Chồng chất khó khăn
Chương trình GDPT mới ở bậc TH sẽ có 2 thay đổi cơ bản là môn Tiếng Anh và Tin học - Công nghệ trở thành môn bắt buộc từ lớp 3 - 5. Cùng đó, chương trình GDPT mới ở bậc TH thực hiện 2 buổi/ngày, dành nhiều thời gian để thực hiện các môn học và nội dung học tập; Giáo dục toàn diện cho HS...
Với sự thay đổi này, đòi hỏi các địa phương phải có sự bổ sung cả về số lượng đội ngũ GV, bảo đảm chất lượng chuyên môn lẫn tăng cường cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên trong thực tế, bên cạnh các điều kiện thuận lợi thì các địa phương gặp không ít khó khăn cả hai điều kiện trên.
Theo ông Phạm Thanh Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ (Sơn La): Toàn huyện có 33 trường học với tổng số 16.361 HS; HS dân tộc thiểu số chiếm hơn 94%. Trong khi đó cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Cụ thể có 865 phòng học thì mới có 528 phòng kiên cố, còn lại 224 phòng học bán kiên cố, 97 phòng học tạm và 16 phòng học nhờ.
Đa số các trường còn thiếu phòng thí nghiệm, thiết bị và thư viện. Mặt khác, nhiều điểm trường lẻ không chỉ xa về khoảng cách mà địa hình giao thông đi lại cách trở… gây ảnh hưởng trực tiếp đến giảng dạy, học tập của GV và HS. Cũng bởi những khó khăn về cơ sở vật chất chưa thể tháo gỡ triệt để mà tới nay toàn huyện Vân Hồ chỉ có 4/14 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, 10/14 trường tổ chức dạy học chương trình T30 (phụ đạo cho HS thêm 2 buổi chiều/tuần).
Số GV dạy môn Tiếng Anh và Tin học tại Vân Hồ cũng đang hạn chế về số lượng. Cả ngành mới có 7 GV Tiếng Anh và 3 GV Tin học. Như vậy, việc bổ sung hàng chục GV ở hai bộ môn này trong thời gian tới cũng không dễ dàng.
Quản Bạ cũng là một huyện vùng cao khó khăn tỉnh Hà Giang. Không chỉ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại nhiều cơ sở giáo dục còn hạn chế, mạng lưới trường lớp phân tán gây khó khăn trong công tác đầu tư cơ sở vật chất và dạy học… mà hiện nay đội ngũ GV cũng thiếu về số lượng. Đặc biệt ở bậc TH đội ngũ GV mới chỉ đạt 1,35GV/lớp trong khi chương trình GDPT mới yêu cầu phải đáp ứng tối thiểu 1,5GV/lớp. Trưởng phòng GD&ĐT Quản Bạ - ông Nguyễn Trung Thành khẳng định: Việc bổ sung GV Tin học và Tiếng Anh trong thời gian tới cũng gặp khó khăn lớn cho ngành trong bối cảnh đang tinh giản biên chế.
Ảnh minh họa |
Gỡ khó trước “thềm” thay đổi
Đáp ứng đủ số lượng GV còn thiếu; Bổ sung 2 vị trí việc làm GV môn Tin học và Tiếng Anh; Chuẩn bị đủ cơ sở vật chất để đáp ứng việc dạy và học 2 buổi/ngày; Bồi dưỡng đội ngũ GV đáp ứng được yêu cầu chương trình GDPT mới… Đó là hàng loạt các điều kiện mà địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng trước khi thực hiện chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, để tháo gỡ hết các vấn đề khó khăn này trong khoảng thời gian ngắn và cùng lúc là điều gần như không thể. Vì vậy, để bảo đảm điều kiện cơ bản thực hiện chương trình GDPT mới, ngành GD-ĐT mỗi địa phương đều chủ động, tích cực và linh hoạt triển khai nhiều giải pháp theo cách riêng.
Thông tin từ Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết, ngành đã tích cực tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo công tác GD-ĐT tỉnh. Dự thảo Kế hoạch triển khai đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông trình UBND tỉnh ban hành (trong tháng 5/2019); chỉ đạo các Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện, thành phố ban hành kế hoạch triển khai tại địa phương. Cùng đó thực hiện rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục: Xây dựng kế hoạch triển khai đổi mới chương trình GDPT từ giáo viên đến nhà trường; Nghiên cứu chương trình GDPT mới để áp dụng triển khai ngay trong chương trình GDPT hiện hành và đề xuất triển khai các vấn đề mới trong chương trình GDPT mới.
Ngành GD-ĐT Hà Giang cũng tích cực triển khai hiệu quả các mô hình giáo dục tiếp cận với chương trình GDPT mới như mô hình trường học mới; trường học gắn với thực tiễn sản xuất và kinh doanh; dạy học gắn với di sản; hướng dẫn học sinh NCKH… Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, tổ chức dạy học.
Ông Nguyễn Trung Thành - Trưởng phòng GD&ĐT Quản Bạ cũng cho biết: Ngành GD-ĐT đã chủ động tích cực tiến hành rà soát quy mô, mạng lưới trường lớp học và đội ngũ CBGV. Chỉ đạo, kiểm tra các trường tích cực triển khai phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực như bàn tay nặn bột, công nghệ giáo dục... Mặt khác, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ CBQL, GV; đổi mới kiểm tra đánh giá; tăng cường công tác định hướng, hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học nhằm phát huy năng lực sáng tạo của HS và GV... Việc tham mưu cho UBND huyện triển khai thực hiện tốt các đề án, kế hoạch của tỉnh, huyện về công tác giáo dục cũng được tiến hành tích cực.