Cuộc chơi dự án tỷ USD lại bắt đầu

Sau khi có tới 3 dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 10 tháng qua đã lên đến con số trên 19 tỷ USD.

Samsung là số ít nhà đầu tư nước ngoài triển khai các dự án tỷ USD đúng theo cam kết.
Samsung là số ít nhà đầu tư nước ngoài triển khai các dự án tỷ USD đúng theo cam kết.

Thêm một dự án tỷ USD nữa được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong tháng 10/2015. Đó là Dự án Nhiệt điện Duyên hải 2 tại Trà Vinh của nhà đầu tư Janakuasa (Malaysia), vốn đầu tư 2,4 tỷ USD.

Cộng thêm 2 dự án tỷ USD khác - Samsung Display (3 tỷ USD) và Thành phố Đế Vương (1,2 tỷ USD) được cấp trước đó, 3 dự án này đã đóng góp tới 6,6 tỷ USD trong tổng số 19,29 tỷ USD vốn FDI cấp mới và tăng thêm đổ vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay, chiếm trên 34%.

Như vậy, không nằm ngoài dự đoán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay sau khi có các dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã xoay chiều theo hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng của 10 tháng đầu năm nay lên tới 40,8% so với 10 tháng đầu năm trước.

Sự xuất hiện của các dự án tỷ USD, như thường lệ, nhận được sự đánh giá cao của dư luận. Thậm chí, với các địa phương thụ hưởng dự án, nhiều kỳ vọng được đặt ra đối với sự tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, nếu nhìn lại các dự án tỷ USD đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư từ trước tới nay, chưa nhiều dự án đã đi vào hoạt động.

Cho tới nay, Samsung có thể coi là điển hình duy nhất trong việc rất nhanh thực hiện các cam kết đầu tư tỷ USD của mình và những dự án đó, như Samsung Electronics Việt Nam ở Bắc Ninh (SEV) và Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đã đóng góp rất tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương và Việt Nam. 

Chỉ riêng 2 nhà máy này, năm ngoái đã đóng góp 26,3 tỷ USD cho tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Con số của năm nay là khoảng 30 tỷ USD.

Mới nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào đầu tháng 8/2015, song những ngân khoản đầu tiên của khoản cam kết đầu tư mới của Samsung Display đã được đưa vào giải ngân.

Không nhiều dự án tỷ USD làm được như vậy. Ngoài các dự án của Samsung, hiện tại, số các dự án tỷ USD khác đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động không nhiều. Có thể kể đến Dự án 1,5 tỷ USD của LG, Liên hợp Thép Formosa (10,5 tỷ USD) của Tập đoàn Formosa, hay Dự án Thép China Steel Sumikin, vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD…

Trong khi đó, các dự án tỷ USD đắp chiếu thì đang xếp hàng dài. Chẳng hạn, Dự án Thép Guang Lian, vốn đầu tư 3 tỷ USD của Tycoons và E-United ở Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), đã 9 năm nay bỏ hoang. 

Hay Dự án Bus Center của nhà đầu tư Nga, vốn đầu tư 1 tỷ USD, ở Bình Định. Rồi Dự án Thép Kobelco 1 tỷ USD ở Nghệ An. Các dự án hàng tỷ USD của Berjaya (Malaysia) ở TP HCM, Đồng Nai…

Danh sách các dự án này còn khá dài. Điều đáng nói là, nhiều dự án dù đã bị đưa vào tầm ngắm của cơ quan quản lý địa phương, bị cảnh báo thu hồi, nhưng lại được gia hạn và để đấy, khiến dư luận bức xúc. 

Hàng trăm héc-ta đất bỏ hoang và đấy là điều đã được các chuyên gia kinh tế cảnh báo là “gây lãng phí vô cùng to lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội”…

Xử lý rốt ráo các dự án tỷ USD chậm triển khai là yêu cầu đang được đặt ra đối với nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là các dự án bất động sản, dự án xây dựng các nhà máy điện…

Thực tế cho thấy, khác với những năm trước đây, khá nhiều dự án tỷ USD là ảo, thì nay, nhà đầu tư cam kết thật và đầu tư nhanh chóng. Mặc dù vậy, trong thời điểm hiện nay, vẫn rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để thúc tiến độ thực hiện các dự án này.

Trong 3 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm nay, ngoài Dự án Samsung Display đã bắt đầu triển khai đầu tư mở rộng, thì hai dự án Thành phố Đế Vương và Nhiệt điện Duyên hải 2 cũng cần sớm đi vào hoạt động. Các dự án điện, cũng như các dự án bất động sản lâu nay nằm ở “danh sách đen” chậm triển khai khá nhiều.

“Nếu các dự án quy mô lớn chậm triển khai, thì cần phải rà soát, làm sạch để dành cơ hội cho nhà đầu tư khác, tránh lãng phí, gây bức xúc trong xã hội”, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI đã nhiều lần nhấn mạnh điều này.

Theo Đầu tư

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ