Cùng địa phương gỡ khó

GD&TĐ - Năm 2019 là năm chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện chương trình và SGK mới đối với lớp 1. Quá trình này đòi hỏi các địa phương không chỉ đẩy mạnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT mà còn phải tập trung nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, chuẩn bị tốt đội ngũ nhà giáo về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tin học trở thành môn học bắt buộc với HS bậc TH trong chương trình GDPT mới. Ảnh: Đ. Trí
Tin học trở thành môn học bắt buộc với HS bậc TH trong chương trình GDPT mới. Ảnh: Đ. Trí

Nỗ lực tăng cường cơ sở vật chất

Đối với các địa phương bên cạnh việc tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT thì việc tăng cường cơ sở vật chất để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cũng vô cùng cần thiết. Bởi hiện nay tỷ lệ phòng học của tiểu học (TH) trung bình chung cả nước chỉ đạt 0,89 (miền núi phía Bắc: 0,90; Tây Nguyên: 0,85; Tây Nam Bộ: 0,7). Trong khi đó, để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cấp TH tỷ lệ phòng học phải đạt 1,0 (1 lớp/phòng học). Tỷ lệ HS TH hai buổi/ngày toàn quốc hiện nay gần 80%. Nhiều địa phương đã đạt tỉ lệ 100%. Song tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày thấp vẫn tồn tại và tập trung chính ở hai khu vực các tỉnh miền núi hoặc có đông HS dân tộc; khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp.

Theo TS Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục TH, để giải quyết vấn đề này các địa phương cấp tỉnh cần tập trung chỉ đạo cấp huyện tập trung nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án để đủ phòng học theo lộ trình thực hiện SGK ở cấp TH, tổ chức các đoàn kiểm tra khảo sát một số địa phương khó khăn để tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ thực hiện.

Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình GDMN và GDPT giai đoạn 2017 – 2025 với mục tiêu: Bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình GDMN và chương trình GDPT theo lộ trình đổi mới chương trình, SGK đối với TH đã được phê duyệt và phân bổ về các địa phương.

Như vậy, giai đoạn 2017 - 2025, đối với bậc TH đã được phê duyệt và phân bổ về các địa phương 5.900 phòng TH thay thế các phòng học tạm thời; xây dựng bổ sung 6.000 phòng học và 7.700 phòng chức năng; 3.420 phòng thư viện; mua sắm bổ sung 39.070 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và 2; 258.620 bộ bàn ghế hai chỗ ngồi; 13.910 bộ máy tính; 1.980 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ… Đây sẽ là những điều kiện tốt để các địa phương bước vào thực hiện Chương trình GDPT mới.

Tăng cường cơ sở vật chất - đòi hỏi tất yếu của chương trình GDPT mới. Ảnh: T.G
  • Tăng cường cơ sở vật chất - đòi hỏi tất yếu của chương trình GDPT mới. Ảnh: T.G

Tháo gỡ bất cập giáo viên

Có thể thấy, với tỉ lệ GV toàn quốc là 1,42 hiện nay thì cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên thực tế cho thấy, số GV bậc TH đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động vẫn còn khá nhiều với 58.915 GV chưa được xét tuyển biên chế chính thức. Số GV này cũng không thể yên tâm công tác, bám trường lớp... Điều này sẽ tạo ra sự bấp bênh về mặt nhân lực và chất lượng giáo dục. Mặt khác, số lượng GV các môn học mới ở TH khi thực hiện chương trình mới cũng chưa đủ đáp ứng yêu cầu; như môn Tiếng Anh và Tin học.

Để tháo gỡ tình trạng GV còn bất cập, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ đề xuất định biên cho ngành Giáo dục khi thực hiện chương trình mới. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện và Bộ Nội vụ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố rà soát bổ sung biên chế sự nghiệp cho ngành giáo dục và Y tế để có phương án bổ sung trong thời gian tới. Hiện nay, các địa phương đang tiến hành rà soát theo thẩm quyền và gửi về Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT.

Năm học 2020 - 2021, dự kiến toàn quốc có khoảng 63.500 lớp 1. So với chương trình GDPT hiện hành, Chương trình GDPT mới ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Tuy nhiên trong chương trình mới có thêm 2 môn học mới là Ngoại ngữ 1; Tin học và Công nghệ. Đối với một số địa phương việc bổ sung GV hai bộ môn này là thách thức không nhỏ, nhất là trong tình hình tinh giản biên chế hiện nay. 

Đứng trước thực tế này, TS Thái Văn Tài lưu ý các địa phương: Theo chương trình hiện hành môn Tin học và Tiếng Anh là môn tự chọn nên các địa phương chưa có căn cứ để tuyển GV. Tuy nhiên theo Thông tư 32 về ban hành chương trình GPDT mới, 2 môn này sẽ học bắt buộc. Vì vậy đây là căn cứ pháp lí để các địa phương tiến hành tuyển dụng GV theo vị trí việc làm đảm bảo thực hiện chương trình mới. Việc các địa phương cần chú ý là chỉ đạo các trường TH xây dựng bổ sung vị trí việc làm đối với 2 môn học này, xây dựng vị trí định biên đủ định mức số tiết quy định.

Hơn thế nữa, lộ trình thực hiện sẽ từ năm học 2020 - 2021 và đến năm học 2025 – 2026 phải đảm bảo đủ số lượng GV theo định mức và thành phần GV bộ môn đủ và cân đối hợp lí giữa các môn theo quy định của chương trình và Thông tư 32 là căn cứ pháp lý để các địa phương chỉ đạo các trường TH bổ sung vào vị trí việc làm đối với GV môn Tin học và Tiếng Anh.

Một vấn đề hết sức quan trọng trong quá trình chuẩn bị đội ngũ GV TH đáp ứng yêu cầu chương trình và SGK mới đó là thực hiện tốt công tác bồi dưỡng. Như vậy, cách hiệu quả nhất là địa phương phải chú ý tổ chức phối hợp thực hiện Kế hoạch tập huấn theo chương trình, kế hoạch mà Bộ GD&ĐT đã ban hành cụ thể các đối tượng. Với GV cốt cán mỗi tỉnh có 2 CBQL cấp sở, 1 CBQL cấp phòng GD, mỗi trường TH có 1 GV được cử đi bồi dưỡng thực hiện chương trình. Thời gian thực hiện cấp T.Ư; cấp tỉnh phải thực hiện ngay sau đó.

Đối với GV dạy lớp 1, khi thực hiện chương trình mới 100% GV năm học 2020 - 2021 phải được bồi dưỡng để dạy chương trình mới. Cụ thể phải bồi dưỡng cho 3 đối tượng: GV dạy môn chung, GV dạy Âm nhạc, GV dạy Mĩ thuật. Đối tượng này địa phương phải chủ động thực hiện bồi dưỡng bằng ngân sách địa phương và thực hiện xong trước tháng 12/2019 để thời gian sau đó sẽ tập huấn sử dụng SGK. Các địa phương xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng GV theo định hướng trên và tham mưu phương án bố trí kinh phí thực hiện để thực hiện bồi dưỡng cho các đối tượng đúng theo tiến độ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ