“Cuộc chiến” chống COVID-19 chưa có trong tiền lệ

GD&TĐ - "Cuộc chiến” chống COVID-19 chưa có trong tiền lệ, tác động sâu sắc đến toàn diện tất cả các mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mạng của người dân.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại họp tổ - sáng 21/10
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại họp tổ - sáng 21/10

Căng thẳng khi đối phó với biến chủng Delta

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV, sáng 21/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa XV.

Tại Tổ thảo luận số 2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu về quãng thời gian chống dịch COVID-19 suốt 2 năm qua. Theo Bộ trưởng, “cuộc chiến” chống COVID-19 chưa có trong tiền lệ, mức độ ảnh hưởng rất lớn, tác động sâu sắc đến toàn diện tất cả các mặt kinh tế - xã hội, đời sống của người dân và đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mạng của người dân.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Việt Nam chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm qua 3 đợt dịch, nhưng đợt dịch lần thứ 4 do biến chủng Delta làm “đảo ngược” mọi thành tựu phòng dịch, tác động sâu sắc, kể cả những nước phát triển và những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao. Chính vì vậy, các nước trên thế giới cũng như Việt Nam căng thẳng khi đối phó với biến chủng Delta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của tất cả tầng lớp nhân dân nên đến thời điểm này đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình. Bộ trưởng khẳng định, khi nhìn lại việc triển khai tất cả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 chúng tôi có rất nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ, có những quyết định trong thời gian qua hết sức khó khăn như giãn cách xã hội. Đầu tháng 4/2020, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc trong 2 tuần đã tác động đến đời sống nhân dân.

Gần đây, giãn cách đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam, sau đó còn tăng cường giãn cách xã hội, yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”. Bộ trưởng cho biết, lần này ở mức cao được áp dụng nhờ Nghị quyết 30 của Chính phủ.

“Một câu chuyện lo ăn cho người dân hơn 500 nghìn người đã khó khăn, nhưng chúng ta lo tới 4 triệu dân của TP.Hồ Chí Minh thì là một câu chuyện rất thách thức đối với quyết định này” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói, đồng thời nhấn mạnh:

Một trong những quyết định mang tính lịch sử, chưa từng có đó là việc điều lực lượng gần 300.000 nghìn lượt người gồm: lực lượng y tế, quân đội, công an.

Bên cạnh đó, các quyết định thiết lập lên phòng cấp cứu, những trung tâm hồi sức tích cực tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, chỉ trong thời gian ngắn.

Bởi vì khi số ca nhiễm tăng rất nhanh trong thời gian rất ngắn, gây nên tình trạng quá tải cho hệ thống y tế, không thể nào tiếp nhận được bệnh nhân.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Quyết tâm phủ vắc xin mũi 1

Chúng ta phải đối mặt với tình trạng bệnh nhân tăng rất nhanh trong thời gian rất ngắn với tình trạng bệnh nhân nặng cần phải cấp cứu. Bộ trưởng thông tin, riêng TP. Hồ Chí Minh có 6 trung tâm chuyên về hồi sức tích cực, có trung tâm lên tới 1.000 giường.

Chúng ta phải điều một lực lượng rất lớn, trong đó có những lực lượng chưa tham gia hồi sức tích cực đối với bệnh truyền nhiễm nhưng vẫn phải tăng cường, hỗ trợ.

Đối với y tế cơ sở, làm thế nào để người dân tiếp cận dịch vụ y tế từ sớm và từ xa ngay tại cơ sở. Theo đó, chúng ta đã thiết lập 536 trạm y tế lưu động tại xã phường do lực lượng quân y và dân y phối hợp với nhau để cung cấp đủ dịch vụ y tế cho người dân.

Khẳng định lại những kinh nghiệm kế thừa từ những đợt dịch trước, Bộ trưởng nhìn nhận: “Trong đợt dịch qua, rất nhiều vấn đề kế thừa từ những vấn đề trước đây mà nó nâng tầm lên một mức độ cao hơn”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện các doanh nghiệp thuộc cộng đồng quốc tế hỗ trợ rất nhiều cho Bộ Y tế, TP. Hồ Chí Minh mua các thiết bị, máy móc và test để triển khai việc chống dịch.

Đối với vấn đề vắc xin, chúng ta triển khai chiến lược thành công. Bộ đang đôn đốc các địa phương, quyết tâm phủ vắc xin mũi 1 cho khoảng 80% người dân từ 18 tuổi trở lên và lên kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em.

Chúng ta đang từng bước nghiên cứu để mở rộng đối tượng tiêm. Bởi đây là vắc xin phát triển trong thời gian rất ngắn và rất mới nên chúng ta phải tham khảo, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm của các nước, mở rộng dần các đối tượng tiêm từ 12 đến 17 tuổi. Sang năm 2022 mở rộng từ 3 tuổi trở lên.

Về vấn đề thuốc điều trị, Bộ trưởng cho biết, đã triển khai thí điểm trên một quy mô rất là rộng và triển khai cho điểm điều trị có kiểm soát. Thuốc chúng ta chỉ có 2 thí điểm trên một quy mô rất rộng và triển khai thí điểm điều trị có kiểm soát có chung một chương trình nghiên cứu chung của Bộ. Kết quả ban đầu của việc triển khai này rất tốt.

Nhắc đến việc chuyển trạng thái chống dịch, Bộ trưởng cho rằng chúng ta phải chấp nhận một thực tế là: virus ngày càng nhiều biến thể và không thể triệt tiêu hoàn toàn mầm bệnh. Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, muốn chuyển sang thích ứng, an toàn với dịch thì không còn cách nào khác là phải đảm bảo độ phủ vaccine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ