Chuyện phụ nữ bỏ chồng, con phía sau cổng trời Mường Lát (Thanh Hóa):

Cuộc chiến chưa có hồi kết

GD&TĐ - Ngăn chặn phụ nữ H’Mông vượt biên không chỉ là chuyện của riêng lực lượng chức năng, mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng...

Lực lượng Biên phòng tuyên truyền cho bà con về tình trạng lừa đảo trên không gian mạng.
Lực lượng Biên phòng tuyên truyền cho bà con về tình trạng lừa đảo trên không gian mạng.

Dù vấn nạn buôn bán hay dụ dỗ phụ nữ sang bên kia biên giới đã được kiểm soát đáng kể, tuy nhiên, ở các bản làng Mường Lát những câu chuyện như đã đề cập ở các bài viết trước vẫn âm thầm diễn ra...

Vỡ mộng

Cách đây 1 tuần, Lầu Thị D. (SN 1999, bản Suối Hộc, xã Trung Lý) bất ngờ trở về sau 11 năm vượt biên sang Trung Quốc. Năm đó, D. mới 13 tuổi.

Lầu Thị D. cho biết, được người quen giới thiệu lên Lào Cai làm thuê bằng nghề rửa bát. Sau 1 năm thì có người rủ sang Trung Quốc làm ăn với những lời “có cánh” về một công việc nhàn hạ, lương cao.

Với mơ ước cuộc sống sung sướng, D. cùng một người bạn đã vượt biên sang Trung Quốc. Tuy nhiên, không như những gì thiếu nữ H’Mông mới lớn này ảo vọng, D. được giới thiệu cho một người đàn ông Trung Quốc hơn mình 13 tuổi và lần lượt sinh 2 đứa con.

Cuộc sống vẫn nghèo khó, luẩn quẩn với nương rẫy. Những mường tượng của D. về một cuộc sống sung sướng ở nước bạn đã bị vỡ mộng. Nhiều lần xin chồng cho về Việt Nam thăm bố mẹ nhưng không được đồng ý.

“Mình chỉ ở nhà đẻ con và làm rẫy. Chồng cũng không có công ăn việc làm gì. Nó thấy nhiều phụ nữ Việt Nam về rồi trốn ở lại luôn nên nhiều lần mình xin về nó không cho. Lần này nó cho về để làm căn cước công dân. Mình còn hai đứa con nên mình không thể về hẳn được. Làm xong căn cước công dân mình vẫn sẽ quay trở lại”, Lầu Thị D. tâm sự.

Đã trở về nhiều năm sau khi bị bán sang Trung Quốc, Giàng Thị D. (25 tuổi, Pa Púa, xã Trung Lý) vẫn còn sợ mỗi khi nhắc về câu chuyện bị người yêu lừa bán. Qua Facebook, D. quen một người đàn ông mà không biết mình trở thành nạn nhân của bọn buôn bán người.

Chị kể, khoảng cuối tháng 8/2017, chị tình cờ quen một người đàn ông dân tộc Mông trên Facebook. Sau nhiều lần trò chuyện, người này giới thiệu là Giàng Sinh, đang sống ở Thái Lan, làm giám đốc một công ty thương mại quốc tế. Sau mỗi lần trò chuyện, kẻ này hứa hẹn sẽ gửi quà cho chị.

Sau nhiều tháng trò chuyện, Giàng Sinh cho hay là muốn cưới chị làm vợ và đưa sang Thái Lan sinh sống. Người này vẽ ra nhiều viễn cảnh tươi đẹp, cuộc sống giàu sang và chị sập bẫy.

Cuối tháng 11/2017, theo lời hẹn, chị D. bắt xe từ Trung Lý đến Quan Hóa để gặp “người yêu”. Tuy nhiên, khi đến điểm hẹn, chị D. nhận tin là Sinh không đến vì bận ký kết hợp đồng, nhờ bạn đến đón. Không một chút nghi ngờ, chị lên ô tô cùng một đôi nam nữ, sau đó chuyển qua taxi cho đến khi tỉnh dậy, chị mới hay mình đã đặt chân đến Trung Quốc.

Theo chị D., nơi xứ người, chị được đưa đến ở trong một gia đình có hai vợ chồng. Mấy hôm sau, một phụ nữ lạ mặt đến đón rồi bán chị cho một người đàn ông Trung Quốc khoảng 50 tuổi. Tại nhà người đã bỏ tiền ra mua, chị bị giam lỏng, bị ép làm vợ ông ta.

Sau ba tháng, khi được ra khỏi nhà, chị đã tìm đến công an Trung Quốc nhờ giúp đỡ và công an nước bạn đã giao trả chị tại Đồn Biên phòng Bảo Lâm (Lạng Sơn)…

cuoc-chien-chua-co-hoi-ket-2.jpg
Công an xã đến từng nhà dân trong bản để tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Giải pháp nào?

Hai người phụ nữ trên là trong số rất ít trường hợp vượt biên qua Trung Quốc mà có thể trở lại bản trong thời gian qua. Hầu hết họ đều vỡ mộng thế nhưng viễn cảnh của một cuộc sống sung túc nơi xứ người vẫn khiến không ít phụ nữ H’Mông lầm đường lạc lối. Những năm gần đây, tình trạng bỏ bản vượt biên đã được giảm đáng kể, tuy nhiên trên thực tế mỗi năm, tại các bản vẫn lác đác có trường hợp phụ nữ “mất tích”.

Theo Trung tá Vi Văn Nooc, Trưởng Công an xã Trung Lý, tính từ trước tới nay, toàn xã có 50 người lấy chồng Trung Quốc nhưng chỉ có 5 người trở về.

“Hàng tháng, hàng quý chúng tôi đều tổ chức tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Tuyên truyền chính sách Đảng, Nhà nước như gạo không phải mua, con cái được cấp tiền cho ăn học… Ngoài ra sẽ dẫn chứng những người đi sau đó quay trở lại địa phương, vỡ mộng. Chúng tôi lấy chính con người đó để tuyên truyền về cuộc sống hôn nhân ở bên kia biên giới không sung sướng gì.

Song song với đó là cho làm cam kết bằng văn bản. Năm nào cũng làm thường xuyên, chủ hộ cam kết gia đình không đi Trung Quốc; phụ nữ bản viết cam kết, số chưa đi thì cam kết không đi; số đi rồi cũng phải cam kết không đi, không dụ dỗ người khác đi theo…”, Trung tá Vi Văn Nooc cho biết.

Cũng theo Trung tá Vi Văn Nooc, mạng xã hội phát triển trong khi bà con còn nhận thức kém, chưa phân biệt được thông tin nào là thật, thông tin nào là giả. Chính vì thế, lực lượng công an cũng luôn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho bà con hiểu không được nghe theo nội dung chưa được kiểm chứng, đặc biệt lời dụ dỗ vượt biên sang lao động nước ngoài, việc nhẹ lương cao…

Thiếu tá Quản Bình Thao, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Trung Lý (Mường Lát) cũng cho biết, để nâng cao nhận thức của phụ nữ H’Mông trên địa bàn, hàng năm, đơn vị luôn phối hợp với Hội Phụ nữ thực hiện các chương trình như: Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, tổ chức các hội nghị tuyên truyền tập trung. Ngoài ra cũng thông qua các tổ công tác ở địa bàn để tuyên truyền…

Trong bài cuối của loạt bài viết về vấn đề này, Báo GD&TĐ muốn nêu lên rằng, ngăn chặn phụ nữ H’Mông vượt biên không chỉ là chuyện của riêng lực lượng chức năng, mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Khi phụ nữ được tiếp cận giáo dục, có công việc, được lắng nghe và hỗ trợ, họ sẽ có đủ sức mạnh để nói “không” với những cạm bẫy đang chực chờ ngoài biên giới.

Ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý cho biết, để ngăn chặn tình trạng phụ nữ bỏ bản, vượt biên, địa phương đã định hướng công ăn việc làm cho bà con như đi làm ở các công ty; mở lớp xoá mù để nâng cao nhận thức cho phụ nữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đạo diễn trẻ Phạm Vĩnh Khương là người tiên phong trên thế giới sản xuất các phim, MV âm nhạc từ công nghệ AI.

MV đặc biệt làm bằng AI về Ngày Giải phóng miền Nam

GD&TĐ - MV có tên “Bản tuyên ngôn” - sản phẩm âm nhạc độc đáo sử dụng công nghệ AI trên điện thoại do đạo diễn Phạm Vĩnh Khương thực hiện, kể lại câu chuyện về Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.