Mới đây xác nhận với truyền thông, nhà nghiên cứu cổ phục Nguyễn Đức Lộc thông tin bà Lê Thị Dinh - cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn đã từ trần vào tối ngày 21/2 tại phủ Kiên Thái Vương, TP. Huế. Bà Lê Thị Dinh hưởng thọ 102 tuổi.
Năm lên 8 tuổi, đang học lớp 5 trường Đồng Khánh, bà Lê Thị Dinh được Thánh Cung Hoàng hậu - vợ vua Đồng Khánh, gọi vào cung.
Đến năm 15 tuổi, khi Thánh Cung qua đời, bà Lê Thị Dinh chuyển sang hầu Đức Từ Cung - vợ vua Khải Định. Ở trong cung, là một người khéo tay nên bà Dinh cũng được tin tưởng để làm các loại mức bánh Huế vốn rất cầu kỳ và tinh xảo. Mỗi tháng bà Lê Thị Dinh được trả 6 đồng tiền lương (có thể mua được 600 lon gạo).
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đức Từ Cung chuyển về cung An Định, sau đó về sống tại 147 Phan Đình Phùng (Huế), bà Lê Thị Dinh tiếp tục theo hầu.
Là cung nữ nhưng đồng thời cũng là con cháu hoàng tộc (cháu ngoại của Quận Công Ưng Quyến, em trai thứ ba của vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh), nên sau khi Đức Từ Cung qua đời, bà Lê Thị Dinh chuyển đến phủ Kiên Thái Vương để lo hương khói cho các vị vua Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Khải Định, từ năm 1997 thì thờ thêm vua Bảo Đại.
Được biết, bà Lê Thị Dinh - cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn mắc bệnh nhiều năm nay và không còn minh mẫn như trước kia nữa.
Trước đây, bà Lê Thị Dinh đã từng chia sẻ về thân phận cung nữ phải gánh chịu nhiều bi kịch. Bởi thân phận tôi tớ nên các cung nữ chỉ biết lầm lũi làm việc theo sự sai khiến của chủ nhân, không dám cãi nửa lời.
Những cung nữ thường vào cung từ năm 8-10 tuổi, rời cung tuổi đã ngoài 30, khi đã quá lứa lỡ thì. Một quy tắc bất di bất dịch đối với mọi cung nữ là phải thủ tiết cho đến ngày rời cung...
Bà Lê Thị Dinh bảo mình còn biết rất nhiều chuyện “thâm cung bí sử” khác, nhưng không muốn kể: “Mình là con cháu hoàng tộc, kể những chuyện không hay ho gì về tiền nhân là có lỗi. Chuyện gì qua rồi phải để cho nó qua đi”.