The Initiative of Children’s Book Creative Content (ICBC) đang khởi xướng chương trình kêu gọi sáng tác “Gặp tôi trong tương lai”, với sự đồng hành của ECUE-VGEM và NXB Kim Đồng. Qua đây chương trình mong muốn tạo nhiều nội dung phong phú về quyền tự do khám phá và lựa chọn nghề nghiệp - một chủ đề còn nhiều khoảng trống trong hệ sinh thái xuất bản và giáo dục hiện nay.
Diễn ra trong khoảng hơn 2 tháng, bên cạnh việc đón nhận những ý tưởng sáng tác mới mẻ, gần gũi, khơi gợi khả năng tưởng tượng, đam mê và niềm tin của trẻ trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai, không bị ràng buộc bởi định kiến giới hay hoàn cảnh sống, chương trình còn tổ chức chuỗi workshop vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Với “Ghép mảnh những ước mơ thơ ấu”, người thực hành sáng tạo và người trẻ từ 18 - 30 tuổi được cùng thực hành phương pháp collage (cắt dán sáng tạo) để kể lại hành trình nghề nghiệp cá nhân qua sách gấp dạng zine hoặc accordion. Đây không chỉ là hành trình khám phá bản thân, mà còn là bước đệm để người tham gia được truyền cảm hứng và tạo động lực gửi ý tưởng cho chương trình.
Còn tại workshop “Sự đa dạng của nghề nghiệp qua lăng kính sách thiếu nhi”, các cha mẹ, thầy cô, nhà giáo dục, những người chăm sóc trẻ em và cộng đồng nói chung được cùng tìm hiểu, chia sẻ và phản ánh những giá trị tiềm năng mà sách thiếu nhi có thể mang lại trong việc khơi dậy sự tò mò và khát khao khám phá nghề nghiệp của trẻ em.
Theo bà Vũ Quỳnh Liên - Tổng Biên tập NXB Kim Đồng, khi chưa được tiếp xúc với sách, trẻ còn mơ hồ về công việc, mới dừng lại ở sự quan sát để có ý niệm. Những tò mò, thắc mắc của các em được giải đáp đầy đủ hơn khi tiếp cận với sách mà theo các chuyên gia thì có thể bắt đầu từ 5 tuổi, từ đó nới rộng hình dung về nghề bản thân lưu tâm, mong muốn. “Tuy nhiên, mảng sách hướng nghiệp hiện nay vừa thừa vừa thiếu, trong đó có nhiều sách nói về nghề phổ thông (như nghề giáo viên, bác sĩ, phi công, ca sĩ,…) song còn nhiều nghề mới chưa được khai thác, hoặc mới chỉ được đề cập đến rất ít.
Chẳng hạn, trong bộ “Những người sống quanh ta” có có cuốn “Thím giúp việc”; tác giả Trang Nguyễn có “Chang hoang dã” nói về hành trình trở thành nhà bảo tồn động vật hoang dã - đều là những góc nhìn khác về nghề nghiệp mà chúng tôi muốn tìm kiếm”, bà Liên chia sẻ.
Anh Hoàng Giang Sơn - Quản lý đối tác truyền thông và kết nối cộng đồng chương trình “Investing in Women” thì cho rằng, việc có nhiều sách và xu hướng chọn nghề truyền thống là cái kết từ sự tiếp xúc từ nhỏ với cách nhìn, cách nghĩ của người thân, bạn bè, dư luận. Bởi những cản trở đó khiến cho cá nhân không thể phá cách theo sở thích riêng và giới hạn cả tầm nhìn trong khung định sẵn.
Cùng với đó, anh Sơn còn nhấn mạnh việc “mỗi em bé sinh ra là bị thả tõm vào giới” được thể hiện qua ăn mặc, lời khen… Hay như trong các cuốn sách cũng có những khuôn mẫu về giới, điển hình như cách thể hiện màu sắc, gọi tên nhân vật trong đó với các loài vật thì phổ biến nhất là tiếng “chú”… Vì vậy, giới cũng là một cái khuôn định sẵn tác động rất nhiều đến việc chọn nghề nghiệp tương lai.

Điều này cũng được chị Phạm Thị Hoài Anh - tác giả sách thiếu nhi, đồng sáng lập dự án ICBC tán đồng. Đặc biệt, video ghi lại 2 buổi khảo sát việc nhận diện nghề nghiệp dành cho học sinh tiểu học ở Anh và Trung Quốc do Inspiring Women và Inspiring the Future thực hiện thể hiện rõ. Các nghề như cứu hỏa, phi công, bác sĩ phẫu thuật, xe đua, thủy thủ cơ bản được học sinh mặc định là chỉ dành cho nam giới. Khi các nữ nhân viên đang làm những nghề đó hiện diện trước mắt, các em gái đã không khỏi ngỡ ngàng. Đây mới là đại diện phần nhỏ cho khảo sát tới hơn 20 nghìn trẻ từ 5 - 7 tuổi.
Từ những nhu cầu thiết thực đó, việc kêu gọi sáng tác “Gặp tôi trong tương lai” là rất cần thiết và khi đưa ra ý tưởng cần để ý đến “tiêu chí mới mẻ, tính đa dạng, dưới lăng kính của trẻ; gợi sự tò mò, truyền cảm hứng. Bên cạnh đó là hình thức thể hiện nên lồng ghép trong câu chuyện lớn hơn, có nhiều lớp để mọi người khám phá như một tác phẩm văn học giống như cuốn “Người trông hải âu” của Michael Morpurgo và Benji Davies chẳng hạn”, bà Liên lưu ý.
Anh Sơn thì cho rằng, đưa ra ý tưởng về nghề càng gần gũi càng tốt đồng thời câu chuyện cần cân nhắc những nhạy cảm về giới, tránh tạo khuôn mẫu mặc định nghề này chỉ dành cho nam còn nghề kia thuộc về nữ giới.
Chị Hoài Anh cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần xây dựng những câu chuyện khéo léo khơi gợi sở thích cá nhân. Chẳng hạn như cuốn “Lớn lên bạn sẽ làm gì” trong bộ “Nedumi - Chú chuột đáng yêu” có cách kể rất đơn giản nhưng thể hiện được ước mơ và định hình muốn được làm nghề gì của các loài vật rất hóm hỉnh: Chó thích hát nên làm ca sĩ, sư tử muốn có cái bờm đẹp nên thích làm thợ cắt tóc, lợn thích ăn nên muốn làm việc ở hiệu bánh, vịt có cánh mà chưa bao giờ bay nên muốn làm phi công…
Hay như, cùng đem đến những cuốn sách nói về các công việc không dễ gọi tên để khi độc giả đọc đến nhìn thấy bản thân trong đó sẽ có động lực hơn để tiếp tục cống hiến. Đó cũng là điều mà một bạn trẻ vừa tốt nghiệp Học viện Ngoại giao đang là cộng tác viên Tò he đến dự workshop chia sẻ rằng khi đọc cuốn sách tiếng Anh thì bắt gặp nhân vật rất giống mình. Khi sở thích nhận được sự “đồng cảm” của tác giả và miêu tả rất cụ thể đã đem lại cho người đọc niềm vui từ đó thêm hứng thú với những việc nhỏ bé, khó gọi tên…
“Thật vui khi chương trình kêu gọi sáng tác “Gặp tôi trong tương lai” vừa mở đơn đăng ký có nhiều ý tưởng gửi đến tham gia. Các ý tưởng tốt sẽ được lựa chọn và có cơ hội phát triển bản thảo, xuất bản tác phẩm, lan tỏa đến hệ thống trường học, thư viện, cộng đồng đọc sách thiếu nhi trên toàn quốc để góp phần mở rộng những hình dung về nghề nghiệp trong xã hội hiện đại”, chị Hoài Anh chia sẻ.
“Gặp tôi trong tương lai” nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Investing in Women (Đầu tư cho Phụ nữ) - một sáng kiến của Chính phủ Australia, sẽ công bố ý tưởng và trưng bày các tác phẩm được chọn vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7. Theo bà Vũ Quỳnh Liên - Tổng Biên tập NXB Kim Đồng, chương trình không chỉ là hành trình định hướng nghề nghiệp mà còn là lời mời gọi trẻ em vẽ nên ước mơ của chính mình qua từng trang sách.