Đó là lý do nghề giáo trở thành lựa chọn cũng như niềm đam mê của cô giáo Hà Thị Hòa, giáo viên giảng dạy môn Văn học của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội), một người đã để lại ấn tượng sâu sắc với tôi không chỉ bởi những thành tích đáng khâm phục trong chuyên môn mà còn cả ở tấm lòng hết sức nhân hậu và vị tha.
Cô giáo Hà Thị Hòa |
Năm 1980, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Thái Nguyên), chị Hòa được phân công về trường PTTH Gang Thép và giảng dạy ở đó 3 năm. Sau đó, chị chuyển về giảng dạy tại trường Sư phạm 10 + 3 Bắc Thái (nay là trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên). Với chị, đây là một thử thách, cũng là một niềm vinh dự vì mái trường này là cái nôi đào tạo ra những thầy giáo, cô giáo cho tỉnh nhà, đặc biệt là cho những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Với tâm niệm, để đứng vững trong môi trường này, điều trước tiên phải làm là tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn. Thế là, trong hoàn cảnh con nhỏ, chồng lại ốm nặng, ngày ngày, vừa đưa cơm vào viện cho chồng, vừa chăm sóc mẹ chồng bệnh tật, chị vẫn kiên trì học ngoại ngữ và ôn thi cao học. Đó là những năm khó khăn nhất của đất nước trong thời kỳ bao cấp, cũng là những năm khó khăn nhất trong gia đình chị. Sau hai năm học tập tại Hà Nội, nhận tấm bằng Thạc sĩ, chị trở về mái trường xưa và tiếp tục công việc của mình. Các khoá chủ nhiệm của chị luôn luôn đạt tập thể Tiên tiến xuất sắc. Trong lớp, sinh viên phần đông là học sinh miền núi, xa nhà và nhớ nhà, chị đã đến với các em như một người chị đi trước và cùng các em tạo ra không khí tập thể của sự nhân ái, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài giờ lên lớp, chị hướng dẫn sinh viên của mình soạn giáo án, tập giảng, để các em làm quen với chương trình và kiến thức phổ thông. Vì thế, sinh viên do chị phụ trách rất tự tin và chủ động khi xuống trường phổ thông trong các đợt kiến tập và thực tập sư phạm. Trong lớp chủ nhiệm của chị, có những em gặp hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, tưởng không thể theo học được, chị đã lặn lội hơn 40 km đường rừng, mua chăn màn, quần áo, đến thăm gia đình em, động viên em đến trường. Hàng tháng, chị trích số tiền nhỏ giúp đỡ thêm cho em. Và, đền đáp niềm tin của cô giáo nhân hậu, sau ba năm kiên trì học tập, em đã trở về với bản làng, “gieo cái chữ” và phấn đấu học tiếp chương trình Đại học và trở thành giáo viên giỏi của huyện Định Hoá - Thái Nguyên. Đó chính là kỉ niệm, là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất khi chị giảng dạy ở mái trường này.
Từ năm 1999, để hợp lí hoá gia đình, chị chuyển về công tác tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - Hà Nội. Đã tròn 10, nơi đây đã trở thành mái ấm gia đình thứ hai của chị. Từ mái trường này, chị Hòa tiếp tục phấn đấu và đạt giải cao trong cuộc thi giáo viên giỏi cấp thành phố năm học 2003 – 2004. Các khoá học sinh do chị giảng dạy và bồi dưỡng đạt giải Nhất, giải Nhì, giải Ba trong những cuộc thi học sinh giỏi của thành phố Hà Nội. Và cũng liên tục nhiều năm, chị được công nhận danh hiệu giáo viên giỏi của trường và của ngành Giáo dục Thủ đô. Vừa giảng dạy, vừa làm tổ trưởng tổ bộ môn, chị tiếp tục tham gia công tác chủ nhiệm. Không chỉ cố gắng nâng cao năng lực chuyên môn, với bản tính nhân hậu và vị tha của mình, chị Hòa luôn để ý giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Có em cha mất sớm, mẹ đi lấy chồng tận trong Tây Nguyên và rất nghèo. Em sống với ông bà nội đã già yếu. Thương em, chị đóng tiền học, tiền sách để đỡ phần nào gánh nặng cho ông bà của em, động viên em học tốt. Bây giờ, em học sinh đó đã trở thành sinh viên năm thứ ba trường Đại học Giao thông Vận tải. Hiện nay, lớp chủ nhiệm mới của chị có một học sinh cũng có hoàn cảnh rất tội nghiệp. Cha bỏ đi khi em mới học lớp 2, mẹ ốm đau bệnh tật quanh năm, bà ngoại già yếu, kinh tế chỉ trông vào sào ruộng rau. Để động viên em tới lớp, chị đã giúp đỡ một phần kinh phí để em yên tâm học tập. “Với hoàn cảnh như vậy, nếu sau khi tốt nghiệp lớp 12, em học tiếp Đại học, Cao đẳng hay bất kì trường dạy nghề nào, tôi cũng sẽ tiếp tục cùng mẹ em, giúp em có điều kiện thực hiện ước mơ của mình” - chị tâm sự.
Trước yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, không muốn mình lạc hậu, chị Hòa đã có ý thức học tập và làm quen với lĩnh vực mới mẻ này. Dù đã tương đối thuần thục trong sử dụng thiết bị hiện đại trong thi giảng, thao giảng cũng như những giờ học hàng ngày, nhưng chị vẫn luôn trăn trở một ý nghĩ: Không phải bài nào cũng sử dụng máy tính. Nếu thấy cần thiết thì sử dụng như thế nào cho hiệu quả, không phô diễn, hình thức khiến học sinh không theo kịp bài, không nắm bắt được nội dung bài học? Với ý nghĩ đó, chị thường dành thời gian soạn trên máy những bài giảng có nội dung lớn và cố gắng trình bày ngắn gọn, rõ ràng để các em vừa theo dõi, vừa ghi chép, vừa tham gia thảo luận, tranh luận được và giáo viên vẫn thoải mái dẫn dắt, bình giảng, vẫn duy trì được không khí văn chương trong giờ học. Máy tính giúp chị cập nhật được nhiều thông tin, đọc được nhiều tư liệu liên quan đến chuyên môn, giúp chị nâng cao khả năng tự học, tự bồi dưỡng và thấy mình tự tin hơn trong cuộc sống.
“Tôi chỉ là một giáo viên rất bình thường, ý nghĩa cuộc sống đối với tôi cũng giống như biết bao giáo viên khác: Mỗi ngày hãy cố gắng làm được một việc thiện, và có như vậy mới thấy mình sống có ích. Tôi thực sự hạnh phúc khi đã gần 30 năm trôi qua, lớp chủ nhiệm đầu tiên trong nghề giáo của tôi vẫn như một gia đình nhỏ, ấm áp, sum vầy trong những lần gặp lại”. Suy nghĩ và niềm hạnh phúc giản dị đó thật đáng trân trọng biết bao!
N.N