Giúp con nhận thức đúng sai
Theo chuyên gia, có nhiều lý do để cha mẹ chú trọng tới giáo dục lòng nhân ái trong gia đình mình. Nó giúp tạo ra một môi trường tích cực, mọi người hỗ trợ lẫn nhau. Điều đó sẽ giúp xây dựng lòng tin, sự tôn trọng, hơn nữa còn mang lại sự gắn kết, thân thiết giữa các thành viên.
Lòng nhân ái cũng làm giảm sự căng thẳng. Một trong những nguyên nhân gây bệnh, có tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất và tinh thần chính là căng thẳng thì lòng nhân ái giúp giảm xung đột.
Khi một người phản ứng với các xung đột trong gia đình bằng sự tử tế, nhân ái thay vì giận dữ và thất vọng, họ có khả năng tìm ra tiếng nói chung hay cách giải quyết tốt nhất cho cả hai bên.
Những đứa trẻ được sống trong môi trường lành mạnh, vui vẻ, ít xung đột có khả năng phát triển tốt hơn.
Đồng thời, lòng nhân ái giúp truyền cảm hứng cho người khác. Khi chứng kiến một hành động tử tế, tốt lành, não sẽ tiết ra một loại hormone mang lại cảm giác dễ chịu. Lòng tốt có tính lây lan, khi chúng ta thực hiện những hành động tử tế, chúng ta truyền cảm hứng cho người khác cũng làm như vậy.
ThS Lê Thùy Trâm (Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Thùy Tiên, Hà Nội) chia sẻ, lòng nhân ái là một đức tính cao đẹp của con người nói chung, người Việt Nam nói riêng. Trong cuộc sống, lòng nhân ái đem đến những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững và hơn hết là giúp cho đời sống tinh thần được vui vẻ, thoải mái. Khi một người có lòng nhân ái họ thường có suy nghĩ chín chắn hơn, biết quan tâm yêu thương người khác.
Giáo dục lòng nhân ái giúp trẻ nhận thức được các hành vi đúng sai của bản thân, tự giác trong học tập, biết quan tâm, yêu thương cha mẹ, thầy cô và bạn bè. Giáo dục lòng nhân ái cho trẻ cũng chính là cách rèn luyện tư duy, nhận thức và hình thành nhân cách sống đúng đắn, sống có ích hơn trong môi trường cộng đồng.
Đặc biệt hơn, giáo dục lòng nhân ái cho trẻ cũng là cách để cha mẹ và con cái thể hiện tình yêu thương và quan tâm nhau nhiều hơn. Bởi, khi các thành viên trong nhà đều ý thức được ý nghĩa của tình yêu thương, ý nghĩa của lòng nhân ái đối với người khác, họ sẽ biết điều chỉnh hành vi của mình, góp phần tạo nên một mái ấm gia đình hạnh phúc.
Muốn vậy, trước khi học cách yêu thương và đồng cảm với người khác, con phải thấu hiểu chính bản thân mình.
Nhiều nghiên cứu cho thấy khi trẻ xác định được cảm xúc của mình, trẻ thường có những mối quan hệ lành mạnh. Cha mẹ không nên áp đặt lối suy nghĩ lên trẻ mà hãy để con tự nói ra cảm xúc của mình bằng cách trả lời các câu hỏi. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng: “Con cảm thấy buồn à?”. Nếu con vẫn còn e ngại, ba mẹ hãy chủ động gợi mở trước: “Hôm nay có nhiều bất ổn thật. Con đang cảm thấy thế nào?”.
Theo cô Lê Thùy Trâm, để con nói ra được cảm xúc của mình, cha mẹ có thể dạy bé gọi tên các cảm xúc. Hoặc đọc cho trẻ nghe các câu chuyện, truyện cổ tích, các tác phẩm giáo dục lòng nhân ái cho trẻ mầm non có nội dung về lòng tốt, sự hy sinh và nhân ái như Tấm Cám, Sọ Dừa, Bạch Tuyết và bảy chú lùn… Khi kể cho con nghe, cha mẹ có thể đặt ra câu hỏi về bài học về lòng nhân ái từ mỗi câu chuyện.
Với những trẻ lớn hơn ở độ tuổi tiểu học, cha mẹ có thể cho con đọc những tác phẩm văn học thiếu nhi giáo dục lòng nhân ái như: Dế Mèn phiêu lưu ký, Kính vạn hoa, Đất rừng phương Nam… Những cuốn sách hay sẽ giúp con hiểu ý nghĩa của lòng yêu thương. Đây là lúc bé được rèn luyện khả năng tư duy và sự đồng cảm.
Do vậy, hãy tìm cho con những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi. Các chủ đề về tình bạn sẽ dễ dàng để con làm quen và cảm thấy hứng thú. Sau khi đọc xong, người lớn nên chuẩn bị sẵn những câu hỏi. Cha mẹ có thể yêu cầu con xác định biểu hiện của lòng nhân ái qua câu chuyện hay nhân vật nào là người có tấm lòng tử tế.
Để lòng nhân ái được lan tỏa
Cô Vũ Thu Trang - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ban Mai (Hà Nội) nhấn mạnh, cha mẹ luôn là tấm gương cho con cái. Do vậy, nên thể hiện sự tử tế, nhân hậu hằng ngày để làm gương cho con. Chẳng hạn như luôn nói lời cảm ơn, xin lỗi, nhường nhịn và giúp đỡ người già, trẻ nhỏ.
“Hãy nhớ rằng trẻ nhìn cha mẹ như một tấm gương. Khi bạn giúp một bà lão băng qua đường, con bạn sẽ quan sát và học về lòng nhân ái mà không cần một lời giảng dạy nào”, cô Trang chia sẻ và cho biết, trẻ cũng sẽ học được cách tôn trọng người khác khi chúng cảm thấy được tôn trọng.
Khi lắng nghe và hiểu quan điểm của trẻ, chúng ta dạy cho chúng biết giá trị của việc lắng nghe người khác. Điều này sẽ dạy con cách tôn trọng và đồng cảm với người khác. Qua đây, cha mẹ có thể chỉ cho con cách nhận biết cảm xúc của mọi người xung quanh thông qua ánh mắt, nụ cười hay vẻ mặt buồn rầu.
Chẳng hạn, khi một bạn của con khóc hoặc cảm thấy buồn, hãy hỏi con bạn nghĩ bạn ấy đang cảm thấy như thế nào. Điều này giúp trẻ nhận diện và đồng cảm với cảm xúc của người khác.
Cha mẹ cũng cần nhớ rằng, thay vì ra lệnh cho con, nên đưa ra lời gợi ý để bé thực hiện. Cha mẹ có thể hỏi: “Con có muốn ôm bạn một cái không?” hay “Con có muốn đến giúp bạn không?” Cần để cho con tự đưa ra quyết hành động và cảm nhận giá trị tích cực từ lòng yêu thương.
Đồng thời, hãy khuyên con biết thể hiện tình yêu thương, chia sẻ giúp đỡ ông bà, cha mẹ… bằng những việc làm vừa sức của mình như dọn cơm, rửa rau, lau nhà, quét nhà… Nếu có em nhỏ, hãy dạy con cách chơi cùng, nhường nhịn và giúp đỡ em. Điều này giúp bé học được cách yêu thương và quan tâm đến người khác. Không nên so sánh con với các anh chị em để tránh tạo sự ganh đua. Thay vào đó, khuyến khích các con học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau và tôn vinh sự độc đáo của mỗi đứa trẻ.
Trong sinh hoạt hàng ngày, trong các mối quan hệ xã hội, tùy theo từng tình huống cụ thể, cha mẹ hãy dạy con các hành động thể hiện lòng nhân ái như nhường chỗ cho người cao tuổi trên xe buýt, ngoài công viên, giúp đỡ người già, em nhỏ qua đường, nhường đồ chơi cho các bạn…
Bên cạnh đó, hãy dạy con đừng trả đũa lại sự thô lỗ, mà hãy phản ứng bằng thái độ nhân hậu, lịch sự. Điều này có vẻ khó đối với trẻ nhưng nếu kiên trì sẽ giúp con rèn luyện được lòng nhân ái.
Hơn nữa, người lớn cũng nên khen ngợi, động viên khi con có những hành động tử tế, nhân hậu. Việc nhận biết và đánh giá cao sẽ giúp củng cố lòng nhân ái ở trẻ. Ví dụ, khi thấy con nhường nhịn em nhỏ, bạn có thể khen con bằng câu “Con thật tốt bụng khi chia sẻ kẹo với em. Mẹ rất vui và tự hào về con.” Việc này giúp trẻ hiểu được việc chúng làm là tốt và sẽ tiếp tục phát huy.
Nhiều gia đình còn nuôi thú cưng cùng con và dạy con cách chăm sóc, yêu thương chúng. Việc chăm sóc một con mèo hoặc con chó giúp con hình thành lòng nhân ái và tính trách nhiệm. Bởi lòng nhân ái, độ lượng không chỉ dừng lại ở việc thể hiện giữa con người với con người, nó còn thể hiện cách trẻ đối xử với con vật nuôi nói riêng hay thái độ với việc bảo vệ động vật nói chung.
Do đó, nếu môi trường sống xung quanh có điều kiện, cha mẹ hãy tạo cơ hội cho trẻ được gần gũi tiếp xúc với các con vật như hướng dẫn cách nuôi dưỡng, chăm sóc chúng. Trẻ được tiếp xúc với các con vật nuôi sẽ giúp chúng giữ được cân bằng hơn trong cuộc sống.
Nếu gia đình không đủ không gian để nuôi thú cưng, cha mẹ hãy dành thời gian đưa trẻ đến sở thú, công viên để trẻ có cơ hội gần gũi và tìm hiểu về thế giới loài vật...
Cũng theo cô Trang, cha mẹ có thể đưa con tham gia các quỹ từ thiện, thăm trại trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn... Những hoạt động ý nghĩa này sẽ giúp con hiểu hơn về lòng nhân ái. Lợi ích của hoạt động tình nguyện không chỉ là giúp đỡ cộng đồng. Bản thân người tham gia hoạt động tình nguyện cũng sẽ có tâm trạng tốt hơn. Do vậy, cha mẹ nên cùng con tham gia các hoạt động tình nguyện tại địa phương. Hoạt động dọn rác ở bãi biển hay đến giúp đỡ viện dưỡng lão thường phù hợp với những trẻ lớn. Các trẻ nhỏ hơn có thể bắt đầu bằng cách quyên góp sách vở, quần áo cho quỹ từ thiện.
“Khi con đã hiểu lòng nhân ái là gì và ý nghĩa của lòng yêu thương con người thì bé nên học cách hành động. Người lớn nên hướng dẫn con thể hiện lòng nhân ái với mọi người xung quanh. Lòng tốt và lòng trắc ẩn cần được học hỏi và cần thời gian thấm nhuần. Cuộc sống luôn có những tình huống khó khăn ngay cả đối với người lớn nên đòi hỏi sự kiên nhẫn. Trở thành một bậc cha mẹ yêu thương và là một tấm gương tuyệt vời sẽ giúp ích cho việc nuôi dạy một con người tuyệt vời và bao dung”, cô Trang nhấn mạnh.
“Tùy vào từng độ tuổi để có cách giáo dục con về lòng nhân ái, tình yêu thương. Nhiều nhà trường không chỉ dạy trẻ qua các bài học mà còn là những chuyến đi thực tế.
Với Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên, trẻ 5 tuổi được tham gia cùng phụ huynh và giáo viên rất nhiều hoạt động như quyên góp giấy vụn, trồng cây xanh, đến thăm những hoàn cảnh khó khăn ở trung tâm bảo trợ xã hội.
Khi sang trực tiếp, gặp những người lạ là người già neo đơn, những cô bác bị khuyết tật… các bé không hề lạ lẫm, sợ sệt hay né tránh vì trước đó đã được các cô giáo kể về những mảnh đời đáng thương ấy. Trong mắt các bé chỉ hiện lên những tình cảm yêu thương, sự sẻ chia chân thành. Các bé lại gần, kể những câu truyện ở trường ở lớp, hát múa cho các cụ nghe, tặng những món quà nhỏ”, cô Lê Thùy Trâm - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên chia sẻ bài học về lòng nhân ái trong nhà trường.