Sau hơn 1 tuần Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ban hành văn bản tăng cường kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường, nhiều vỉa hè trên các tuyến phố Hà Nội vẫn bị chiếm dụng kinh doanh, để xe... Người đi bộ vẫn phải đánh cược tính mạng dưới lòng đường.
Vỉa hè vẫn bị chiếm dụng
Tại ngõ 3, phố Khuất Duy Tiến (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) dù chính quyền địa phương đã kẻ vạch trên vỉa hè dành cho người đi bộ, nhưng nhiều hộ dân vẫn ngang nhiên để xe máy. Vì thế, học sinh, người đi bộ vẫn phải đi dưới lòng đường.
Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, trên địa bàn phường Thanh Xuân Bắc có nhiều trường học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) và ký túc xá Mễ Trì với hàng nghìn học sinh, sinh viên.
Việc vỉa hè tuyến phố bị lấn chiếm, bày bán hàng kinh doanh khiến học sinh, sinh viên, người dân phải đi bộ dưới lòng đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Khu vực này vào giờ cao điểm có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND phường Thanh Xuân Bắc cho biết, trước khi kẻ vạch với chiều dài hơn 2.000m trên vỉa hè dành cho người đi bộ, chính quyền đã in 600 thư ngỏ và bản cam kết gửi các hộ kinh doanh.
UBND phường Thanh Xuân Bắc đã mời người dân họp để lấy ý kiến trước khi tiến hành sơn, kẻ vạch vỉa hè. Theo đó, xe máy được để phía trong vạch kẻ trên vỉa hè, phần ngoài dành cho người đi bộ.
Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên ngày 16/3 thì tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè tại khu vực này vẫn đang diễn ra như chưa hề có cuộc “ra quân” giành lại vỉa hè của Hà Nội.
Tương tự, tại phố Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm) nơi có Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Phụ sản Trung ương với số lượng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ra vào mỗi ngày rất cao. Tuy nhiên, tình trạng người bán hàng, lấn chiếm vỉa hè ở đây vẫn diễn ra tràn lan.
Ngày 16/3, tại phố Nguyễn Như Uyên (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh để xe máy lấn chiếm vỉa hè.
Được biết, tình trạng vi phạm vỉa hè trên phố Nguyễn Như Uyên diễn ra từ lâu. Tương tự tại nhiều tuyến phố trên địa bàn phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) tình trạng lấn chiếm vỉa hè để xe máy vẫn diễn ra.
Phố cổ vẫn… “nóng”
Du khách đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè phố Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm) bị lấn chiếm. |
Trong sáng 16/3, ghi nhận, trên tuyến phố Hàng Bông, Hàng Gai, Phùng Hưng và Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm)… có hiện tượng ô tô khách dừng đỗ thành hàng 2, hàng 3 đón trả khách ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của phụ huynh đưa con em đi học.
Đại úy Nguyễn Hoàng Ninh, Đội trưởng Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), cho biết, đơn vị đã điều tra cơ bản yêu cầu các khách sạn tư nhân trên phố cổ có thời gian đón trả khách hợp lý tránh giờ cao điểm.
Việc vận chuyển khách du lịch cũng cần tuân thủ các quy định của pháp luật, bên cạnh việc có nơi đến nơi đi, cũng phải có đầy đủ danh sách hành khách.
Về hoạt động xe U-oát đỗ dưới lòng đường, Đại úy Ninh cho biết thêm, các phương tiện này thường xuyên vi phạm dừng đỗ sai quy định, gây ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông. Do vậy, đơn vị đã tổ chức điều tra cơ bản, xác định đây là những chiếc xe cá nhân chuyên chở khách du lịch tham quan các danh lam, thắng cảnh ở Hà Nội.
“Thực tế kiểm tra, người điều khiển đều xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến đăng ký, đăng kiểm phương tiện cũng như giấy phép lái xe nên chúng tôi chỉ căn cứ trên các lỗi dừng đỗ và yếu tố an toàn kỹ thuật như không có kính chắn gió. Bên cạnh việc xử lý, lực lượng làm nhiệm vụ cũng tuyên truyền, nhắc nhở lái xe chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật...”, Đại úy Ninh thông tin.
Cũng trong sáng 16/3, các tổ công tác Đội CSGT số 1 đã nhắc nhở và xử lý hơn 10 trường hợp xe khách, xe U-oát trên các tuyến phố Hàng Bông, Hàng Gai, Phùng Hưng… Còn tính từ ngày 3/11/2022 đến nay, đơn vị đã xử lý tổng số 22 trường hợp xe U-oát vi phạm Luật Giao thông đường bộ với số tiền 7,6 triệu đồng. Trong đó, 13 trường hợp dừng đỗ sai quy định, 9 trường hợp không có kính chắn gió hoặc kính chắn gió không có tác dụng.
Chiều 16/3, có mặt tại phố Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm) phóng viên ghi nhận tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi đỗ xe, kinh doanh vẫn diễn ra và thiếu vắng lực lượng chức năng nhắc nhở, xử lý.
Vì vậy, nhiều du khách nước ngoài phải đi bộ dưới lòng đường. Tương tự, tại các phố Thuốc Bắc, Hàng Bạc… tình trạng lấn chiếm vỉa hè cũng diễn ra gây mất mỹ quan đô thị.
Trước đó, tại buổi giao ban báo chí thường kỳ tháng 2 (ngày 9/3), Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội - cho biết, đến nay nhiều quận, huyện đã làm tốt, nhưng một số quận, huyện chưa vào cuộc một cách quyết liệt, có nơi còn bỏ trống, thụ động.
Theo Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, sau khi tập trung xử lý thì phải nâng cao ý thức của người dân, hình thành lại khái niệm về vỉa hè không phải là nơi kinh doanh, buôn bán. Vỉa hè là không gian công cộng, chỉ phục vụ người đi bộ, không phải nơi trông giữ phương tiện.
Thông tin thêm về vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, Chủ tịch UBND thành phố đã ký ban hành văn bản liên quan đến tăng cường kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường.
Trong đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ tịch các quận, huyện, thị xã; giám đốc các sở, ngành liên quan phải xây dựng các kế hoạch phân công cụ thể tổ chức thực hiện rà soát điều kiện chuẩn bị cho công tác sắp xếp, lập lại trật tự hè phố, lòng đường. Các cơ quan này phải tổ chức kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm, thường xuyên duy trì lập lại trật tự hè phố, lòng đường.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng giao Văn phòng UBND thành phố công khai thông tin chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn để xảy ra tình trạng vi phạm về trật tự lòng đường, hè phố trên địa bàn tại buổi họp báo của UBND thành phố hàng tháng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, sở, ngành liên quan xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý trật tự đô thị năm 2023, với quyết tâm giành lại hè phố cho người đi bộ.