Cùng "thức một miền xanh"

Cùng "thức một miền xanh"

(GD&TĐ) - Sau tập Mùa cây thay lá, thì tập thơ Thức một miền xanh - Tập thơ thứ 2 của cô giáo Huệ Triệu đã ra mắt bạn đọc và ngay lập tức, thuyết phục được độc giả không chỉ ở sự đằm thắm, sâu sắc của cảm xúc mà còn ở cả những con chữ dung dị, mộc mạc nhưng vô cùng tinh tế…

 

Như những người phụ nữ khác làm thơ, thế giới nghệ thuật của Huệ Triệu là thế giới của nỗi nhớ, ưu tư, của tình yêu với những khắc khoải, hy vọng, trong đó, có cả muộn phiền và bâng khuâng…

Nỗi nhớ của cô luôn đi liền với những khắc khoải mà bao biến động, vui buồn của nhân thế tưởng như đi qua, không thể chạm vào. Nỗi nhớ về người mẹ khi mùa đông giá trở về qua cơn gió lòng “lạc phía chân trời”:

Lá rơi hay tiếng vô thường
Nhòa sương bóng mẹ cuối đường liêu xiêu
(Nhớ mẹ mùa đông)

Cuối bài thơ, chỉ còn hình ảnh của một đứa con với nỗi đau bởi bóng mẹ đã thực sự khuất xa, bốn bề hoang trống trong những cơn gió đời thổi tạt:

Gió đi lạc phía chân trời
Con đi lạc giữa muôn lời nhân gian
(Nhớ mẹ mùa đông)

Và đôi khi nỗi nhớ đã bị thời gian định vị, mở rộng và sâu hơn, tưởng như đã có thể lạc vào thế giới vô định mà ta chỉ có thể cảm nhận không thể diễn tả bằng lời khi nhà thơ viết cho người thân của mình:

Khuôn mặt thời gian hiện lên
Tuổi tên chìm trong bóng cỏ
Lặng yên - rạn nứt - tháng ngày
Và những dửng dưng buông ngỏ
(Khuôn mặt thời gian)

Câu thơ chất chứa nỗi niềm trong cũ mới, riêng chung, giữa hai bờ hư thực… mà thời gian không chỉ là nhân chứng mà còn là dẫn dụ cảm xúc theo con người qua thăng trầm năm tháng.

Hình như nỗi nhớ trong thơ Huệ Triệu ẩn chứa những nỗi buồn mà bàn tay của chị đã chạm đến những động rung qua ngôn ngữ và hình ảnh thơ qua bài Chùa quê:

…Với tay chạm khoảng nhói vàng
Giọt thời gian giọt muộn màng nhặt thưa
Lại đầy thêm một xa mờ
Lại vơi hơn một bến bờ đợi mong…

Câu thơ gợi về cõi xa, qua những thanh âm ngỡ như có thật ở chốn sắc sắc không không. Tiếng lòng dội vào trang thơ Huệ Triệu, với những đau đáu, da diết khôn nguôi.

Cả tập thơ của thi sĩ có rất nhiều nỗi nhớ, đã được mã hóa bởi những hình ảnh và ngôn ngữ thơ tinh tế, mang tính biểu tượng giàu chất liên tưởng.

Một mảng đề tài khác trong tập thơ cũng được nhà thơ đề cập đến, như một nét nhấn, tiêu điểm trong bề diện cảm xúc. Đó là thân phận và tình yêu. Đây có lẽ cũng là một thế mạnh của Huệ Triệu.

Khác với một số  nhà thơ nữ khác, mạnh mẽ và quyết liệt   trong thể hiện cái tôi trong tình yêu với sự sở hữu với các cung bậc hờn ghen, nóng giận, trách móc, dỗi hờn. Thậm chí, có những câu thơ đẫm nước mắt khi viết về sự biệt ly. Đó là tâm lý thường tình của cảm xúc, của kẻ đang yêu - nhất là cái tôi trữ tình và đối tượng trữ tình lại là người phụ nữ. Ở Huệ Triệu, chị không rên rỉ khóc than với những vần thơ đầm đìa nước mắt.

Nỗi nhớ, nỗi buồn, sự khắc khoải, yêu thương… được đồn nén và trải rộng theo từng con chữ tinh tế, giợi sự liên tưởng mênh mang. Hình tượng dã tràng trong bài thơ cùng tên là một ví dụ:

Quản gì thân nhẫn nhọc
Cát khôn hay dại lắm
Biển - tình anh sóng dạt
Giấc em - vùi dưới chân

Ở đây, sự ẩn dụ đã được hình tượng hóa bởi kiếp dã tràng, qua sự chiêm nghiệm chứ không phải là quan sát. Vì vậy, người đọc nhận ra cái xa sót, rưng rưng bởi những mâu thuẫn từ nội tại câu chữ và sự vật “cát khôn - hay dại lắm…”  hoặc: “biển - tình anh sóng dạt; cát em - vùi dưới chân”.

Đây là sự giận dỗi, có nguyên cớ. Nỗi nhớ vu vơ mà rất định hình bởi cơn mưa đánh thức.  Nỗi nhớ tưởng đã nguôi ngoai nhưng bất chợt nỗi nhớ trở về. Tình nhớ đâu phải bởi cơn mưa ngoài trời, nó còn được đánh thức bởi cơn mưa lòng đâu dễ nguôi ngoai:

Chính tay em khẽ chạm
Khoảng nhói đau không lời!
(Khoảng nhói đau không lời)

Với Huệ Triệu, có 101 lý do để chị đưa vạn vật đi cùng những nỗi nhớ và tâm sự riêng tư. Những chiêm nghiệm cuộc đời, những số phận nổi trôi của kiếp người cô gặp trong cuộc đời, trong ký ức và cả trong tương lai đều được nhìn qua lăng kính nhân văn, triết lý và rất sống động của một trái tim nhân hậu. Trong một bài thơ có tên là Hoa súng, chị nhìn sâu vào thế giới của sắc màu. Chính sắc tím vời vợi này đã khiến con tim của nữ sĩ rưng rưng:

Ngày qua rồi ngày lại
Màu tím nhạt đi rồi
Cuống hoa giờ đã rụng
Thương em, màu không rơi…

Màu tím nhạt, nhưng không rơi theo ngày tháng. Bởi sắc tím ấy mang theo hoài niệm không chỉ riêng nữ sĩ mà còn là hoài niệm của biết bao người. “màu không rơi” của sắc hoa và cũng là tình không phai của mỗi cuộc đời trong kỳ vọng…

Sắc tím ấy, đã có lần Huệ Triệu ngơ ngác nhận ra ở một chiều biển sóng, khi con sóng xô bờ lan ra, chỉ còn dấu cát dã tràng trong vệt sóng, và “heo may tím cả chiêm bao”… trong Tự khúc rưng rưng nỗi niềm xa vắng.

Trong thơ Huệ Triệu, trái tim của phụ nữ đã được cách điệu và bản tình ca dang dở của cuộc sống, tình yêu… từ bất hạnh, bị động đã chuyển thành bình an, chủ động. Có vậy, nỗi đau mới dịu đi, bầu trời bớt mưa và cỏ nơi xa chân trời mới biếc màu hơn. Ấy là khi thi sĩ ngắm Vọng phu trong trái tim của một người đàn bà dễ động rung, luôn chất chứa một tình yêu và sự dịu dàng xẻ chia như bao người khác. Cô an ủi nàng Vọng phu chính là an ủi chính mình, cho bao người khác nữa:

…Đừng buồn
Vọng phu ơi!
Đôi khi không mất mát
Biết đâu còn mất mát nhiều hơn!
(Vọng Phu)…

Ở đây cái phi lý của  mệnh đề ngữ nghĩa đã được chuyển thành cái logic của quy luật cảm xúc, tình cảm – lớn hơn là cái quả quyết trong sự chiêm nghiệm của người phụ nữ trong cuộc đời.

Chính sự phi lý ấy đã khiến câu thơ của chị thêm sức nặng. Nó gợi đến vẻ đẹp của một cây sồi trong khu rừng mùa thu, đẹp không phải sắc vàng của lá, mà ở dải ruy-băng đỏ thắt trên cây - tín hiệu của đợi chờ mong nhớ của kẻ đang yêu.

Trong tập thơ, quê hương, người thân, quá khứ, hiện tại, tương lai… trong nỗi buồn, nhớ nhung, hoài vọng. được nhà thơ mô tả theo lớp lang ký ức. Trong con tàu đang về tương lai, người lữ hành mang theo trong hành lý với những bộn bề cảm xúc, mà vẫn đăm đắm ngoảnh lại phía sau. Cả nghĩ, thoáng lo âu. Nhưng cũng đầy lạc quan, trong cái nhìn hồn hậu, đằm thắm yêu thương; trong câu chữ tinh tế. Tất cả tạo nên một phong cách thơ Huệ Triệu mà không dễ gì ai có thể nhầm lẫn. Thành công của Huệ Triệu, chính là ở chữ “tình” chân thật mà chị đã dành cho thơ, cho đời.

Sa Mộc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ