Cuộc 'cách mạng' giáo dục thể chất để tăng chiều cao của chính phủ Nhật Bản

GD&TĐ - Rèn luyện thể chất là điều tất yếu trong cuộc cách mạng phát triển chiều cao của người Nhật. Đặc biệt, giáo dục thể chất cho học sinh được đặc biệt quan tâm.

Cuộc 'cách mạng' giáo dục thể chất để tăng chiều cao của chính phủ Nhật Bản

Hoạt động thể thao tuy không phải là yếu tố hàng đầu giúp người dân Nhật cải thiện chiều cao, nhưng nó lại góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, thể lực, tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng nên rất hữu ích trong quá trình phát triển chiều cao.

Quan tâm giáo dục thể chất từ thời Minh Trị

Từ thời kì Minh Trị, Nhật Bản đã bắt đầu quan tâm đến việc rèn luyện thể dục thể thao để tăng cường thể chất cho thanh thiếu niên. Sau chiến tranh thế giới thứ II, ngoài việc tăng thời lượng môn thể dục, đưa ra mục tiêu “rèn luyện suốt đời”, Nhật Bản đã xây dựng hệ thống hoạt động thể dục ngoại khóa thanh thiếu niên với 3 hình thức chính là các câu lạc bộ thể thao trong trường học, các đoàn thể thao thiếu niên và câu lạc bộ thể thao của địa phương.

Năm 1990, tỉ lệ xây dựng sân vận động, nhà thể chất và bể bơi trong cơ sở hạ tầng thể dục thể thao các trường học đạt 96,2%, 97,6% và 72%.

Theo điều tra năm 2013 của Bộ Giáo dục và Khoa học Nhật Bản, tỉ lệ nam nữ thanh thiếu niên tham gia các câu lạc bộ thể thao là 84,9% và 59,9%, ngoài thời gian các môn thể dục ở trường, tỉ lệ học sinh trung học tập luyện thể thao trên một giờ mỗi ngày là 80,5% với nam và 55,6% với nữ.

Bóng đá là môn thể thao mà các bé trai yêu thích tại Nhật (hình minh họa).

Bóng đá là môn thể thao mà các bé trai yêu thích tại Nhật (hình minh họa).

Năm 1961, Nhật Bản ra Luật Phát triển thể dục thể thao, nhằm hướng đến Olympic Tokyo, nhưng phải đến sau Olympic Tokyo 1964 người Nhật mới có nhận thức sâu sắc về sự “thua kém về năng lực thể chất giữa người Nhật và trình độ của thế giới”.

Tháng 12/1964, nội các Nhật Bản ban hành Sách lược tăng cường thể lực và sức khỏe quốc dân, quyết định phát động phong trào tăng cường thể lực quốc dân, chú trọng đẩy mạnh phổ cập thể dục thể thao trong cộng đồng, tiêu biểu là việc đẩy mạnh xây dựng các công trình thể thao công cộng.

Từ năm 1969 đến 1985, số lượng các công trình thể thao công cộng ở Nhật Bản đã tăng gấp 6 lần, bình quân 2000 người/nhà thể chất, 70% người trưởng thành tham gia hoạt động thể thao ít nhất mỗi tuần một lần.

Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản đưa ra mục tiêu “rèn luyện suốt đời” tăng thời gian giáo dục môn thể chất. Tỷ lệ các nhà thi đấu, sân vận động, sân tập thể thao trong các trường học tăng đáng kể. Ngoài thời gian tập luyện thể chất ở trường, tỉ lệ học sinh trung học tập thể thao mỗi ngày là 55,6% với nữ và 80,5% với nam.

Nhấn mạnh thể chất ngay từ trong nôi

Nhà trường ở Nhật rất chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho học sinh tham gia hoạt động thể chất (hình minh họa).

Nhà trường ở Nhật rất chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho học sinh tham gia hoạt động thể chất (hình minh họa).

Từ khi trẻ còn trong giai đoạn sơ sinh, các bà mẹ đã giúp trẻ vận động hàng ngày bằng cách động tác quơ tay, đạp chân, tập lẫy, tập bò... hoặc massage cho trẻ. Khi ở độ tuổi này, vận động cơ thể sẽ giúp trẻ lưu thông máu tốt hơn, tăng tiết hormone tăng trưởng.

Khi trẻ lớn hơn từ 3 tuổi trở đi, các mẹ tập cho trẻ thói quen chơi các môn thể thao giúp tăng chiều cao hiệu quả như bơi lội, đạp xe, bóng rổ, bóng đá... tùy thuộc sở thích và độ tuổi của trẻ. Việc tập luyện thể thao đều đặn ngoài trời còn giúp cơ thể tăng khả năng hấp thu Vitamin D từ ánh nắng tự nhiên. Các chương trình giáo dục thể chất ở Nhật được đánh giá là rất nghiêm khắc.

Vận động đúng cách trong các thời điểm “vàng”

Vận động là yếu tố sống còn của một cơ thể sống. Nếu không vận động, cơ thể sẽ cứng, sức đề kháng kém khỏe mạnh và yếu đi. Một trong những vai trò quan trọng của vận động chính là giúp tăng chất khoáng trong xương và tăng mật độ xương. Khi trẻ vận động hợp lý, hệ cơ xương của trẻ sẽ phát triển tối đa, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.

Ông Sugo Tatsuya – giáo viên thể chất cho rằng, phụ huynh cần sắp xếp thời gian vận động và nghỉ ngơi cho trẻ xen kẽ nhau, khuyến khích trẻ thực hiện các bài tập vận động trong hai khung giờ “vàng” – từ 9h đến 11h30 sáng và sau 15h chiều.

Trong nhiều chương trình giáo dục thể chất, người Nhật thường được khuyên rằng, người lớn chủ động tương tác với các bạn nhỏ thông qua một số bài tập như đi bộ, chạy bộ, đứng lên từ tư thế nằm, treo người, ném vật đi và bắt vật bay đến gần mình,…

Ví dụ: Vào buổi sáng, khi vừa thức dậy, cơ thể còn lạnh, hãy cho trẻ vận động bằng việc đi bộ để cơ thể ấm lên. Khi cơ thể đủ ấm, trẻ mới có thể linh hoạt thực hiện các hoạt động trong ngày. Còn vào buổi chiều, người lớn cho trẻ vận động mạnh mẽ hơn, song vẫn đảm bảo yếu tố phù hợp với thể lực của trẻ. Việc vận động tích cực vào buổi chiều sẽ kích thích trẻ ăn tốt hơn, ngủ khỏe hơn vào buổi tối.

Và điều quan trọng nhất chính là người Nhật đã khơi dậy niềm yêu thích vận động cho trẻ ngay từ nhỏ. Từ đó, các con thấu hiểu tầm quan trọng của vận động thể chất và luôn hào hứng và tràn ngập niềm vui khi tập luyện.

Thể thao yêu thích của trẻ em Nhật Bản

Ngoài giờ học ở trường, trẻ em Nhật Bản thường tham gia các bộ môn khác từ khi còn rất bé. Đó chính là cơ sở để các em có thể khám phá và rèn luyện thêm các kỹ năng cho bản thân.

Bơi lội: Từ ngày xưa, ở Nhật Bản bơi đã là một bộ môn mà nhiều người yêu thích. Ngoài việc tăng cường thể lực, phát triển thể chất, từ khi còn nhỏ nếu như đã học bơi thì khi vào trường học sẽ không gặp khó khăn.

Thể dục dụng cụ là một trong những lựa chọn lý tưởng nhằm tăng cường sự phát triển của hệ thần kinh vận động của trẻ nhỏ. Việc sử dụng đa dạng các loại hình dụng cụ, ghi nhớ các động tác sẽ làm tăng khả năng vận động. Và từ đó sẽ giúp trẻ tiếp thu nhanh hơn khi học các bộ môn thể thao khác.

Bale là một trong những bộ môn được các bé gái yêu thích. Một trong những lý do chính là sự chau chuốt, tạo hình của từng động tác trong bộ môn này. Ngoài việc tăng được tính dẻo dai cho cơ thể, qua đó các bé gái sẽ học được tác phong thục nữ, dịu dàng. Các buổi trình diễn được tiến hành định kì chính là động lực cố gắng của các bé, nơi mà các em có thể tự tin trải nghiệm việc biểu diễn trước rất nhiều người.

Bóng đá là môn thể thao đồng đội chính vì thế việc tham gia học bộ môn này các em nhỏ sẽ rèn cho mình tinh thần đoàn kết, cách làm việc với đội nhóm. Bên cạnh đó, đây cũng là bộ môn đòi hỏi thể lực khá nhiều nên các em sẽ có cơ hội rèn luyện thân thể, nâng cao tốc độ chạy của chân… Khi chơi trong một đội, tinh thần phấn đấu cũng được hình thành. Đây là bộ môn được cả bé nam và nữ yêu thích ở Nhật Bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ