Cuộc chiến truyền thông

GD&TĐ - Bất chấp các cuộc thăm dò giai đoạn tiền bỏ phiếu thì kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới đây vẫn là một ẩn số khó đoán định.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn vận động tranh cử cuối cùng của ứng cử viên đảng Cộng hòa và Dân chủ, với các hoạt động cấp tập như một “cuộc chiến truyền thông” giữa hai bên.

Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump như thường lệ đang liên tục tìm cách thu hút sự chú ý của cử tri bằng những hành động đầy tính ngẫu hứng. Những khoảnh khắc đôi khi là ngoại lệ đối với các chính trị gia cao cấp của ông đang chứng minh hiệu quả khi nhận được sự quan tâm nhiều hơn so với cách tiếp cận theo truyền thống của bà Kamala Harris, ứng viên của đảng Dân chủ.

Mới nhất là hôm 20/10 khi ông Donald Trump ghé thăm một cửa hàng bán đồ ăn nhanh McDonald’s ở vùng ngoại ô bang Pennysylvania. Ông mặc tạp dề và vào bếp chiên khoai tây theo sự hướng dẫn của các nhân viên chính thức của cửa hàng. Bên ngoài nhà hàng là an ninh thắt chặt và đám đông các phóng viên ảnh chờ đợi khoảnh khắc ông xuất hiện ở ô cửa bán hàng.

Tất cả hình ảnh đều cho thấy đây là hoạt động có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và mang động cơ chính trị chứ không hề là một sự ngẫu hứng nào. Tuy nhiên, hình ảnh ông mặc tạp dề vào bếp đã giúp ứng viên đảng Cộng hòa có khoảnh khắc gần gũi với công chúng và được lan tỏa như tâm điểm của truyền thông.

Cùng thời điểm này, ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris, đương kim Phó Tổng thống Mỹ, có bài phát biểu trước một sự kiện tôn giáo có sự tham dự của hàng nghìn người. Sau đó bà có điểm dừng chân khác trong cuộc vận động với sự xuất hiện của nghệ sỹ nổi tiếng Steve Wonder hát ca khúc chúc mừng sinh nhật bà tròn 60 tuổi.

So sánh về hiệu ứng truyền thông thì các hoạt động của bà Harris trong ngày nói trên tỏ ra kém hấp dẫn hơn so với đối thủ Donald Trump. Điều này phản ánh một phần thực tế hiện nay là trong giai đoạn nước rút, tình thế đang chuyển hướng sang có lợi cho ông Donald Trump hơn so với bà Harris trên đường đua vào Nhà Trắng.

Đây cũng là lợi thế vốn có của ông Trump, chính trị gia xuất thân doanh nhân từ lâu đã nổi tiếng trong việc tận dụng truyền thông và sự chú ý vào những khoảnh khắc không có trong kịch bản để thu hút công chúng. Những hoạt động khó lường này của ông trở nên thú vị vì gây ra bất ngờ hơn là những bước đi vận động dễ đoán mang tính truyền thống mà bà Harris đang thực hiện.

Khi được hỏi lý do không thay đổi cách tiếp cận công chúng để thu hút hơn, bà Kamala Harris khẳng định tiếp tục tranh cử dựa trên “kỷ luật” chứ không phải sự ngẫu hứng. Nhưng các chuyên gia cho rằng tính nguyên tắc này dường như không đủ để đảm bảo cho bà có được sự quan tâm cần thiết từ các cử tri.

Trong khi đó, theo các chuyên gia truyền thông, ngay cả việc bước vào gian bếp McDonald’s để chiên khoai tây của ông Trump không chỉ là hành động thu hút công chúng đơn thuần, mà còn là cách để ông châm chọc đối thủ.

Ông từng cáo buộc bà Harris đã nói dối mình từng có thời gian làm việc ở cửa hàng McDonald’s thời trẻ để thu hút cử tri là tầng lớp lao động. Sau khi chiên khoai tây, ông đã nói đùa với đám đông phóng viên rằng giờ đây mình đã có kinh nghiệm làm việc ở McDonald’s nhiều hơn bà Harris 15 phút.

Công thức tranh cử thiên về sự gần gũi cử tri của ông Trump từng giúp ông thành công năm 2016, nhưng đến năm 2020 lại thất bại trước ông Joe Biden, người có cách thức tranh cử tương tự bà Harris hiện nay. Do đó, bất chấp các cuộc thăm dò giai đoạn tiền bỏ phiếu thì kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới đây vẫn là một ẩn số khó đoán định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ