Cùng Thị Mầu... xuyên không

GD&TĐ - Vở diễn 'Thị Màu xuyên không' đem đến những khác biệt đầy bất ngờ, buộc khán giả không thể rời mắt.

Các em nhỏ thích thú tham gia trạm trải nghiệm 'Tích tịch tình tang'. Ảnh: Bình Thanh.
Các em nhỏ thích thú tham gia trạm trải nghiệm 'Tích tịch tình tang'. Ảnh: Bình Thanh.

Vẫn chuẩn mực từng câu hát, vũ điệu, hóa trang và nhất là việc khắc họa hình tượng nhân vật: Thị Kính nết na chịu bao nỗi oan, Thị Mầu lẳng lơ có thừa, Thiện Sĩ bạc nhược, Sùng Bà ngoa ngoắt… nhưng vở diễn “Thị Màu xuyên không” lại đem đến những khác biệt đầy bất ngờ, buộc khán giả không thể rời mắt.

Kể mới tích cổ

Màn nhung đỏ thắm được mở, những tưởng sẽ là màn giáo đầu rộn ràng mời Mãng ông ra nhà ngoài có khách và ông cụ cũng thắc thỏm: “Nhà ta hôm nay có con mách lẻo nó kêu ở phương nào?”.

Nhưng không, nhạc trẻ nổi lên và một Thị Mầu lảnh lót theo tiếng hát Hòa Minzy, chẳng những hân hoan loan tin cho cả làng ra đình ăn khoán vì cô không chồng mà chửa, mà còn tranh thủ “tỏ lòng”: “Này thầy tiểu ơi, em là Thị Mầu/Em không biết đâu, em cứ bắt đền/Gọi mẹ thưa cha, ăn vạ cả làng/Cho em lấy chàng…”.

Chương trình Sân khấu học đường - Giáo dục di sản thông qua vở diễn “Thị Mầu xuyên không” do Nhà hát Chèo Việt Nam thực hiện được dàn dựng từ kịch bản của đạo diễn Ninh Quang Trường, NSƯT Vũ Bá Dũng đạo diễn sân khấu và Đoàn Thể nghiệm biểu diễn.

“Chương trình đang sáng đèn tại rạp hát số 1 Giang Văn Minh, Hà Nội vào các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Trên cơ sở kịch bản của đạo diễn Ninh Quang Trường, khi dàn dựng “Thị Mầu xuyên không”, chúng tôi đưa tuyến nhân vật mới vào để tương tác, đôi khi sử dụng âm nhạc hiện đại, giảm bớt thời lượng so với bản gốc.

Chúng tôi hy vọng các em học sinh hiểu được tinh hoa, hồn cốt của sân khấu truyền thống cùng các giá trị như: Chức năng giáo huấn đạo đức ra sao, văn chương thi ca, ca dao tục ngữ có triết lý nhân sinh ý nghĩa với quá trình hình thành nhân cách của người Việt Nam qua nhiều thế hệ như thế nào”, Tiến sĩ, NSND Lê Tuấn Cường, Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết.

Thực ra, đó chỉ là cô nàng Lucy say sưa luyện tập vai Thị Mầu để tham gia cuộc thi Star Got Talent - Tìm kiếm tài năng ở trường. Và đó cũng là nguyên cớ để cô bé kết hợp cùng “giáo sư biết tuốt” – Tommy - dẫn dắt khán giả xuyên không trở về những tháng năm xưa có chuyện Thị Kính – Thị Mầu, nhờ đó họ được tận mắt chứng kiến những hỉ nộ ái ố xảy ra trong cuộc đời Thị Kính rồi bật lên ồ à vì sao hồi đó lại có chuyện kiểu như: Ép duyên “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” (chuyện Thị Kính nên duyên với Thiện Sĩ) hay việc Thị Kính phải giả trai xuống tóc xuất gia quy y cửa Phật, cô Mầu lẳng lơ với anh Nô nhưng đổ phắt cho tiểu Kính Tâm…

Cùng với đó là những thắc mắc, đối thoại bày tỏ suy nghĩ, góc nhìn của người trẻ trước những vấn đề xảy ra ở xã hội phong kiến. Trong đó không chỉ là những bất bình trước bao nỗi oan Thị Kính phải mang trong im lặng vì lễ giáo hà khắc, không được cất tiếng nói minh oan cho bản thân mà còn là những nhắc nhở về sự thơ ngây, thuần chất của nàng, ai lại cầm dao cắt sợi râu mọc ngược trên má chồng lúc anh ta ngủ để thành ra “tình ngay, lý gian”…

Hoặc như hai bạn trẻ xuyên không còn tham gia vào việc làng xét hỏi vụ việc Thị Mầu không chồng mà chửa, những định thay đổi cục diện nhưng cuối cùng hiểu ra muôn nhẽ để mà thuận theo.

Những thắc mắc rồi kiến giải đó được đưa ra theo góc nhìn của ê-kíp và truyền tải bằng ngôn ngữ rất bắt “trend” đầy hài hước, dễ nghe, dễ hiểu, gần gũi và cuốn hút kiểu như: Flex, nhà có điều kiện, lật mặt còn nhanh hơn lật bánh tráng, fan...

Những tưởng việc thêm tuyến nhân vật xuyên không như thế chiếm không ít thời gian sẽ khiến vở diễn bị kéo dài hoặc nặng nề thêm. Ngược lại, thời lượng vở diễn còn được rút ngắn hơn một nửa, từ 2 giờ 15 phút ở bản gốc xuống còn chưa đầy một tiếng nên rất vừa vặn với nhu cầu thưởng thức của khán giả là học sinh.

Thêm nữa, việc chuyển soạn từ “Quan Âm Thị Kính” sang “Thị Mầu xuyên không” được ê-kíp sáng tạo thực hiện bám sát theo bản gốc. Từng nhân vật được giới thiệu, các phân cảnh được tái hiện một cách mẫu mực, chuẩn chỉ song lại rất ngắn gọn, có khi diễn ra chưa đầy một phút mà vẫn đảm bảo sự liền mạch để khán giả trẻ, nhất là các học sinh từ 7 đến 15 tuổi vừa hiểu được câu chuyện vừa thấy được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật chèo truyền thống.

Qua tiếng hát ngọt ngào, truyền cảm và lối diễn xuất tự nhiên, đằm thắm của diễn viên trẻ Trần Ngát, khán giả cảm thương và cảm phục về cuộc đời đầy oan trái song bằng đức hạnh cao đẹp của một người con, người vợ và nhà tu hành, Thị Kính đã vượt qua tất cả, tu thành chính quả.

Cùng với đó, vở diễn vẫn khắc họa rõ nét tính cách các nhân vật không chỉ là Thị Kính, Thị Mầu mà cả tuyến thứ chính như Sùng bà, phú ông, Mãng ông, anh Nô, mẹ Đốp…

Điều thú vị nữa là, dù không được diễn liền mạch như trong bản truyền thống mà liên tục bị ngắt quãng, lúc đứng hình khi xuất vai với nhiều trạng thái cảm xúc… nhưng các nghệ sĩ không bị chênh, phô từ hành động, cử chỉ đến câu hát mà luôn giữ được nhịp điệu, cảm xúc cùng những kết nối khá ăn ý với hai nhân vật thời hiện đại đang… xuyên không.

Có thể thấy, cách kể chuyện đó khá mới mẻ đối với sân khấu. Trước đó đã có một số vở diễn sử dụng thủ pháp này song chỉ dừng lại ở những dẫn dắt khai và kết màn. Đây là sự lựa chọn thông minh, phù hợp với mục tiêu mà vở diễn đặt ra: Hướng đến đối tượng khán giả trẻ, nhất là học sinh.

Việc nghe và nhìn ở đây khá vừa vặn, kiểu như vừa đến lúc ai đó định sao nhãng với câu hát chèo thì lại được kéo vào những “chí chóe” kiểu hỏi xoáy đáp xoay không chỉ đem đến cho khán giả giây phút thư giãn mà mọi người còn được “hóng chuyện” về các vấn đề lịch sử, xã hội thời xưa qua chia sẻ rất dễ hiểu của Tommy, Lucy.

Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn nếu những đối thoại đó được trau chuốt gọn ghẽ hơn nữa, đôi chỗ cần được kiểm soát để không bị sa vào tình trạng diễn giải sự việc, sự vụ dài dòng, làm loãng không gian chủ đạo của vở diễn.

cung thi mau xuyen khong (2).jpg
Cô cậu học trò xuyên không và tham gia việc làng khi Thị Mầu bị làng bắt vạ không chồng mà chửa. Ảnh: Bình Thanh.

Hào hứng với “Tích tịch tình tang”

Vừa hoàn thành vai Thị Kính, diễn viên trẻ Trần Ngát liền xuống khán phòng hòa vào không khí vui nhộn khi khán giả bước vào trạm trải nghiệm “Tích tịch tình tang”. Hoạt động này diễn ra ngay khi vở diễn “Thị Mầu xuyên không” khép lại.

Ở “Tích tịch tình tang”, qua cách dẫn dắt dí dỏm của đạo diễn Ninh Quang Trường, mọi người được tìm hiểu cặn kẽ về dàn nhạc của sân khấu chèo. Các nhạc công vừa trình diễn ngẫu hứng vừa qua những câu chuyện về tên gọi, cách sử dụng từng nhạc cụ (đàn bầu, nhị, đàn thập lục, sáo, trống, đàn nguyệt).

Ngoài việc trực tiếp thưởng thức những bản nhạc cổ, khán giả nhí còn bất ngờ khi được nghe nhạc công thể hiện sự đa năng của các nhạc cụ như đàn nhị có thể bắt chước những âm thanh xung quanh (chim hót, mèo kêu...) hay cả dàn nhạc hòa tấu nhiều bản nhạc hiện đại quen thuộc như: “Happy Birthday”, “Giấc mơ trưa”, nhạc phim Doraemon…; thậm chí chơi cả đoạn nhạc hot trend “Đừng làm trái tim anh đau” của Sơn Tùng để cả khán phòng cùng nhảy.

Rồi thì trò chơi thẩm âm, tiết tấu chia đôi khán phòng lôi cuốn mọi người cùng tham gia. Tiếng cười rộ lên khi đôi bên đều vỗ tay theo tiết tấu… sai. Nhất là, không chỉ ngồi tại chỗ mà khán giả nhí còn được lên sân khấu trực tiếp trổ tài thẩm âm và nhảy múa. Thế là, 30 phút “Tích tịch tình tang” trôi vèo!

cung thi mau xuyen khong (1).jpg
Sự chuẩn chỉ mẫu mực trong từng câu hát, diễn xuất… ở vở 'Thị Mầu xuyên không'. Ảnh: Bình Thanh.

Dù chương trình đã khép lại nhưng Quỳnh Anh, Bảo Ngọc (lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn nán lại, chạy lên sân khấu để được gõ vào những cái trống xinh xinh.

Quỳnh Anh thỏ thẻ: “Con được mẹ bạn Bảo Ngọc đưa đi xem. Con thích cô Thị Kính vì dù bị oan nhưng cô vẫn rất tốt. Trong phần trải nghiệm, lần đầu tiên con được biết rõ về các nhạc cụ dân tộc và con thích nhất đàn bầu dù chỉ có một dây nhưng âm thanh rất hay”.

Bảo Ngọc thì khoe được lên sân khấu gõ trống thi thẩm âm, trong lòng rất hân hoan. Thực ra, lúc ở nhà, mẹ rủ đi xem, cô bé đã ngần ngừ vì… hơi ngại. Phải đến khi được mẹ cho xem clip ngắn về hát chèo thì Bảo Ngọc mới đồng ý đến rạp để “tìm hiểu xem nghệ thuật chèo là thế nào”.

Và: “Con ấn tượng nhất khi các diễn viên hóa thân vào các nhân vật trong “Thị Mầu xuyên không” bằng biểu cảm rất chân thật. Trong đó, con cũng thích Thị Kính vì cô là người chăm chỉ, chỉ lo cho người khác mà không lo cho thân của mình. Nếu lần sau có được thông tin về chương trình trải nghiệm với nghệ thuật truyền thống như thế này con sẽ chủ động rủ mẹ đi xem”, cô bé lớp 4 chững chạc nói.

Cùng bố mẹ và em gái di chuyển từ ngoại thành, khoảng 30km để đến với “Thị Mầu xuyên không” và “Tích tịch tình tang”, Nguyễn Phó Tường Vi (lớp 6 Trường THCS Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) bày tỏ: “Vừa nghe mẹ rủ con đồng ý ngay vì thấy tò mò.

Con thích tất cả các nhân vật trong vở diễn, nhất là cô Thị Mầu vì cô ấy không chỉ xinh đẹp mà còn hát hay. Con cũng thích hoạt động trải nghiệm và đã xung phong lên sân khấu nhảy thật là vui, thật bõ công cả gia đình con vượt đường xa đến xem”.

Chứng kiến các em nhỏ giao lưu hào hứng, vui tươi và bày tỏ niềm thích thú với vai Thị Kính mà cô hóa thân nói riêng và cả chương trình nói chung, diễn viên Trần Ngát bảo, cô thấy vô cùng hạnh phúc.

Dù mới công tác ở Nhà hát Chèo Việt Nam được 2 năm nhưng diễn viên trẻ có giọng hát truyền cảm và ngọt ngào này đã được đảm nhận khá nhiều vai chính và thứ chính, trong đó vai cô yêu thích nhất là Thị Kính trong vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”.

Khi nhận kịch bản được đạo diễn Ninh Quang Trường chuyển soạn và làm mới để phục vụ cho dự án giáo dục di sản đến học sinh, cô thấy rất hào hứng. Được đạo diễn Vũ Bá Dũng giao vai Thị Kính với nguyên tắc khá đặc biệt: Vẫn phải giữ sự mẫu mực, chuẩn chỉ của chèo cổ song đã có sự giản lược, chắt lọc và cùng các nhân vật khác xuất hiện theo sự dẫn dắt của cô cậu học trò xuyên không.

Điều ê-kíp sáng tạo hướng đến qua vở diễn là giúp khán giả trẻ yêu thích và hiểu: À thì ra câu chuyện là như thế, sao lại gọi là Quan âm Thị Kính, nhân vật Thị Mầu là thế nào mà sao nổi tiếng đến thế qua các ca khúc hiện đại, trong đó có “Thị Mầu” của nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Phong do Hòa Minzy thể hiện.

Dù có phần thuận lợi khi được hóa thân vào vai diễn sở trường song so với bản truyền thống thì diễn viên trẻ này cũng phải có những điều chỉnh để thích nghi với yêu cầu mới vừa là dễ mà cũng vừa là khó. Dễ là không phải diễn dài, hát nhiều, không phải quá tỉ mẩn đến từng chi tiết một.

Nhưng cái khó lại là vai diễn được xây dựng từ việc cắt ghép giữa các màn, lược bớt nhiều chi tiết nên đòi hỏi phải có trí nhớ tốt để đi vào tuyến mạch và phối hợp ăn ý với bạn diễn. Khi đó, “lợi thế” thuần thục vai theo bản gốc lại trở thành điểm yếu của Trần Ngát vì nếu sa vào mạch cảm xúc sẽ dễ quên điểm cần dừng theo phiên bản “Thị Mầu xuyên không”.

Cùng với đó, ở vở diễn này, các nhân vật nhiều lần phải chuyển trạng thái từ xuất hình sang đứng hình và ngược lại theo góc nhìn của các bạn xuyên không. Có những lúc nhân vật Thị Kính phải giữ nguyên tư thế gần 5 phút như một hình sáp, trong khi vẫn phải thở đều, nhịp nhàng.

“Thường thì diễn viên không được để sân khấu chết, phải có những cử chỉ, chuyển động thường xuyên, vậy nhưng yêu cầu trong “Thị Mầu xuyên không” lại liên tục phải đứng hình và lúc xuất hình cần ăn khớp cùng bạn diễn.

Dẫu khó là thế nhưng chúng tôi vẫn kiên trì tập luyện và khi đứng dưới ánh đèn sân khấu thì mọi thứ sẽ nhịp nhàng vào nhịp”, diễn viên trẻ Trần Ngát chia sẻ.

“Chương trình giáo dục di sản được Nhà hát Chèo Việt Nam thực hiện qua vở diễn "Thị Mầu xuyên không" có phương pháp tiếp cận mới này sẽ góp phần giáo dục học sinh tìm hiểu sâu hơn, rõ hơn văn hóa truyền thống Việt Nam. Đây là một trong những chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch trong việc tiếp tục triển khai giới thiệu văn hóa truyền thống thông qua các loại hình nghệ thuật biểu diễn như chèo, tuồng, cải lương. Tôi mong nhà hát xây dựng nhiều vở diễn, tiết mục hay hơn nữa để qua đó góp phần giáo dục di sản đến học sinh, sinh viên trong thời gian tới” - Ông Hà Minh Thắng – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ