Đồ chơi truyền thống dần lấy lại chỗ đứng trên thị trường
Các mặt nạ ma quỷ như trong dịp lễ Halloween của phương Tây bằng cao su mềm hay nhựa dẻo với giá rẻ nhưng tinh xảo, đã có thời gian dài lấn át những đầu sư tử, mặt nạ chú Tễu bồi bằng giấy cứng của các nghệ nhân trong nước. Những thanh kiếm nhựa, gậy ánh sáng, đinh ba Trư Bát Giới đủ màu sắc, đèn cù, đèn lồng nhựa… bán chạy hơn cả đèn lồng, đèn ông sao, đèn cù bằng tre bồi giấy kim trang truyền thống.
Đó là một thực tế trên các phố bán đồ chơi Trung thu ở Hà Nội trong nhiều năm. Thế nhưng năm nay, các cửa hàng ở Hàng Mã (nơi có thể coi là trung tâm của thị trường đồ chơi Trung thu tại Hà Nội) lại chú trọng nhập về những mặt hàng dân gian truyền thống như đầu sư tử, mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao, đèn kéo quân làm thủ công ngay ở những làng nghề ngoại thành.
Đang nhập lô hàng gần 30 chiếc đầu sư tử bằng giấy bồi để chuẩn bị cho đợt mua sắm Trung thu, chị H, chủ cửa hàng tại phố Hàng Mã, chia sẻ: Cái này là đón đầu tâm lý người tiêu dùng. Từ Trung thu năm trước, đồ chơi truyền thống đã được nhiều người tìm mua hơn.
Hơn nữa những dịp lễ gần đây, người dân cũng không còn mặn mà với những mặt hàng đến từ Trung Quốc nữa, dù giá rẻ nhưng chất lượng thấp, hơn nữa chủ yếu bằng nhựa và sử dụng sơn kém chất lượng nên nhiều gia đình hạn chế mua cho con em.
Cũng theo chị H và một số người kinh doanh khác trên phố Hàng Mã, Lương Văn Can, các mặt hàng đồ chơi truyền thống được họ đặt số lượng trực tiếp tại các làng nghề, nhưng chỉ một phần được bán tại cửa hàng, phần khác được chuyển đi các đại lý trong thành phố hoặc thậm chí chuyển về tỉnh cho các đầu mối.
Dẫn hai cậu con trai (5 và 7 tuổi) đi mua đồ chơi Trung thu sớm, chị N.K.Vân (Khương Trung, Hà Nội) cho biết cả hai anh em đều rất thích chiếc đầu sư tử bằng giấy bồi, giá từ 100.000 đồng/chiếc trở lên tuỳ kích; định mua cho mỗi đứa một chiếc đèn cù hay đèn ông sao luôn, nhưng cậu nào cũng bảo thôi để dành đến Trung thu mua thêm.
Có điều chị Vân cũng chia sẻ là nhiều món đồ chơi truyền thống gắn với tuổi thơ của chị hiện không còn. Chẳng hạn cả buổi chị dẫn hai con đi dọc các phố để tìm chiếc tàu thuỷ bằng thiếc vốn khá nổi tiếng trong những đồ chơi cổ truyền Hà Nội, hỏi hàng nào cũng lắc đầu không đặt làm nữa vì giá đắt mà ít khách hỏi mua.
Một chủ hàng ở góc phố Hàng Mã – Chả Cá mách, nếu muốn tìm mua thì đợi đến sát Trung thu, thường có người ở làng nghề lên, cũng là nghệ nhân chế tác luôn, có bán các mặt hàng như thế này, nhưng cũng khá hiếm, không phải năm nào cũng có.
Hàng “ngoại” vẫn có thị phần
Mặc dù tín hiệu vui trên thị trường đồ chơi Trung thu năm nay là sự quay trở lại thấy rõ của những đồ chơi dân gian truyền thống, nhưng không thể phủ nhận một điều rằng đồ chơi “ngoại”, mà như đã nói phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc, vẫn có thị phần của mình, nếu không muốn nói là có phần vẫn lấn lướt đồ chơi truyền thống.
Vốn dị ứng với những món đồ chơi rẻ tiền của Trung Quốc, nhưng anh N.V.Kính (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng phải thừa nhận sự nhạy bén đối với thị hiếu người tiêu dùng của các nhà sản xuất đến từ quốc gia láng giềng này.
Đưa cậu con trai đi mùa đồ chơi Trung thu, cậu bé chỉ thích chọn mặt nạ “người sắt” nổi tiếng từ loạt phim viễn tưởng của Mỹ. Anh Kính cho biết nếu như mọi năm, vào những dịp Trung thu như thế này, trên các phố bán đồ chơi của Hà Nội phổ biến nhất là các mặt nạ kinh dị, thì nay các siêu anh hùng chiếm thị phần khá lớn, đều do Trung Quốc sản xuất.
Dù rất không thích nhưng chiều con, cuối cùng anh Giang phải chọn một chiếc mặt nạ “siêu anh hùng” như vậy, sau khi đã “thỏa thuận” sẽ mua thêm một chiếc đèn ông sao. Nhìn cậu bé sau khi nhận món quà từ bay bố là biết: Đeo ngay chiếc mặt nạ lên mặt, bắt chước điệu múa may của “thần tượng”; còn chiếc đèn ông sao, nhất quyết bắt “bố cầm hộ con”.
Tương tự như vậy, dù các con khá thích đồ chơi truyền thống như đầu sư tử, trống cầm tay cổ truyền, nhưng cuối buổi “mua sắm”, chị N.K.Vân (Khương Trung, Hà Nội) cũng phải chiều hai cậu con trai, mua thêm cho mỗi đứa một cây gậy nhựa phát sáng nhái theo mẫu vũ khí của một anh hùng trên phim, cùng vài chiếc đèn giấy xếp về treo ở nhà.
“Công nhận họ giỏi thật, mấy chục ngàn một chiếc gậy nhựa có nút bấm phát sáng, đổi màu rồi chuyển nhạc. Mấy cái đèn giấy cũng vậy, đôi chục ngàn một chiếc, hình thức bắt mắt, mỗi năm lại thay đổi màu sắc một lần, phù hợp với các nhân vật hoạt hình mà trẻ đang biết đến. Mình muốn mua cho cháu mấy cái đèn ông sao nhưng không đứa nào chịu, bảo năm trước chơi rồi, chán lắm”, chị Vân chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Lê Quý Đức (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) lý giải những nhà sản xuất từ Trung Quốc đã nắm bắt, điều tiết được thị hiệu của trẻ em đối với thị trường đồ chơi nói chung chứ không chỉ riêng thị trường đồ chơi Trung thu. Đó cũng là lý do mà dù những mẫu mã xuất phát từ quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn chiếm thị phần lớn ở rất nhiều quốc gia.
Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa Lê Quý Đức, không ít người tiêu dùng muốn tìm mua hàng Việt, nhất là những đồ chơi truyền thống, nhưng quanh đi quanh lại cũng chỉ có đèn ông sao, đèn con thỏ, trống, mặt nạ bằng giấy bồi cổ truyền, đơn điệu về kiểu dáng, mẫu mã..; trong khi giá lại khá đắt.
Đồ chơi xuất sứ từ Trung Quốc thì vừa cập nhật kịp thời thị hiếu của trẻ, lại có nhiều phá cách, rất hấp dẫn người dùng, nhất là trẻ. Nhất là giá thành vừa phải, chơi xong bỏ đi ngay cũng không tiếc. Vậy nên, không ngạc nhiên khi đồ chơi cổ truyền lại lép vế đến vậy trước đồ chơi Trung Quốc trên thị trường một thời gian dài.
“Rất mừng gần đây truyền thống cũng đề cập nhiều đến những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có các đồ chơi dân gian. Rồi tâm lý quay về với cội nguồn, cộng với những nỗ lực đổi mới sản phẩm của nghệ nhân, góp phần đưa những mặt hàng truyền thồng quay trở lại, trong đó có đồ chơi Trung thu dân gian.
Tuy nhiên chừng đó là chưa đủ nếu các cơ quan chức năng không thực sự vào cuộc, có sự hỗ trợ thiết thực cho các làng nghề, các nghệ nhân để không chỉ bảo tồn truyền thống, mà còn khai thác được giá trị văn hóa cổ truyền trong nền kinh tế hiện đại nữa” - PGS.TS Lê Quý Đức nêu quan điểm.