 của thế kỉ trước, Kim Anh nổi tiếng ở hải ngoại nhờ biểu diễn thành công ca khúc khúc Mùa Thu lá bay (nhạc Hoa, lời Việt).
16 tuổi, chị đã là tên tuổi được rất nhiều sân khấu nước ngoài chào đón. Nhưng tài năng, nhan sắc ấy lại sớm vướng vào bi kịch. Cuộc đời của người đàn bà hát ấy, ngoài những vinh quang còn gắn liền với tai nạn, ma túy và sự cô đơn.
Điều tuyệt vời là chị đã nỗ lực vượt qua, để giữ lại một hình ảnh đẹp về nghệ sĩ với tuyệt phẩm “Mùa Thu lá bay” như một định mệnh.
Giống như con chim mỏi cánh, ở cái tuổi sắp sửa già, Kim Anh trở về quê hương như một sự kiếm tìm bến đỗ bình yên sau những giông bão để trú ngụ phần thời gian còn lại của cuộc đời mình.
Và cũng sau từng ấy thời gian, cái tên Kim Anh lại thêm một lần khiến khán giả Hà Nội tò mò khi xuất hiện bên hai huyền thoại âm nhạc: danh ca Khánh Ly và những bản tình ca của Trịnh Công Sơn .
Họ sẽ cùng “Cúi xuống thật gần” trong lần đầu tiên tái ngộ giới mộ điệu Hà thành. Ngoài việc hát nhạc Trịnh Công Sơn hay, Kim Anh còn là người bạn thân thiết của Khánh Ly trong những năm cả hai cùng bôn ba trên đất Mỹ.
Và cũng rất ít người biết rằng, Kim Anh cũng từng là “bóng hồng” trong cuộc đời nhạc sĩ họ Trịnh. Đó là những năm tháng ngắn ngủi thôi nhưng đủ mang lại cho chị những kỷ niệm đẹp, trong sáng, sự thành kính sâu sắc đối với ông.
Ca sĩ Kim Anh đã vượt qua nhiều biến cố trong cuộc sống để tiếp tục cầm micro hát.
Hút ma túy, uống rượu đến... ngất lịm
Cuộc đời của chị trải qua rất nhiều cung bậc, cả đỉnh cao và vực sâu. Chị đã đi qua những thăng trầm đó như thế nào?
Năm 1978, khi tôi vừa mới kết thúc show diễn trong một nhà hàng nước Mỹ thì một trận bão tuyết lớn nhất trong lịch sử ập đến. Đêm ấy, ô tô của tôi bị tuyết che phủ không dùng được.
Lo lắng cho các con, tôi phải đi nhờ xe của một người bạn để về nhà ngay trong đêm. Trên đường đi, xe bị trượt bánh và đâm vào một chiếc ô tô ngược chiều. Tai nạn khiến gương mặt của tôi bị tổn thương rất nặng và bị liệt chân tay.
Để giảm đau cả về thể xác và tinh thần, tôi đã dùng chất ma túy đến độ nghiện. Chưa hết, vài năm sau, một hôm tôi thấy da mặt vàng một cách kỳ lạ. Đi xét nghiệm, bác sĩ nói tôi bị ung thư gan và phải mổ.
Tôi hoảng loạn, trong thâm tâm không muốn làm con ma bị mổ bụng nên trốn bệnh viện về nhà. Quãng thời gian ấy, tôi đóng cửa suốt ngày, tự mình dằn vặt và đau khổ.
Trong khoảng một tuần, tôi chỉ uống rượu và hít ma túy với mong muốn mình được chết còn nguyên vẹn. Tôi ngất đi lúc nào không rõ, chỉ biết khi tôi tỉnh dậy thì đã ở trong bệnh viện.
Tôi nghe các con kể lại rằng, chúng gọi điện cho tôi không được nên tìm đến tận nhà thì phát hiện ra tôi đã ngất xỉu. Có lẽ, tôi sống được đến hôm nay là một phép màu. Sau này, âm nhạc đã tái sinh tôi thêm một lần nữa
Sau đó chị đã làm thế nào để giải thoát?
Sau khi thoát chết, cả bệnh ung thư cũng tự dưng biến mất, tôi quyết tâm cai nghiện. Năm 1985, trong lần qua Pháp đi hát, tôi đã tìm đến một nghĩa trang quân đội thời thế chiến 2.
Vợ chồng người giữ nghĩa trang đã cho tôi ở cùng họ. Trong khoảng 8 tháng ở đây là những ngày vật vã cắt cơn nghiện.
Tôi phải mất thêm 2 năm nữa đóng cửa ở trong nhà để chính thức từ giã ma túy. Những năm ấy, mỗi lần đi qua nơi mình từng mua ma túy là một lần cực hình. Phải quyết tâm lắm tôi mới không tái nghiện.
Sau này, điều gì đã khiến chị muốn quay về để sống và hát ở Việt Nam?
Tôi nghĩ đó là bản năng của con người. Nhưng điều này cũng gắn liền với những sự kiện lớn trong cuộc đời tôi.
Năm 1983, hay tin cha tôi ở Việt Nam bệnh nặng nằm một chỗ không qua khỏi. Người nhà tôi ra bưu điện gọi cho biết, cha tôi muốn nghe giọng tôi lần cuối.
Tôi đi thu âm bài hát Mùa thu lá bay vì trong đó có một từ nhắc đến tên của ba. Nhưng đến lúc thu xong, gửi về đến Việt Nam thì ba tôi đã mất rồi.
Ông mất đến ngày thứ ba mà mắt vẫn mở, chỉ đến khi mọi người mở đĩa nhạc ra, giọng hát của tôi vang lên, ông mới từ từ nhắm mắt.
Cha mất, tôi không thể nhìn mặt ông lần cuối, cũng không thể vái lạy và tiễn đưa ông. Gần 10 năm sau, khi mẹ tôi bắt đầu ốm nặng.
Tôi tự hỏi không lẽ mình cứ biền biệt bên này để phải chứng kiến ba mẹ ra đi mà không một lời từ biệt. Thế rồi tôi quyết tâm trở về.
Lần đầu tiên đứng trên sân khấu Việt, sau mấy chục năm vắng bóng, tôi nhận ra khán giả vẫn còn dành tình cảm cho mình và mình cần phải trân trọng điều đó.
Tôi đã không còn ở thời kỳ vinh quang, lộng lẫy nhất. Nhưng niềm an ủi lớn nhất là chút tình nghệ sĩ mà khán giả dành cho mình.
Theo Kim Anh chia sẻ thì Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là cặp đôi huyền thoại không thể tách rời.
Có người đàn bà nào không muốn chạm vào Trịnh Công Sơn một lần
Chị có thể chia sẻ về mối lương duyên gặp gỡ và hát nhạc của Trịnh Công Sơn được không?
Tôi sang Mỹ năm 1969, khi 16 tuổi, đi theo diện du học. Đến năm 1974 tôi sang Pháp học tiếp theo diện trao đổi du học sinh. Cuối tháng 4/1975 thống nhất đất nước, tôi từ Pháp trở lại Mỹ và ở luôn cho đến hôm nay.
Năm 1989, sau 20 năm đi xa, tôi về nước vào đúng đêm Giao thừa, khi biết tin mẹ tôi sắp mất. Năm 1991, tôi chính thức về diễn tại TP.HCM (từ mùng 1 đến mùng 3 Tết) và Hà Nội (mùng 4 - 5).
Đêm nhạc đầu tôi diễn tại TP.HCM có các nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn... tham gia. Và đêm ấy, anh Trịnh Công Sơn cũng đã đàn cho tôi hát một ca khúc của anh.
Sau lần ấy, anh Sơn và tôi trở nên thân thiết hơn. Những ngày tôi sống ở Sài Gòn, anh Sơn thường lái xe đến đón tôi ở khách sạn.
Chúng tôi về nhà anh rồi hai anh em cùng ngồi nhậu với nhau, nói chuyện đủ thứ trên trời dưới bể, cả chuyện nghề lẫn chuyện đời.
Vậy hóa ra chị cũng là một “bóng hồng” của nhạc sĩ họ Trịnh mà nhiều người không hề biết?
Anh Sơn lúc đó như là một cầu nối giữa những người xa quê như tôi, vừa mới trở về quê và mong muốn tìm kiếm bè bạn, tri âm.
Tôi không dám nhận mình là một bóng hồng bởi vì sẽ có người cho rằng mình “thấy người sang bắt quàng làm họ”.
Một cuộc đời vĩ đại, một con người nhân từ, một tâm hồn đẹp như anh ấy, có người đàn bà nào mà không muốn được một lần chạm vào anh, được trở thành một bóng hồng dù chỉ là thoáng qua.
Nhưng làm được điều đó còn là mối lương duyên tiền định, không phải cứ cố là thành.
Chị còn nhớ câu nói nào của cố nhạc sĩ dành tặng riêng mình?
Anh Sơn là một người hiền lành gần gũi, mộc mạc. Được anh yêu quý đã là một món quà vô giá đối với tôi. Thời đó, mới về Việt Nam, tiếng Việt của tôi chưa tốt.
Anh hay nửa đùa nửa trách tôi: “Mi à, mi phải nghe ta, mi muốn hát hay thì mi phải thuộc lời bài hát” rồi dúi vào tay tôi tập bản nhạc bắt học cho bằng được.
Cái giọng Huế đặc trưng, riêng biệt, ấm nồng của anh, tôi không bao giờ quên được.
Thời điểm ấy, không hiểu sao anh Sơn rất thương tôi, thường động viên, an ủi tôi. Có lẽ anh biết cuộc đời tôi đã trải qua quá nhiều khổ ải. Anh cũng muốn tôi hát nhiều ca khúc nhạc Trịnh.
Nhưng thú thực có nhiều bài tôi hát không tới được. Tôi sợ làm anh buồn...
Thời điểm ấy, Hồng Nhung cũng bắt đầu hát nhạc Trịnh Công Sơn nhưng tôi thấy, trong tất cả những nghệ sĩ hát nhạc của anh, không ai vượt qua được chị Khánh Ly. Họ đã trở thành huyền thoại không thể tách rời.
Là người bạn, đồng nghiệp thân thiết của danh ca Khánh Ly ở Mỹ, chị có chứng kiến câu chuyện bí mật nào trong mối tình âm nhạc giữa “Nữ hoàng chân đất” và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?
Dù thân thiết với nhau cả trong cuộc sống và sự nghiệp nhưng không chỉ với riêng tôi mà kể cả với nhiều người, những kỷ niệm về anh Sơn, chị Khánh Ly thường giữ riêng cho mình.
Chị ấy ít chia sẻ với ai bởi đó là một khoảng trời riêng, là phần ký ức mà chị không muốn ai can dự vào. Tôi nghĩ điều đó là đúng. Và chúng ta chỉ cần chiêm nghiệm điều đó qua âm nhạc là đủ.
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn thấm nhuần chất triết lý mà chỉ có Khánh Ly mới truyền tải được điều đó. Tôi nghĩ kể cả đến bây giờ, linh hồn anh ấy vẫn dõi theo giọng hát, cuộc đời của chị Khánh Ly.