“Cuộc chiến” nước mắm chưa đến hồi kết

GD&TĐ - Tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp về dự thảo TCVN 12067 : 2019 (Quy phạm thực hành về sản xuất nước mắm vừa bị tạm dừng) của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc tổ chức tại Phú Quốc (Kiên Giang) mới đây, các chuyên gia, nhà sản xuất nước mắm cho rằng, họ sẽ tiếp tục kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương để nước mắm truyền thống không bị “bức tử”. 

Cần tách biệt rõ giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp
Cần tách biệt rõ giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp

Bởi dự thảo TCVN 12067:2019 mới chỉ tạm dừng để xin ý kiến các tổ chức, hiệp hội và sẽ tiếp tục được trình… thông qua trong thời gian tới.

Cần được bảo tồn, phát triển

Tuy dự thảo TCVN 12067: 2019 đã chính thức được Bộ Khoa học - Công nghệ chỉ đạo dừng công bố, nhưng ông Huỳnh Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho rằng, rất có thể nó sẽ lại được thông qua trong thời gian tới. Bởi vậy, các nhà sản xuất nước mắm cần có ý kiến để khi TCVN 12067:2019 được ban hành sẽ gần hơn với thực tế, tạo điều kiện để nước mắm truyền thống được bảo tồn và phát triển.

Theo ông Hưng, hiện Phú Quốc có 53 doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất nước mắm với số lượng 7.800 thùng, bình quân mỗi thùng từ 10 - 12 tấn. Quy ra sản lượng bình quân 25 độ đạm khoảng 25 triệu lít mỗi năm. Bên cạnh đó, có 2.600 tàu thuyền đánh bắt cá cơm để sản xuất nước mắm. Với chừng ấy doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất nước mắm, đánh bắt thủy sản đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển của Phú Quốc, cũng như thu ngân sách xây dựng địa phương.

Trưng giấy chứng nhận của Liên minh châu Âu cấp về chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Phú Quốc, ông Hưng cho rằng, đây là tài sản quý báu, là mồ hôi công sức của các nhà sản xuất và các bộ ngành. Bởi để có được chỉ dẫn này, nước mắm Phú Quốc đã phải vượt qua rất nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn rất khắt khe mà Liên minh châu Âu đưa ra.

Nếu các tiêu chuẩn như dự thảo được thông qua, nước mắm truyền thống mất đi thì chỉ dẫn địa lý được Liên minh châu Âu công nhận còn giá trị gì nữa? “Giá trị này không phải chỉ riêng cho Hội Nước mắm Phú Quốc mà nó là tài sản quốc gia. Vì thế, ngành nghề sản xuất nước mắm truyền thống cần được nuôi dưỡng và bảo tồn lâu dài...”, ông Hưng nói.

TS Trần Thị Dung
TS Trần Thị Dung 

Không thể đánh đồng

Nói về dự thảo TCVN 12067:2019, TS Trần Thị Dung - Chuyên gia nước mắm của Hiệp hội Thực phẩm minh bạch - thành viên Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP) cho rằng, cần phải tách bạch hai tiêu chuẩn riêng biệt (một cho nước mắm truyền thống, một cho nước mắm công nghiệp), sau đó soạn tiêu chuẩn cho từng loại nước mắm để người tiêu dùng biết, chứ không thể đánh đồng được.

TS Dung cho biết thêm, dự thảo có rất nhiều điểm bất hợp lý, không phù hợp trong quy trình thực hành sản xuất nước mắm truyền thống. Chẳng hạn, quy định về nước sạch sản xuất nước mắm - quả thực quy định này các nhà sản xuất nước mắm chẳng hiểu người soạn thảo nói gì?

Theo bà Dung, thông tin cho rằng các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống mất vệ sinh, không đạt tiêu chuẩn này, quy định kia là không có cơ sở. Bởi nếu không đạt, liệu các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm có cho cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống tồn tại đến tận giờ hay không. Liên minh châu Âu có công nhận chỉ dẫn địa lý không? Nếu các cơ quan quản lý Nhà nước thấy cơ sở nào không đủ điều kiện, không đạt tiêu chuẩn thì nên dứt khoát đóng cửa. Chứ cớ gì lại tưởng tượng ra các mối nguy không phù hợp để đưa vào quy định, rồi bắt nhà sản xuất nước mắm phải tuân thủ?

“Theo tôi, một khi đưa các tiêu chuẩn bất hợp lý kể trên vào quy định, các nhà sản xuất sẽ phải chạy theo. Khi đó chắc chắn sẽ rất tốn kém về tiền của và mất rất nhiều thời gian, công sức để chạy theo các loại thủ tục, giấy tờ phát sinh. Bởi khi đó cứ đè các nhà sản xuất để xét nghiệm, kiểm tra các chỉ tiêu không căn cứ, tạo dư luận không tốt, mập mờ trong truyền thông thì ai là người có lợi? Ai sẽ là người bị thiệt? Cái vô lý nữa là các cơ sở truyền thống từ xưa đến nay họ vẫn đều dùng thùng gỗ hoặc bể xi măng để sản xuất chượp cá, vậy trong dự thảo có quy định phải có màu sáng, chẳng nhẽ họ lại phải sơn màu trắng lại hết tất cả các thùng gỗ, bể của họ à?!" - TS Dung nói.

“Theo quan niệm dân gian thì tên nước mắm phải là “nước mắm truyền thống” còn nước mắm bị pha chế gọi là… nước chấm. Nếu đặt ở khía cạnh thương mại thì có thể gọi là “nước mắm pha chế” chứ không thể đánh đồng giữa hai cái tên là nước mắm chung chung như thế được. Bởi những nhà sản xuất nước mắm truyền thống có thể họ “yếu thế” về mặt truyền thông, vì không có tiền quảng cáo hàng ngày, hàng giờ, nên qua dự thảo đang “nóng” này họ mong muốn phải nói rõ rằng hai loại nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp nó như thế nào...” - TS Dung nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ