Cùng nhà giáo đi tìm giải pháp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tuyến bài “Bất cập ở phòng GD&ĐT” được nhóm phóng viên Báo GD&TĐ lên ý tưởng, xây dựng đề cương từ thực tiễn tác nghiệp.

Các giáo viên biệt phái làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Các giáo viên biệt phái làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Lắng nghe những tâm tư, nỗi niềm của cán bộ, viên chức và vướng mắc chưa được giải quyết ở các phòng GD&ĐT cấp huyện, nhóm phóng viên đã phản ánh lên báo như tiếng nói gửi tới cơ quan có thẩm quyền đưa ra phương hướng giải quyết.

Ghi nhận nỗi niềm

Là phóng viên giáo dục, thường xuyên trao đổi, làm việc với phòng GD&ĐT các vùng miền, chúng tôi nhận thấy đây là đơn vị sự nghiệp đặc thù, khối lượng công việc lớn nhưng có nhiều vướng mắc, bất cập về nhân sự.

So với các phòng chuyên môn khác trực thuộc UBND cấp huyện, đơn vị cơ sở do phòng GD&ĐT quản lý về chuyên môn bao gồm hàng chục, thậm chí hơn 100 trường học cùng cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên, số lượng người làm việc ở phòng GD&ĐT chỉ được bố trí khoảng 6 - 8 công chức tùy vào tổng biên chế địa phương.

Trong khi thực tế nhiều phòng GD&ĐT số công chức làm việc còn thấp hơn, như huyện Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn (tỉnh Nghệ An), huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ) có thời điểm chỉ có 3 - 4 công chức gồm trưởng, phó phòng, chuyên viên phụ trách tài chính.

Để đáp ứng yêu cầu công việc, các phòng GD&ĐT được phép biệt phái viên chức từ các đơn vị trường học về làm việc tại phòng. Viên chức biệt phái là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Có như vậy, họ mới đủ năng lực, trình độ, uy tín để đảm nhận vai trò như chuyên viên của phòng GD&ĐT ở các lĩnh vực. Về chế độ, viên chức biệt phái được hưởng như tại trường học (nơi cử đi biệt phái).

Bất cập ở chỗ khi về làm việc tại phòng GD&ĐT, họ không được nhận các phụ cấp đứng lớp, ưu đãi nghề nghiệp, phụ cấp thâm niên do không trực tiếp giảng dạy. Điều này dẫn đến tình trạng khối lượng công việc phải đảm nhận nhiều hơn, nhưng thu nhập giảm gần 50% do chỉ còn lương cứng. Trong khi đó, đội ngũ này không có phụ cấp công vụ do không phải là công chức.

Quá trình tác nghiệp, chúng tôi không khó tìm gặp nhân vật cho bài viết, khi mà mỗi người là một câu chuyện, hoàn cảnh, nỗi niềm riêng, nhưng cùng chung lo lắng, bất an về vị trí làm việc của mình. Đó là những người không danh phận, không còn là giáo viên, nhưng cũng chẳng phải công chức. Có người tiếp tục cố gắng ở lại làm việc, gia hạn thời gian biệt phái, nhưng nếu không được chuyển sang công chức, họ không có cơ hội phát triển.

Trái lại, ở một số tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, chính quyền địa phương sẵn sàng tuyển dụng viên chức biệt phái thành công chức, nhưng họ lại không mặn mà do thu nhập và chế độ lương sau khi nghỉ hưu thấp hơn giáo viên.

Một số địa phương tại Nghệ An linh hoạt bằng cách để viên chức biệt phái dạy các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên hoặc nửa thời gian làm việc ở trường, nửa thời gian làm việc ở phòng GD&ĐT để giữ các khoản phụ cấp. Tuy nhiên, khi kiểm toán, các khoản chi phụ cấp cho viên chức biệt phái lại không đúng do không được quy định trong văn bản pháp luật.

Đồng thời kết luận thanh tra yêu cầu thu hồi các khoản phụ cấp chi sai cho viên chức biệt phái với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/người. Viên chức biệt phái bỗng dưng gánh khoản nợ lớn dù không làm sai đã ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm lý và xin bỏ biệt phái quay về trường. Điều oái oăm là ở trường cũ đã đủ người làm việc, ban giám hiệu, không còn vị trí để họ quay về…

Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông đang thiếu nhân sự trầm trọng.

Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông đang thiếu nhân sự trầm trọng.

Gửi tâm tư đi muôn nơi

Từ những thấu hiểu, đồng cảm, thôi thúc chúng tôi muốn viết thành loạt bài báo để phản ánh và gõ cánh cửa có thể đưa ra phương hướng giải quyết vấn đề trên.

Qua đề xuất, lãnh đạo tòa soạn Báo Giáo dục và Thời đại cũng như Ban Giáo dục đồng ý duyệt đề tài, hỗ trợ hoàn thiện đề cương và tạo điều kiện để phóng viên triển khai tuyến bài một cách đầy đủ, toàn diện nhất có thể.

Theo đó, các phóng viên vùng miền phối hợp để triển khai từng vấn đề trong tuyến bài. Bắt đầu đi từ nhiệm vụ, thẩm quyền của phòng GD&ĐT tại các địa phương và câu chuyện chất lượng. Tiếp đó là vấn đề giáo viên trưng dụng tại phòng GD&ĐT – viên chức biệt phái – hay còn gọi là những người không danh phận.

Phóng viên tại Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng cùng tham gia phản ánh tình trạng “đi thì dở, ở không xong” của nhân sự “không danh phận” phòng GD&ĐT. Kỳ cuối của tuyến bài là phỏng vấn ý kiến chuyên gia chính sách, lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ GD&ĐT), lãnh đạo sở GD&ĐT một số tỉnh, thành cả nước để đưa ra hướng giải quyết bất cập này…

Tuyến bài được đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại – cơ quan của Bộ GD&ĐT, diễn đàn toàn xã hội vì sự nghiệp Giáo dục. Qua đó mong góp tiếng nói để cơ quan chức năng, lãnh đạo ngành Giáo dục, các địa phương có giải pháp kịp thời, phù hợp để giải quyết những vướng mắc, bất cập đặt ra đối với hoạt động của phòng GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.