Hà Nội: Giành lại vỉa hè nhưng 'quên' cổng trường

GD&TĐ - Công an quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội đồng loạt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Khu vực vỉa hè cổng Trường Đại học Điện lực thành 2 dãy xe máy.
Khu vực vỉa hè cổng Trường Đại học Điện lực thành 2 dãy xe máy.

Tuy nhiên, nhiều vỉa hè, khu vực cổng trường học vẫn lộn xộn những bãi trông xe.

Vỉa hè thành bãi xe

Đầu giờ sáng, hay khi tan học, giao thông tại khu vực cổng Trường Đại học Điện lực (số 235 Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) hàng trăm xe máy lưu thông trên vỉa hè hai bên cổng trường.

Nhiều xe máy đi ngược chiều. Việc này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến sự an toàn của học sinh, sinh viên.

Ghi nhận của phóng viên, sáng 9/3, tại một bãi giữ xe dọc vỉa hè hai bên cổng Trường Đại học Điện lực cho thấy, đây là điểm gửi xe của nhiều học sinh, sinh viên trong trường.

Việc tổ chức bãi trông giữ xe tại đây gây mất mỹ quan, lộn xộn và thường xuyên xảy ra tắc đường vào giờ cao điểm. Đặc biệt, bãi gửi xe này nhiều lúc để xe thành 2 hàng chiếm gần hết lối đi bộ.

Em Phạm Thị Hồng H (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngày 8/3, em đến Trường Đại học Điện lực để nắm thông tin về việc mua hồ sơ đăng ký tuyển sinh đại học năm 2023. “Khi em vừa đậu xe trước cổng trường thì có người đến nhắc gửi xe bên ngoài trên vỉa hè...”, Hồng H chia sẻ.

Hồng H cho biết, trên vé xe không ghi ngày giờ và giá niêm yết, địa chỉ công ty, đơn vị mà chỉ có số điện thoại 0962.998.333... “Không rõ đơn vị trông xe, nếu gửi xe mà bị mất cắp hoặc thất lạc vé hay va quệt ngoài ý muốn ai sẽ chịu trách nhiệm…”, Hồng H nói.

Dù có biển “Khu vực bảo vệ, cấm đỗ các loại xe, cấm bán hàng trên vỉa hè”, nhưng thực tế vẫn tồn tại 2 hàng xe máy được sắp xếp kín trên vỉa hè cổng sau của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (phố Nghĩa Tân kéo dài, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy).

Tương tự, tại cổng Trường Mầm non Trăng Đỏ (khu đô thị Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) phía vỉa hè sát trường cũng xuất hiện những bãi đỗ xe máy cùng nhiều ô tô, dù có biển cấm đỗ xe.

Cùng với khu vực cổng trường nhiều tuyến phố Hà Nội mà phóng viên khảo sát ngày 9/3, lòng đường trở thành “bãi xe” di động. Đơn cử như ở dọc phố Mạc Thái Tổ, tổ dân phố 26 thuộc phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy)...

Ngoài ra, trước cổng trụ sở UBND phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) xe ô tô, xe máy đỗ trên vỉa hè hay cổng Cung Trí thức TP Hà Nội (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) hàng loạt xe ô tô ngang nhiên đỗ trên vỉa hè.

Có còn kiên quyết trên… giấy?

Với 2 hàng xe máy dưới biển cấm trên vỉa hè thuộc phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy).

Với 2 hàng xe máy dưới biển cấm trên vỉa hè thuộc phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy).

Mới đây (ngày 8/3), tại vườn hoa Lạc Long Quân, Ban Chỉ đạo 197 quận Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức lễ ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn quận năm 2023.

Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng Công an quận Tây Hồ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 197 quận Tây Hồ, nhấn mạnh, trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, các lực lượng chức năng sẽ tập trung thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu” làm từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm.

“Kiên quyết cưỡng chế các trường hợp không chấp hành, lập biên bản vi phạm hành chính thu giữ phương tiện, đồ vật vi phạm, tháo dỡ các biển quảng cáo, mái che, mái vẩy vi phạm chiếm dụng hè phố, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị theo đúng quy định của pháp luật...”, Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh cho biết.

Trước đó (ngày 15/2) Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ 197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn Hà Nội năm 2023. Với vai trò chủ đạo, Công an Hà Nội cho biết, kế hoạch được chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn; bắt đầu từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28/2/2023. Giai đoạn 2, ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm từ ngày 1 đến 31/3/2023. Giai đoạn 3, tiếp tục duy trì hiệu quả công tác tuyên truyền, xử lý.

Dù lực lượng chức năng quyết liệt ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, song nhiều tuyến phố, vỉa hè khu vực cổng trường học mà Báo GD&TĐ đã khảo sát cho thấy vẫn còn tình trạng bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, bãi gửi xe.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cần nhất là công tác đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn…, có vậy mới tạo sự đồng thuận giữa lực lượng chức năng với người dân.

“Đây cũng là công việc quan trọng trong phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, phản ánh, cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn nơi cư trú, học tập.

Mục tiêu là phát hiện, xử lý 100% hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng; trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ trong tháng 3 này của lực lượng Công an thành phố...”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vùng đất ngập nước nhân tạo với những hòn đảo nhỏ tại Bangkok (Thái Lan). Ảnh: Turenscape

'Thành phố xốp' chống lũ lụt

GD&TĐ - Nhiều dự án ở Trung Quốc đại lục, nơi có hơn 70 thành phố đã triển khai các sáng kiến thành phố xốp.