Gia đình tan tác
Chạng vạng tối, cha con Thào A Ga (30 tuổi, bản Tà Cóm, huyện biên giới Mường Lát) mới thất thểu trở về. Nhìn cảnh mấy cha con nheo nhóc, bà con ở Tà Cóm ai cũng chạnh lòng thương cảm.
Đã hơn 20 ngày nay, chiều nào cũng vậy, mấy cha con lại dắt díu nhau ra đường ngóng mẹ. Cứ thấy bóng phụ nữ thấp thoáng ở phía xa, họ lại thấp thỏm mong chờ, rồi lầm lũi trở về trong sự thất vọng.
Thi thoảng, Thào A Ga lại lấy điện thoại ra gọi vào số vợ nhưng chỉ vọng lại là tiếng tổng đài thông báo thuê bao. Sau khi rời khỏi gia đình, vợ Ga chỉ nhắn cho người em là đi Trung Quốc để mong có cuộc sống đỡ khổ hơn. Người đàn ông này cũng không biết, vợ đã vượt biên hay chưa.
Lấy vợ từ năm 13 tuổi, đến nay Ga đã có 5 mặt con, đứa lớn nhất 15 tuổi, đứa bé nhất mới 5 tuổi. Từ ngày vợ bỏ đi, căn nhà vốn trống huơ, trống hoác giờ thiếu bàn tay người phụ nữ vun vén càng trở nên tiêu điều, Thào A Ga chẳng thiết làm gì.
Trong chiếc chòi dựng tạm bằng tre, nứa, Thào A Ga tay bế đứa con trai út là Thào A Dế, tay kia đang hì hục nhóm bếp củi ướt nhèm, khói nghi ngút khiến chúng ho sặc sụa. Vắng mẹ, trông chúng côi cút đến tội nghiệp.
Căn nhà được Nhà nước hỗ trợ xây diện hộ nghèo, đồ đạc chẳng có một thứ gì đáng giá, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một chỗ ngồi. Thào A Ga buồn bã khi kể lại cuộc sống khó khăn vất vả, rồi không kìm lòng được khi nhìn những đứa con còn quá bé, Ga bật khóc. “Nó bỏ đi rồi, bố con tao khổ lắm. Mấy đứa nhỏ nhớ mẹ, đêm nào chúng cũng khóc đòi mẹ”.
Ga và vợ về ở với nhau khi cả hai còn chưa đủ tuổi kết hôn. Đến giờ, có 5 mặt con cũng vẫn chưa đăng ký. Quanh năm, vợ chồng Ga quần quật làm ăn vẫn chẳng được đủ đầy. Những lúc giáp hạt, con cái nheo nhóc, đói nghèo bủa vây nhưng người đàn ông này không bao giờ nghĩ rằng có một ngày vì thế mà vợ lại bỏ đi.
Một ngày khi ở rẫy về thì chẳng thấy vợ đâu cả, bếp núc nguội ngơ ngắt... Hai hôm sau ngày vợ bỏ đi, Ga mới hay tin vợ bỏ đi… Trung Quốc. Ga nói bằng giọng chán nản: “Tao có giữ cũng chẳng được. Cái vợ nó không như cái trâu bò”.
Trong căn nhà chênh vênh bên sườn đồi của bản Tà Cóm, cậu bé Hờ A Vang (4 tuổi) tự lấy bát xúc cơm và một ít mèn mén rồi ngồi bốc ăn ngon lành.
Vào dịp gần Tết năm ngoái, mẹ cậu bé theo người lạ sang Trung Quốc, bỏ lại người chồng tảo tần và 4 đứa con thơ dại. Mẹ bỏ đi, bố chúng cũng xuống núi đi làm công ty, chị em Hờ A Vang phải sống dựa dẫm vào bà nội ngoài 80 tuổi đã lẫn và người chú ruột. Trước khi rời nhà đi học, các chị của Vang sẽ nấu sẵn nồi cơm để cậu bé ở nhà tự ăn.
Đã nửa năm trôi qua, ngày nào chị em Hờ A Vang cũng mong ngóng mẹ trở về . Không có mẹ, bố cũng đi xa, nhiều đêm mấy chị em ôm nhau khóc đến sáng. Hờ Thị Pàng (9 tuổi, chị của Hờ A Vang) buồn bã: “Cháu chỉ mong một ngày thấy mẹ trở về”.
Anh Hờ A Dơ (chú của chị em Pàng) ngậm ngùi: “Chắc khổ quá nên em dâu nó mới bỏ đi. Nó lẳng lặng đi khi chồng còn ở trên nương, con cái thì đang đi học. Chỉ thương mấy đứa nhỏ… Bố chúng cũng nhờ Ban quản lý bản đi tìm, nhưng không được. Ít ngày sau thì cán bộ biên phòng cho biết em dâu vượt biên rồi ”.
Vợ Thào A Ga hay mẹ của Hờ A Vang là hai trong số rất nhiều những người phụ nữ H’Mông ở Mường Lát bỏ chồng con để đi tìm cuộc sống sung sướng hơn ở bên kia biên giới.

Hàng chục phụ nữ xuất cảnh trái phép
Mường Lát là huyện vùng cao biên giới Thanh Hóa với hơn 100km đường biên, có 6 dân tộc, trong đó chiếm phần lớn trong tổng số dân của huyện là người H’Mông. Chính điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế đã khiến tình trạng phụ nữ bỏ chồng, con xuất cảnh trái phép là khá phổ biến.
Theo Bí thư chi bộ bản Tà Cóm Sùng A Tông, năm 2024 đến nay, ở bản đã có 2 trường hợp bỏ đi khỏi địa phương. Gia đình có báo cáo Ban quản lý bản và Ban quản lý cũng cho người đi tìm. Tuy nhiên, khi người nhà thông báo thì cũng đã đi được 2-3 ngày nên việc tìm kiếm, ngăn chặn rất khó. Những trường hợp này, sáng hai vợ chồng vẫn đi làm bình thường, nhưng tối về thì thấy vợ “mất tích”.
Trung tá Vi Văn Nooc - Trưởng Công xã Trung Lý (Mường Lát) cho biết, trên địa bàn có hàng chục phụ nữ lấy chồng Trung Quốc. Tình trạng phụ nữ bỏ chồng, con đi Trung Quốc hoặc một số nước khác diễn ra phổ biến khoảng những năm 2018 trở về trước. Một số người thì bị dụ dỗ, lôi kéo, một số là do bị lừa bán sang.
Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của người dân còn kém do ít học. Họ ảo tưởng về lời dụ dỗ việc nhẹ lương cao…
“Những năm gần đây, tình trạng này đã giảm rất nhiều do cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ. Nhận thức của bà con cũng đã được nâng lên. Trong số người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lấy chồng, khả năng cao có nhiều người muốn trở về nhưng không trở về được…”, Trưởng Công an xã Trung Lý Vi Văn Nooc nhận định.
Hiện xã Trung Lý có tới 45 trường hợp lấy chồng Trung Quốc, trong đó chỉ có 7 trường hợp là hợp pháp; còn tại xã Mường Lý có 45 người xuất cảnh trái phép, trong đó có 28 phụ nữ vượt biên sang các nước Trung Quốc, Lào...
__________
Bài 2: Ám ảnh cuộc hôn nhân bên kia biên giới