Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Hậu quả nhãn tiền

GD&TĐ - Chỉ số Hang Seng (Hongkong) đã giảm 3,7% vào sáng thứ Sáu, trong khi chỉ số Composite Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 3,4%, chỉ số Nikkei của Nhật giảm khoảng 3,9%, khiến thị trường cổ phần trong khu vực sụt giảm hàng tỷ dollar.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Hậu quả nhãn tiền

Thị trường cổ phiếu lao đao

Đây là hậu quả nhãn tiền diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lệnh cho đại diện thương mại của Hoa Kỳ nhằm vào thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá khoảng 60 tỷ USD sau cuộc điều tra kéo dài 7 tháng về trộm cắp tài sản trí tuệ.

Chỉ trong vòng vài giờ sau khi có quyết định của Nhà Trắng, Trung Quốc ngay lập tức có đòn trả đũa. Bộ Thương mại nước này cho biết các biện pháp trừng phạt thương mại sẽ nhằm vào mục tiêu 3 tỷ USD các sản phẩm từ thịt lợn và ống thép. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này cho biết sẽ theo đuổi các hành động pháp lý chống lại nhau tại Tổ chức Thương mại Thế giới.

“Trung Quốc không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng Trung Quốc không sợ chiến tranh thương mại. Chúng tôi tin tưởng vào khả năng của mình trong việc đối phó với bất kỳ thách thức nào”, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.

Sau thông báo của ông Trump, tại Wall Street, sự sụt giảm trong khu vực cũng lâm vào tình trạng khá tồi tệ. Chỉ số Dow giảm mạnh 724 điểm, tương đương 2,9%, S&P giảm 2,5%, Nasdaq giảm 2,4%.

Theo ông Jingyi Pan, một nhà chiến lược thị trường ở Singapore, thị trường chứng khoán châu Á đang phải cảm nhận sức nóng của “lửa và thịnh nộ” từ các biện pháp chế tài thương mại mới nhất của Nhà Trắng.

Sự trả đũa nhanh chóng của Trung Quốc càng đẩy thêm tình trạng rối loạn trong thị trường cổ phiếu ở khu vực này. Các mức thuế “trả đũa” làm tổn thương các doanh nghiệp ở nhiều mức độ khác nhau.

Tập đoàn WH (WHGLY) chuyên xuất khẩu thịt lợn từ Mỹ sang Trung Quốc bị giảm mạnh tới 10% trong giao dịch tại Hongkong.

Một số cảnh báo cho thấy, các nhà đầu tư có thể lâm vào tình trạng bất an trong “cuộc chiến” giữa các biện pháp thương mại nhằm vào nhau của Mỹ và Trung Quốc. Ông Pan nhận định: “Không nên loại trừ khả năng rằng chúng ta có thể rơi vào giai đoạn tranh chấp thương mại kéo dài”.

Gậy ông có đập lưng ông?

Trong danh sách mức thuế “trừng phạt” của Mỹ, các mặt hàng hàng đầu bị áp mức thuế mới có nhôm và thép. Như vậy, chính các nhà sản xuất lớn của Mỹ sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho thép mà họ sử dụng để sản xuất động cơ máy bay, phụ tùng ô tô và vật liệu xây dựng.

Người làm nông nghiệp Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng, bởi Trung Quốc là một nhà nhập khẩu lớn các loại cây trồng ở Mỹ. Mặc dù Trung Quốc chưa tiết lộ lĩnh vực xuất khẩu của Mỹ mà họ có thể nhắm tới, nhưng các sản phẩm nông nghiệp từng là mục tiêu trả đũa trong lịch sử.

Gần đây, Trung Quốc đã khởi động một cuộc điều tra về xuất khẩu lúa miến ở Mỹ để trả đũa cho mức thuế áp dụng với máy giặt và pin mặt trời của Trung Quốc. Năm 2017, Mỹ bán cho Trung Quốc khoảng 1 tỷ USD lúa miến.

Nếu Trung Quốc áp đặt thuế cho mặt hàng xuất khẩu này thì những bang như Kansas, sản xuất gần nửa sản lượng lúa miến của Mỹ, sẽ phải đối mặt với cú sốc tài chính đáng kể.

Trong khi đó, phản ứng với kế hoạch áp đặt thuế quan với thép và nhôm của ông Trump, Liên minh châu Âu cũng công bố hàng trăm sản phẩm do Mỹ sản xuất, từ bơ đậu phộng đến du thuyền sẽ bị trả đũa.

Việc này sẽ làm tổn thương đến nền kinh tế của các tiểu bang sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng này. Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã khẳng định EU, Argentina, Brazil, Hàn Quốc và Australia sẽ không phải chịu các khoản phạt thương mại nói trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ