Cùng học trò lan tỏa lòng nhân ái

GD&TĐ - Nhiều trường thay vì tổ chức hoạt động vui chơi, ngoại khóa cho HS đã dành toàn bộ kinh phí để ủng hộ người dân, thầy trò bị ảnh hưởng bão lũ.

Cô trò Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) trao quà cho gia đình em Long Tuấn Du. Ảnh: NTCC
Cô trò Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) trao quà cho gia đình em Long Tuấn Du. Ảnh: NTCC

Sau cơn bão số 3, nhiều trường học thay vì tổ chức hoạt động vui chơi, ngoại khóa cho học sinh đã dành toàn bộ kinh phí để ủng hộ người dân, thầy trò các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng bão lũ. Điều này không những thể hiện trách nhiệm với xã hội, mà còn giáo dục lòng nhân ái với học sinh.

Xây dựng hành trang cho cấp học nhỏ nhất

Tại Trường Mầm non Tân Mai (Long Biên, Hà Nội), ngoài chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, nhà trường còn chú trọng công tác giáo dục lòng nhân ái, bao dung, sẻ chia với người gặp khó khăn trong cuộc sống thông qua hoạt động cụ thể.

Hằng năm, nhà trường tổ chức nhiều đợt sinh hoạt để cô trò cùng tham gia như đến thăm nhà người có công với cách mạng nhân dịp Tết, 27/7; tổ chức tặng quà cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường. Mới đây, bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc.

Hình ảnh trường học đổ sập, ngập nước đã thôi thúc thầy và trò Trường Mầm non Tân Mai có hành động cụ thể. Theo đó, nhà trường đã tổ chức hoạt động Trung thu yêu thương, ủng hộ trẻ em vùng lũ. Toàn bộ số tiền thu được, nhà trường chuyển tới Ủy ban MTTQ quận Long Biên (Hà Nội).

Cô Nguyễn Bích Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhiều gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt nên thiếu thốn về lương thực, nước uống, thuốc men và nhu yếu phẩm… Vì vậy, sự ủng hộ chung tay của toàn thể xã hội sẽ góp một phần quan trọng để kịp thời hỗ trợ, sẻ chia. Nhà trường đã tuyên truyền về tầm quan trọng của việc hỗ trợ những người gặp khó khăn sau bão lũ đối với phụ huynh và trẻ.

Qua đây, trường hướng tới giáo dục trẻ tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Việc kêu gọi phụ huynh và cộng đồng tham gia ủng hộ hoạt động thiện nguyện sẽ tạo ra mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ, đồng thời phát huy tinh thần tập thể”.

Mặt khác theo cô Ngọc, qua hoạt động thiện nguyện, các cô giáo còn trò chuyện, chia sẻ với trẻ những câu chuyện về tinh thần “lá lành đùm lá rách”… để các em phần nào hiểu được giá trị sự sẻ chia, phát triển lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Anh Nguyễn Đức Liêm có con đang học tại Trường Mầm non Tân Mai chia sẻ: “Sau khi nhà trường phát động chương trình Trung thu yêu thương, ủng hộ trẻ em vùng lũ, con rất hào hứng chia sẻ với bố mẹ. Con biết bày tỏ mong bố mẹ đồng hành qua việc trích một phần tiền nhỏ để con ủng hộ các bạn ở địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Đồng thời, con tự giác tìm lại quần áo cũ nhưng còn sử dụng được để góp cùng tổ dân phố gửi đến các bạn vùng lũ”.

Chứng kiến việc làm của con, anh Liêm khẳng định những hoạt động giáo dục lòng nhân ái khi trẻ còn nhỏ thực sự cần thiết, hữu ích để hình thành ý thức về lòng bao dung, thấu hiểu và sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trên tinh thần “một miếng khi đói bằng cả gói khi no”.

cung hoc tro lan toa long nhan ai2.jpg
Phụ huynh và trẻ Trường Mầm non Tân Mai ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Ảnh NTCC

Tiếp thêm sức mạnh

Sau cơn bão số 3, gia đình em Long Tuấn Du - học sinh lớp 12C1, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) bị đổ sập hoàn toàn do đất đồi sạt lở tràn vào. Để học trò an tâm học tập cũng sớm ổn định cuộc sống, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn đã huy động giáo viên, nhân viên, học sinh chia sẻ bớt một phần bánh Trung thu năm 2024 để ủng hộ gia đình học sinh bị thiệt hại do thiên tai. Sau một ngày vận động, thầy và trò nhà trường huy động được 12 triệu đồng.

Tuấn Du cho biết: “Khi nhận được món quà hỗ trợ của nhà trường, thầy cô, các bạn, gia đình em cảm động và biết ơn vô cùng. Số tiền này phần nào giúp gia đình em vượt qua khó khăn, bản thân đi học xa nhà an tâm hơn. Em vô cùng biết ơn nhà trường, thầy cô, các bạn đã tiếp thêm động lực để em phấn đấu học tập tốt và trở thành người có ích cho xã hội”.

Cô Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) chia sẻ: “Không chỉ với học sinh bị ảnh hưởng bão lũ dịp này mà với những em có hoàn cảnh khó khăn đang học tại trường, hằng năm, chúng tôi đều kêu gọi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh chung tay ủng hộ, từ đó giúp đỡ, động viên các em biết đùm bọc và tạo động lực phấn đấu vươn lên”.

Mặt khác, nhiều năm qua tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thầy và trò Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn tổ chức quyên góp để ủng hộ học sinh lớp 12 ôn thi có thêm kinh phí mua bút, mực và những bữa ăn khuya trong thời gian ôn thi nước rút. “Nhà trường triển khai hoạt động này để tiếp thêm sức mạnh, tạo sự đoàn kết và truyền thống cho học sinh các khóa cùng tiếp nối”, cô Huệ nói.

Theo thống kê của Ban giám hiệu Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An (Nghệ An), trong đợt phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3, nhà trường đã kêu gọi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh quyên góp được số tiền gần 40 triệu đồng. Số tiền trên được trường chuyển tới Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An để ủng hộ học sinh, người dân vùng lũ đang khó khăn, hoạn nạn.

Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kiều Hoa: “Ngoài giáo dục kiến thức, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến giáo dục nhân cách, tinh thần tương thân tương ái để học sinh biết thương yêu, chia sẻ, thuận hòa trong môi trường tập thể. Mỗi học sinh đến từ một địa phương, cộng đồng dân tộc khác nhau… nên càng cần sự đồng cảm, thấu hiểu và tương trợ để cùng tiến bộ”.

Học trò trường nội trú sống xa gia đình, việc giáo dục lòng nhân ái, vị tha, bao dung rất quan trọng để các em hiểu biết, chia sẻ. Đây cũng là một trong những nội dung được trường chú trọng để hướng đến giáo dục học sinh phát triển toàn diện. - Cô Nguyễn Thị Huệ (Chủ tịch Công đoàn Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Hezbollah sẵn sàng nếu Israel đưa quân vào nam Lebanon.

Địa ngục đã được chuẩn bị

GD&TĐ - Israel và Hezbollah đang trên bờ vực của cuộc chiến toàn diện sau vụ ám sát nhà lãnh đạo lâu năm của nhóm chính trị và dân quân này ở Lebanon.

Mẹo 'giải cứu' khi món ăn quá mặn

Mẹo 'giải cứu' khi món ăn quá mặn

GD&TĐ - Trong quá trình chế biến nấu nướng, các chị em sẽ không tránh khỏi những lúc nêm nếm quá mặn. Dưới đây là 6 mẹo để cứu nguy cho món ăn bị mặn.