Là nhà giáo - có vui không?

GD&TĐ - Tháng 11 được gọi là tháng tri ân nhà giáo. Biết bao tâm sự của các thầy cô về nghề gắn bó với thế hệ trẻ, về nghiệp trồng người được chia sẻ. Báo giaoducthoidai.vn xin trân trọng giới thiệu những dòng tâm sự đầy tình cảm của TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên Khoa GD Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) về nghề giáo - nghề được cả xã hội tôn vinh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

... Vậy là tôi đã trở thành nhà giáo chính thức được 19 năm. Nếu tính từ những giờ đi dạy ngoại khóa, tôi đã là nhà giáo được gần 30 năm chứ không ít. Khi mới 14 – 15 tuổi, tôi đã yêu trẻ và thích dạy trẻ. Từ một “chị giáo” dạy đan móc, thêu thùa, cắm tỉa hoa,... tôi đã trở thành một giảng viên như thế.

Bao năm qua, cứ mỗi ngày lễ 20/11 tới, tôi lại tự hỏi lòng mình: Là nhà giáo, có vui không?

Nhà giáo, đó là người không được phép va vấp sai sót. Bởi vì các quy định dành cho nhà giáo thật sự nghiêm khắc. Một chút lơ đãng viết sai, một chút quên lãng nho nhỏ, thậm chí chỉ vì tắc đường mà đi muộn, nhà giáo cũng bị trách phạt rất nặng nề.

Đời đi dạy của tôi cũng ko tránh được những lúc lơ đãng, đã có lần loay hoay gần chết với những hậu quả do sự đãng trí của mình gây ra.

Những lúc như vậy, tôi như muốn đào một cái hố rồi chui xuống đó ẩn nấp cho đỡ xấu hổ. Những lúc như vậy, tôi cảm thấy mình thật tồi tệ, cảm giác tê tái cứ theo đuổi mãi hàng năm, hàng năm trời.

Nhà giáo, đó là những người không được phép có tình cảm riêng tư. Dạy hàng chục, hàng trăm con người, chỉ một ánh nhìn thân ái, chỉ vài câu chào hỏi vui tươi cũng sẽ nảy sinh sự hoang mang giữa lòng học sinh.

Nhiều sinh viên thân thiết của tôi đã từng phải sống những giờ phút vất vả, căng thẳng để muốn chứng minh cho bạn bè thấy mình xứng đáng được sự gần gũi với cô giáo bởi lòng nhiệt tình học hỏi, bởi sự đam mê nghiên cứu, bởi tình yêu tha thiết với nghề.

Nhà giáo, đó là những người phải dìm nhu cầu cá nhân của mình xuống dưới quyền lợi của học sinh, của trường học. Đôi khi vác cái bụng rỗng đi dạy, đôi mắt ầng ậc nước khi nghĩ đến con cái ở nhà chỉ có gói mì tôm sáng.

Nhưng trong lúc đó, bài giảng vẫn phải tuyệt đối hấp dẫn, câu dẫn bài vẫn phải tuyệt đối chuẩn mực, vui tươi, sự đánh giá vẫn phải tuyệt đối chính xác và công bằng. Bởi vì, nhà giáo chính là những người làm việc nhân văn nhất, con người nhất khi họ kiến tạo ra những tâm hồn, những phẩm chất cho các thế hệ tương lai.

Nhà giáo, đó là khi mình trách mắng học sinh để mong các em trưởng thành, thì lại bị phụ huynh phản ứng, mắng mỏ... Những khi đó, lòng nghẹn lại, từng hơi thở như tắc ở đâu đó trong lồng ngực, cố mãi mà không thoát ra.

……

TS. Vũ Thu Hương

Tuy nhiên, nhà giáo không chỉ có những điều đó.

Nhà giáo, đó là những giờ phút học sinh, sinh viên chia sẻ tâm sự chuyện vui, chuyện buồn, chuyện hạnh phúc, chuyện khổ đau rồi nói: Người em chia sẻ đầu tiên là cô đó, cô là người đặc biệt nhất, cô có biết không?

Nhà giáo, đó là khi đứa sinh viên cũ đã học hơn chục năm òa lên lao vào ôm chầm lấy và hét váng lên: Cô ơi, cô đây rồi. Các bạn ơi, cô giáo tớ, cô tớ.

Nhà giáo, đó là khi cậu sinh viên cũ đứng trước cả đám học sinh của mình kéo lấy tay cô và bảo: Cô có biết, cô đã cho chúng em những điều gì khi chúng em còn là sinh viên hay không?

Nhà giáo, đó là khi nghe người mới quen kể: Chị là cô giáo chủ nhiệm của bạn thân em. Bạn ấy kể về chị suốt, một điều cô tớ, hai điều cô tớ, đầy tự hào và yêu thương.

Nhà giáo, đó là khi cả đất nước đang nghẽn mạng vì câu chúc năm mới truyền qua sóng điện thoại, một vài cô cậu học trò ở tít tận đầu kia của đất nước cũng chen vào làn sóng đó để gọi cho cô chỉ nói một câu thôi: Em chúc cô năm mới hạnh phúc, chúng em yêu và nhớ cô lắm.

Nhà giáo, đó là khi tỉnh dậy sau cơn mê man ốm đau, bên cạnh khuôn mặt sưng nước của người thân là một hai đứa học trò đứng lăn tăn ở xa lo lắng. Rồi bóng dáng đứa nào đó chạy cuống lên ngoài kia gọi bác sĩ, mua thuốc thang, mua cháo.

Nhà giáo, đó là khi con gái được các anh chị sinh viên chăm chút, yêu quý như em út trong nhà, chỉ bảo tận tình, lao đến lo lắng từng chút một khi cô giáo đi vắng. Bởi vì đơn giản thôi mà, em là con của cô.

Nhà giáo, đó là khi phụ huynh nắm chặt tay, nghẹn ngào nói: Cô ơi, anh chị không biết phải nói gì...

Vâng, không cần nói gì cả, không cần món quà nào cả, cũng chẳng cần bó hoa nào, chúng tôi, những nhà giáo chỉ cần như vậy. Để rồi chúng tôi lại cố gắng, lại nhủ lòng vượt qua.

Bởi vì điều giữ chân chúng tôi ở nghề giáo chính là điều nhân văn nhất - nó nằm trong trái tim những người học sinh của chúng tôi, nơi mà chúng tôi biết, hình ảnh của các thầy cô giáo không thể phai mờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ