Nhiều năm trời ròng rã bị nhốt trong nhà chỉ để đẻ con, cuộc sống nghèo khổ cùng với việc liên tục chạy trốn rồi lại bị bắt về… là những ký ức kinh hoàng đối với người phụ nữ H’Mông 10 năm bị lừa bán sang Trung Quốc.
Bị lừa bán
Về chiều, cổng trời Mường Lát (Thanh Hoá) chìm trong sương mù bảng lảng, căn nhà đất thấp lè tè của chị Hạng Thị Cu (bản Khằm 1) nằm chênh vênh ở một sườn đồi, trống huơ trống hoác… Bên căn bếp, chị đang loay hoay với bữa cơm chiều. Sự nhọc nhằn của cuộc sống in hằn trên gương mặt đen sạm, đôi bàn tay thô ráp của người phụ nữ gần chạm ngưỡng 50.
Thấy có người lạ, người phụ nữ này thoáng một chút bối rối rồi nhanh chóng hiểu ra khi trưởng bản giới thiệu bằng tiếng bản địa. Chị Cu dường như không muốn nhắc về ký ức kinh hoàng những ngày bị bán làm vợ bên Trung Quốc. Bởi với chị, nỗi đau dai dẳng nhất cuộc đời là đã bỏ lại hai đứa con mà trốn về.
Năm 2008, chồng chị đi tù vì tội tàng trữ ma túy, chị Cu ở nhà cùng 2 con nhỏ trong tình cảnh đói nghèo. Không biết làm gì để nuôi cả gia đình, trong lúc túng quẫn, có 2 người lạ mặt đến rủ chị đi làm ở Lào Cai. Họ nói với chị lên đó làm việc sẽ có tiền gửi về nuôi con.
Không đắn đo, người mẹ đã để lại hai đứa con cho ông bà nuôi rồi lên đường theo 2 người lạ. Và chuyến đi ấy chị đã bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông nghèo. “Khoảng tháng 5/2008, họ đưa tôi đến nhà một người Mông ở Trung Quốc giam lỏng ở đó. Khoảng nửa tháng sau thì một người đàn ông tên Yosua Neng, khoảng 40 tuổi, ở tỉnh An Huy đến mua về làm vợ”, chị kể.
Theo chị Cu, khi đưa về nhà, gia đình chồng giám sát nhiều tháng liền. Một lần chị định bỏ trốn thì bị phát hiện, người chồng đã đánh đập dã man. Sau đó, gia đình chồng bắt đầu cho đi chợ nhưng luôn có người của họ theo cùng. “Khi phát hiện mình có thai, tôi báo cho gia đình nhưng họ vẫn đánh đập đến khi sinh đứa con trai cho họ”, chị kể trong nước mắt.
Chị cho hay sau khi sinh con, gia đình chồng ít đánh đập hơn nhưng họ bắt đi làm thuê từ sáng tới đêm. Toàn bộ số tiền kiếm được bị chồng và mẹ chồng lấy hết. “Có lần được chủ cho tiền, tôi lén giấu đi và khi bị phát hiện, gia đình chồng dùng roi, gậy thay nhau đánh cho đến khi tôi kiệt sức họ mới ngưng…”, chị Cu nhớ lại.

Trốn chạy
Dù đã sinh con cho chồng nhưng chị Cu vẫn nung nấu một cuộc trốn chạy. Nhiều lần chị tìm cách trốn đi nhưng đều không thành vì bị theo dõi. Có những lúc chị chỉ nghĩ đến cái chết để không phải sống trong cảnh “ngục tù” nhưng rồi nghĩ đến các con ở quê nhà, chị lại cố sống hy vọng trốn thoát.
Sau 8 năm làm vợ, lần đầu tiên chị trốn khỏi nhà, đến đồn cảnh sát xin họ cho về Việt Nam, thế nhưng sau đó người chồng đến xin công an, không hiểu họ đã nói những gì nhưng chị lại bị đưa trở lại nhà chồng.
Hai năm sau lần trốn không thành ấy, một đêm tháng 12/2018, vùng núi thuộc tỉnh An Huy (Trung Quốc) nhiều tuyết, chị vác bụng bầu gần ngày sinh nở chạy bộ nhiều km, bỏ trốn khỏi nhà chồng. “Tôi đau đớn vì đã không thể mang theo hai con về Việt Nam”, chị kể. Để lại mảnh giấy “Mẹ về nhà ngoại ở Việt Nam và không còn quay lại nữa! Mẹ xin lỗi vì không thể mang theo các con” - chị đi theo lối mòn tìm về quê hương.
Trên hành trình trốn chạy, chị xin ăn, làm thêm… cho đến khi gặp một đồn công an ở tỉnh An Huy và chị được đoàn tụ với gia đình ở quê nhà sau 10 năm tủi nhục. Ngày chị trở về, chồng chị cũng đã mãn hạn tù, các con chị đã lập gia đình, có cháu.
Giờ đây, sau nhiều năm thoát khỏi địa ngục trần gian, chị Cu vẫn ám ảnh những trận đòn, những lần bỏ trốn trong cả giấc mơ. Đứa trẻ mang hai dòng máu cùng chị trở về cũng đã 7 tuổi. Chị thương nhớ hai đứa con mình dứt ruột đẻ ra bỏ lại bên xứ người nhưng chị không bao giờ dám quay trở lại nơi ấy thêm một lần nào nữa.
Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý Giàng A Lâu cho biết, nhiều năm trước phụ nữ H’Mông ở Mường Lát nhẹ dạ cả tin bị dụ dỗ, bị bán sang Trung Quốc rất nhiều. Cũng có trường hợp trốn được nhưng đa phần không trở về được nữa. Những người trở về kể có cuộc sống rất khổ, bị đánh đập, bắt sinh con cho cả nhà chồng. Có người sau khi bị gả bán, sinh con rồi lại bị bán qua tay cho nhiều người đàn ông khác nên không còn cơ hội trở về.
Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, nạn nhân mà các đối tượng buôn người nhắm tới thường là thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức pháp luật còn hạn chế; phụ nữ bị tổn thương về tình cảm; các cháu gái ở độ tuổi mới lớn, chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Đáng chú ý thay vì tiếp cận nạn nhân trực tiếp như trước kia, hiện nay, kẻ xấu lại lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận nạn nhân và đưa ra nhiều lời mời hấp dẫn như: Dụ dỗ đi làm việc nhẹ lương cao; lập các nhóm kín để nhận con nuôi, mang thai hộ; đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng…. khiến các nạn nhân dễ dàng “mắc bẫy”.
____________
Bài cuối: Cuộc chiến chưa có hồi kết