Cùng con lập lịch trình cho kỳ nghỉ

GD&TĐ - Phụ huynh hãy để con mình tham gia lập kế hoạch cho kỳ nghỉ. Bởi, đó là một cách tuyệt vời để khơi dậy sự phấn khích của chuyến đi.

Việc đặt ra mục tiêu về ngân sách là vô cùng quan trọng.
Việc đặt ra mục tiêu về ngân sách là vô cùng quan trọng.

Đồng thời, giúp mang lại cho trẻ cảm giác sở hữu những kỷ niệm mà chúng sẽ sớm tạo ra.

Du lịch cùng gia đình mang đến cơ hội tuyệt vời để dành thời gian ý nghĩa bên nhau ngoài những thói quen hằng ngày của các thành viên. Du lịch giúp mang đến sự tích cực trong sự phát triển của trẻ. Trong khi đó, cha mẹ sẽ bớt căng thẳng và mọi người đều có cơ hội trải nghiệm những điều mới.

Tuy nhiên, thực tế, tại sao các gia đình phải đợi đến chuyến đi mới dành thời gian chất lượng bên nhau?

Từ việc lên ý tưởng về các điểm đến cho đến việc tạo hành trình, trẻ em đều có rất nhiều hứng thú để lên kế hoạch cho chuyến đi của riêng mình.

Dưới đây là 5 cách chắc chắn để thu hút trẻ lập kế hoạch cho kỳ nghỉ tiếp theo của gia đình. Cách làm này cũng sẽ giúp trẻ có thêm một số kỹ năng sống cần thiết trong suốt quá trình phát triển.

Đưa ra ý tưởng về ngân sách

Bước đầu tiên trong việc lên kế hoạch cho mọi kỳ nghỉ của gia đình là tìm hiểu xem cả nhà muốn chi bao nhiêu. Phụ huynh không nên ngại chia sẻ ngân sách mục tiêu với trẻ nhỏ. Hãy giải thích rằng, con số ước tính phải bao gồm chi phí đi lại, chỗ ở, bữa ăn và tham quan.

Các phụ huynh thường lo lắng về việc không thể thu hút con tham gia vào việc lập kế hoạch. Theo các chuyên gia, phụ huynh có thể cung cấp cho mỗi đứa trẻ một cuốn sổ tay. Sau đó, hãy chỉ định một vài trang cho mỗi danh mục lập kế hoạch cho kỳ nghỉ, như: Chỗ ở, điểm tham quan không thể bỏ qua, hoạt động, đồ ăn… Từ đó, giúp theo dõi danh sách mong muốn của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ định hình rõ hơn về kỳ nghỉ.

Đối với trẻ nhỏ hơn, cha mẹ có thể sử dụng một cuốn sổ ghi chép của gia đình để chia sẻ với con. Việc xem tất cả các chi tiết về chuyến đi trong cuốn sổ có thể giúp trẻ hiểu được sự cân bằng. Ví dụ: Nếu việc ở trong một khách sạn đẹp có hồ bơi nằm trong danh sách mong muốn của trẻ, thì điều đó có thể có nghĩa là con sẽ đi du lịch bằng ô tô thay vì máy bay.

Suy nghĩ về điểm đến lý tưởng

Sau khi xem xét ngân sách và danh sách mong muốn, đã đến lúc yêu cầu mỗi thành viên trong gia đình giới thiệu địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng. Sau đó, các phụ huynh hãy cùng trẻ tổng hợp phản hồi càng nhiều càng tốt để thu hẹp danh sách ứng cử viên hàng đầu.

Nếu phụ huynh muốn biến việc lựa chọn điểm đến thành một quy trình thực sự dân chủ, hãy cùng các thành viên trong gia đình bỏ phiếu.

Để thu hút trẻ tham gia, cha mẹ hãy đưa cho con bản đồ hoặc quả địa cầu. Từ đó, giúp trẻ xác định các điểm đến tiềm năng, dù ở trong nước hay quốc tế. Sau đó, hãy yêu cầu trẻ liệt kê một số lý do khiến con cho rằng, những lựa chọn hàng đầu của mình sẽ thú vị, cho dù đó là những địa danh mà bé đã đọc hay những sự thật thú vị học được ở trường.

Khi phụ huynh quyết định đi đâu, hãy cam kết cùng gia đình tìm hiểu điều gì đó mới mẻ về lịch sử và truyền thống văn hóa của địa điểm đó. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy được kết nối với điểm đến ngay cả trước khi tới đó.

Trẻ có thể nêu ra những điểm đến mà bé muốn.

Trẻ có thể nêu ra những điểm đến mà bé muốn.

Hành trình của gia đình

Trừ khi gia đình có kế hoạch ở lại để tận hưởng kỳ nghỉ thư giãn tại bãi biển, tới thăm nhiều điểm được coi là sẽ hấp dẫn hơn so với việc chỉ ở lại một nơi. Các thành viên gia đình hãy cùng nhau tổng hợp và nghiên cứu những sách hướng dẫn cũng như blog du lịch. Qua đó, chọn ra danh sách tổng thể các điểm tham quan và hoạt động, cũng như khoảng thời gian mà cả nhà sẽ cần dành cho một vị trí.

Để thu hút trẻ tham gia, phụ huynh hãy cân nhắc việc giao cho con chịu trách nhiệm về hành trình của gia đình trong một ngày hoặc nửa ngày.

Kế hoạch của trẻ không cần phải quá cứng nhắc. Bởi, thực tế, cha mẹ sẽ muốn hoạt động lên kế hoạch này trở nên thú vị chứ không phải bài tập về nhà. Có lẽ trẻ chỉ đơn giản muốn chọn một số việc phải làm hoặc dành thời gian để khám phá những trải nghiệm khác thường ở một khu vực lân cận cụ thể.

Lên kế hoạch ngủ lại

Một trong những khía cạnh thú vị nhất của kỳ nghỉ gia đình là ngủ xa nhà. Các thành viên gia đình hãy cùng thảo luận về những lựa chọn gần điểm đến phù hợp với ngân sách.

Hãy tính đến lượng thời gian cả nhà thực sự dành ở đó và liệu mọi người có cần ô tô hay phương tiện nào, hoặc có thể đi bộ đến các điểm tham quan hay không.

Để tạo hứng thú cho trẻ tham gia, cha mẹ hãy yêu cầu con giúp xác định những điều cần phải làm. Ví dụ, liệu trẻ có thực sự muốn tới nghỉ ở một nơi có hồ bơi? Một căn bếp nhỏ? Một tầm nhìn xuống toàn thành phố? Sau khi đánh giá các lựa chọn, cha mẹ hãy giúp con mình thấy những gì phù hợp với ngân sách.

Đây có thể là một cơ hội tuyệt vời khác để trẻ học cách ưu tiên những gì chúng muốn. Phụ huynh cũng có thể giải thích rằng, việc chi tiêu ít hơn một chút trong phần lớn kỳ nghỉ của mình có thể đồng nghĩa với việc, gia đình có thể dành ngân sách ở một nơi ở sang trọng hơn.

Ngoài ra, cha mẹ có thể khuyến khích những đứa trẻ lớn hơn tự nghiên cứu và ghi lại các phát hiện của mình vào sổ ghi chép kế hoạch. Sau đó, trẻ có thể chia sẻ với gia đình trước khi quyết định chỗ ở.

Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia vào lập kế hoạch cho chuyến đi.

Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia vào lập kế hoạch cho chuyến đi.

Cùng nhau sắp xếp hành lý

Việc khuyến khích trẻ tự sắp xếp hành lý không chỉ giúp thu hút chúng lên kế hoạch cho kỳ nghỉ, mà còn có thể giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian chuẩn bị cho chuyến đi. Chìa khóa để đóng gói hành lý hiệu quả là phụ huynh phải dành đủ thời gian để thực hiện việc đó. Vì vậy, vào một vài ngày trước chuyến đi, hãy giúp trẻ bắt đầu suy nghĩ về những gì con cần hoặc muốn mang theo bên mình.

Phụ huynh hãy yêu cầu con tìm hiểu về thời tiết, nhiệt độ ở điểm đến. Sau đó, hãy yêu cầu trẻ lập danh sách các vật dụng phù hợp với thời tiết. Sử dụng sổ ghi chép kế hoạch của gia đình để lập danh sách những thứ như quần áo năng động, áo khoác ngoài và giày, cũng như các vật dụng bổ sung như ô, mũ, kính râm và chai nước.

Việc mang một chiếc túi zip dự phòng cũng sẽ rất hữu ích để đựng những thứ lộn xộn. Phụ huynh cũng có thể gợi ý cho trẻ cân nhắc việc mang theo một chiếc túi nhỏ đựng thuốc và đồ vệ sinh cá nhân. Như vậy, trẻ sẽ dễ dàng lấy đồ ra nếu cần dùng tới.

Nếu đang cố gắng đáp ứng những hạn chế về kích thước hành lý, phụ huynh hãy để con tham gia cùng. Ví dụ, cha mẹ đang cố gắng giới hạn về việc mỗi thành viên trong gia đình được mang theo hành lý xách tay. Khi đó, phụ huynh hãy giúp con chọn những món đồ có thể được ứng dụng trong nhiều trường hợp khác nhau. Cách làm này có thể giúp tiết kiệm không gian.

Phụ huynh hãy nhắc nhở trẻ rằng, càng mang theo ít đồ đạc thì con sẽ càng có nhiều chỗ để đựng quà lưu niệm.

Trẻ nhỏ hơn có thể cần được hướng dẫn trong suốt quá trình lập kế hoạch cho chuyến đi, nhưng các bé vẫn sẽ thích điều đó. Việc thực hiện những động thái này cũng không kém phần ý nghĩa ngay cả khi các cha mẹ đã có kế hoạch chung cho kỳ nghỉ. Thu hút trẻ tham gia vào việc lên kế hoạch chi tiết hơn sẽ dạy trẻ rằng, con đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Những điều nên làm trong kỳ nghỉ

Có nhiều hoạt động thân thiện với trẻ em. Phụ huynh có thể cùng trẻ khám phá các bãi biển. Tuy nhiên, trước tiên, cha mẹ hãy kiểm tra xem có gì nguy hiểm ở đó không. Đồng thời, cần luôn để mắt tới trẻ khi con xuống nước.

Phụ huynh và trẻ cũng đừng quên mang theo xô, bóng và gậy để chơi trên bãi biển. Một đôi giày chạy bộ cũ có thể hữu ích khi trẻ chạy trên cát. Hãy xem xét những việc cần làm trong trường hợp thời tiết ẩm ướt, hoặc khi trẻ không muốn chơi trên cát và nước nữa.

Các thành viên gia đình có thể xem hướng dẫn của công viên quốc gia để biết những con đường có thể đi dạo. Những hướng dẫn này cũng sẽ cho cả gia đình biết liệu con đường mòn có phù hợp để đi dạo cùng trẻ em hay không.

Nếu chuyến đi bộ của cả gia đình dài hơn nửa giờ, hãy đảm bảo mang theo bộ sơ cứu, kem chống nắng, mũ, áo mưa, thuốc chống côn trùng và một số thực phẩm cũng như nước uống. Gia đình cũng cần thông báo cho người khác biết về địa điểm sẽ đi. Đồng thời, hãy mang theo điện thoại di động đã được sạc đầy. Để đề phòng trường hợp đi sai hướng, hãy mang theo đèn hiệu khẩn cấp.

Trong trường hợp trẻ còn nhỏ, việc địu bé có thể là cách tuyệt vời để cả gia đình cùng khám phá trong chuyến đi. Nếu sử dụng xe đẩy, hãy đảm bảo đi bộ trên mặt đất bằng phẳng. Đồng thời, chú ý tới các bề mặt không bằng phẳng và giữ khoảng cách đi bộ luôn gần nhau.

Bên cạnh đó, gia đình cũng có thể chọn một địa điểm cắm trại nơi phụ huynh chắc chắn rằng, trẻ em có thể nhìn thấy và làm những điều thú vị như khám phá động vật hoang dã địa phương. Song, hãy luôn chọn một vị trí mà cha mẹ có thể để mắt tới con. Hãy chuẩn bị đồ dùng khi trời ẩm ướt, kem chống nắng, mũ, thuốc chống côn trùng, đồ sơ cứu, dụng cụ để tham gia trò chơi và sách.

Theo Northwestern mutual; Raising children

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cảm giác hưng phấn là một chức năng tự nhiên của cơ thể. (Ảnh: ITN)

8 lý do khiến bạn muốn 'yêu'

GD&TĐ - Hầu hết chúng ta bắt đầu cảm thấy hưng phấn khi bước vào tuổi dậy thì và đương nhiên, việc có cảm xúc tình dục là điều hoàn toàn bình thường.