Cuộc chạy marathon kéo dài 54 năm

GD&TĐ - Đầy tự tin, Kanakuri đã vượt qua vạch đích, thời gian chạy của ông được công bố là… 54 năm 8 tháng 6 ngày 5 giờ 32 phút 20,3 giây.

Kanakuri xuất phát trên đường đua vào năm 1912 và kết thúc… năm 1967.
Kanakuri xuất phát trên đường đua vào năm 1912 và kết thúc… năm 1967.

Thất bại trong cuộc đua marathon tại Thế vận hội năm 1912, một vận động viên điền kinh Nhật Bản đã lặng lẽ về nước, để lại nhiều dấu hỏi cho ban tổ chức nước chủ nhà. Quyết rửa bỏ sự xấu hổ do bỏ cuộc trước nửa chặng đua, ông nỗ lực không ngừng trong việc đào tạo lớp trẻ giành vinh quang trên đường chạy. Và sau 54 năm, ông được mời đến Thụy Điển để hoàn thành cuộc đua dang dở.

Đường đua dang dở

Shizo Kanakuri không phải là vận động viên điền kinh vô danh. Trên thực tế, ông đã lập kỷ lục thế giới, khi hoàn thành cuộc đua marathon trong 2 giờ 32 phút và 45 giây tại một sự kiện trong nước, đủ điều kiện để đại diện cho Nhật Bản tham dự Thế vận hội Stockholm (Thụy Điển) năm 1912.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, môn thể thao này không được coi trọng ở Nhật Bản. Chính phủ không đài thọ chi phí đi lại cho các vận động viên điền kinh. Do đó, đoàn đi tranh tài nhờ vào số tiền quyên góp từ các sinh viên của trường đại học nơi Kanakuri theo học và một số người thân của vận động viên.

Chuyến đi kéo dài 18 ngày, đầu tiên bằng tàu thủy, sau đó là đường sắt xuyên Siberia. Tại các ga, bất cứ khi nào tàu dừng, Kanakuri đều nhảy xuống tranh thủ chạy, rồi vội vã lên tàu.

Cuộc hành trình khó khăn đã khiến thể lực Kanakuri hao mòn, cuối cùng khi đến Thụy Điển, ông nhận thấy thức ăn địa phương không phù hợp với dạ dày của mình nên sức khỏe không được tốt. Tệ hơn nữa, huấn luyện viên của Kanakuri phải nằm viện vì bệnh lao nên không thể hướng dẫn hai vận động viên, bao gồm Kanakuri, luyện tập trước khi tranh tài.

Vào ngày diễn ra cuộc đua, thời tiết nóng như thiêu đốt. Trong số 68 người tham gia, chỉ có 34 người về đích. Một vận động viên người Bồ Đào Nha đã phải nhập viện và qua đời vào ngày hôm sau, trở thành người đầu tiên được báo cáo tử vong trong một kỳ Thế vận hội. Tuy nhiên, những chi tiết trên sau này Kanakuri mới biết.

Kanakuri chỉ có một đôi giày mỏng manh không phù hợp với sân rải sỏi. Chạy gần nửa chặng đường, vì quá nóng bức, ông dừng lại trước một ngôi nhà và xin cốc nước của người dân. Gia đình này cho ông uống nước ép mâm xôi, ăn hoa quả, chả quế, kê và để ông nghỉ ngơi trên một chiếc ghế dài.

Kanakuri nằm xuống và cố gắng cưỡng lại cơn buồn ngủ, nhưng rồi thiếp đi lúc nào không hay. Khi ông tỉnh dậy, đã là buổi sáng của ngày hôm sau.

Kanakuri vô cùng thất vọng và xấu hổ về hành động của mình. Ông viết trong nhật ký vào ngày hôm đó: “Đó là buổi sáng sau thất bại của tôi trên đường chạy. Trái tim tôi đau nhói vì ân hận. Nhưng thất bại là mẹ thành công, tôi chỉ có thể chờ một ngày tốt đẹp hơn để có thể rửa sạch nỗi xấu hổ của mình. Nếu mọi người muốn cười, hãy cười.

Tôi đã cho thấy sự yếu kém về thể lực và kỹ năng hạn chế của người Nhật. Tôi không thể hoàn thành trách nhiệm nặng nề này, nhưng chết thì dễ, sống mới khó. Để xóa sạch sự xấu hổ, tôi sẽ làm việc với tất cả sức lực của mình để trau dồi kỹ năng chạy marathon và nâng cao uy tín của đất nước chúng ta”.

Không thông báo cho các giới chức tại Thế vận hội, Kanakuri lặng lẽ trở về Nhật Bản. Ban tổ chức cuộc đua tuyên bố ông mất tích. Theo một số tài liệu của Thụy Điển, các nhà chức trách địa phương đã tìm kiếm Kanakuri trong vài tuần trước khi từ bỏ.

Sự bỏ cuộc và biến mất của ông sau đó bị người Thụy Điển chế giễu. Họ cho rằng, ông đã chạy khắp đất nước để tìm đường về đích. Oscar Soderlund, một nhà báo thể thao người Thụy Điển, nói đùa với độc giả của mình rằng, nếu tìm thấy Shizo, mọi người nên thông báo cho ông biết cuộc đua đã kết thúc và ông ấy có thể về nhà.

Đoàn thể thao của Nhật tại Olympic Stockholm 1912, Shizo Kanakuri (bên phải).

Đoàn thể thao của Nhật tại Olympic Stockholm 1912, Shizo Kanakuri (bên phải).

Kết thúc sau 54 năm

Thế vận hội mùa hè 1912 được tổ chức ở thành phố Stockholm, Thụy Điển từ ngày 5/5 – 22/7/1912. Hai mươi tám quốc gia với 2.408 vận động viên, trong đó có 48 nữ, tranh tài 102 nội dung của 14 môn thể thao. Với sự tham dự của Nhật Bản, đây cũng là kỳ Thế vận hội đầu tiên có một quốc gia châu Á tham dự.

Khi trở lại đất nước, Kanakuri tiếp tục rèn luyện, quyết tâm giữ vững tên tuổi và danh dự quốc gia. Ông chia sẻ kinh nghiệm của mình với những vận động viên trẻ và khuyến khích họ tham gia chạy đường dài. Ngoài ra, ông còn tuyển chọn, đào tạo các vận động viên nữ và những trẻ khiếm thị.

Ông được ghi nhận là người đã phát minh ra cuộc đua tiếp sức đường dài nhiều chặng có tên gọi là Ekiden, hiện vẫn được yêu thích ở Nhật Bản. Từ năm 2004, giải thưởng cao nhất trong cuộc đua này đã được xướng tên để vinh danh ông.

Kanakuri tiếp tục đại diện cho Nhật Bản trong môn chạy marathon tại các Thế vận hội 1920, 1924, nhưng không đạt được thành tích đáng kể. Mặc dù, ông là một nhân vật nổi tiếng ở Nhật Bản, nhưng các nhà chức trách Thụy Điển không hề hay biết về sự tồn tại của ông. Họ liệt kê ông là vận động viên mất tích trong hồ sơ và giữ nguyên như vậy trong nhiều thập niên.

Vào khoảng thời gian kỷ niệm 50 năm Thế vận hội 1912, câu chuyện về sự thất bại của Kanakuri đã khơi lại sự chú ý của giới truyền thông Thụy Điển. Một số người biết về sự mất tích này, từng thêu dệt xung quanh nó nhiều câu chuyện ly kỳ, đã rất ngạc nhiên khi biết ông vẫn sống khỏe mạnh ở quê nhà.

Cuối cùng, năm 1967, truyền hình Thụy Điển đã giải quyết được trường hợp của “vận động viên bị mất tích bí ẩn” này. Họ phát hiện ra Shizo Kanakuri, hiện 76 tuổi, đang sống ở Tokyo và cho ông cơ hội hoàn thành cuộc chạy marathon mà ông đã bắt đầu cách đây hơn 54 năm.

Shizo vui vẻ chấp nhận cử chỉ thiện chí trên. Vào tháng 3/1967, một buổi lễ được tổ chức, truyền thông đưa tin rầm rộ về sự kiện này. Đầy tự tin, Kanakuri đã vượt qua vạch đích, thời gian chạy của ông được công bố là… 54 năm 8 tháng 6 ngày 5 giờ 32 phút 20,3 giây.

Ông nói đùa: “Đó là một cuộc đua dài. Trong thời gian này, tôi đã lập gia đình, có 6 người con và 10 đứa cháu”. Kanakuri qua đời vào ngày 13/11/1983 tại quê nhà Tamana, tỉnh Kumamoto, thọ 92 tuổi.

Theo Amusingplanet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ