(GD&TĐ) - Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, 6 người Trung Quốc đã tử vong do cúm A/H7N9. GS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết: Virus H7N9 đang là mối lo ngại mới của Việt Nam bởi H7N9 vốn là virus gây cúm trên đàn gia cầm và đây là lần đầu tiên cúm A/H7N9 gây biến chứng nặng ở người.
Việt Nam đã sẵn sàng đối phó với cúm mới. Trong ảnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng dịch tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: H.Hải |
Cúm H7N9 là cúm mới hay đã từng xuất hiện trước đó thưa ông?
- Cúm H7N9 đã từng được phát hiện trước đây ở Hồng Kông. Thời gian qua, qua giám sát tại khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như ở Việt Nam đều không phát hiện sự tồn tại của virus trên mà chỉ ghi nhận sự bùng phát của virus cúm A H1N1, H5N1. Tuy nhiên gần đây Tổ chức Y tế thế giới thông báo phát hiện sự trở lại của cúm H7N9 tại Trung Quốc khiến 3 người tử vong. Đây là lần đầu tiên virus cúm trên gây biến chứng nặng trên người.
Tỷ lệ người tử vong do mắc cúm H7N9 tương đối cao. Ông có đánh giá như thế nào về độc tính của virus trên?
- 3 trường hợp tử vong ở Trung Quốc do virus trên là mối lo ngại cho chúng ta bởi hai nước có chung đường biên giới, số người qua lại rất lớn. Nhưng hiện nay vẫn còn quá sớm để nói độc lực của virus H7N9 như thế nào vì số ca mắc ít, trên cá thể. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục giám sát để có khẳng định cuối cùng về độc tính của virus này.
Tuy chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng Bộ Y tế đã yêu cầu các Trung tâm kiểm dịch, hệ thống giám sát dịch nội địa tăng cường giám sát dịch cúm trên gia cầm và cúm trên người để đề phòng virus có sự biến chủng, biến dị. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, cúm H7N9 chưa có biểu hiện lây từ người sang người nhưng Bộ Y tế vẫn yêu cầu giám sát chặt chẽ các trường hợp viêm phổi nặng, các chùm viêm phổi để tìm nguyên nhân, phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm H7N9 ở người.
GS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương |
Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc phòng chống cúm A/H1N1, H5N1, liệu những biện pháp trên có hiệu nghiệm với cúm H7N9?
- Việt Nam đã triển khai hệ thống giám sát cúm trên cả nước từ 6 năm nay và cũng đã thành công trong việc kiểm soát dịch cúm A/H1N1, H5N1 nên đã xác định được các chủng cúm gây bệnh ở người, thậm chí cả virus cúm gây bệnh trên gia cầm có thể lây sang người. Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã có đầy đủ nhân lực, phương tiện máy móc, các sinh phẩm chẩn đoán cúm A/H7N9 và sẵn sàng tiếp nhận bệnh phẩm xét nghiệm nếu có ca bệnh nghi ngờ.
Cúm A/H7N9 là virus mới với Việt Nam nên chúng ta vẫn phải học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nước. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục thực hiện nguyên tắc chung là tăng cường phòng chống cúm nói chung, trong đó đặc biệt lưu ý cúm lây từ người sang người là H1N1 và lây từ gia cầm sang người (H5N1).
Ông có khuyến cáo gì với người dân để phòng ngừa virus cúm trên?
- Để phòng lây nhiễm chủng cúm thông thường cũng như cúm H1N1, H5N1, H7N9, người dân cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, đặc biệt thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp, làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc, thường xuyên lau chùi bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chẩt tẩy rửa thông thường. Đồng thời nâng cao sức khỏe bằng việc ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện thể thao hợp lý… Đặc biệt, người dân cần lưu ý không vận chuyển, buôn bán, sử dụng động vật (lợn, gia cầm) ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc.
H. Thu