Cúm A/H1N1 chờ cơ hội bùng phát

GD&TĐ - Kể từ ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại TPHCM vào tháng Tư, đến nay, số mắc xuất hiện rải rác ở các địa phương chứ không bùng phát thành dịch. 

Cúm A/H1N1 chờ cơ hội bùng phát

Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết cuối đông đầu xuân là cơ hội tốt để virus gây cúm A/H1N1 phát triển và lây lan mạnh. Do vậy, người dân, đặc biệt là cơ quan, trường học cần thường xuyên thực hiện biện pháp sát khuẩn để hạn chế nguy cơ mắc.

Dễ mắc, dễ lây

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cho thấy, cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao và lây lan nhanh trong cộng đồng.

Bệnh thường dễ mắc và lây lan vào mùa đông xuân. Khác với cúm mùa thông thường, chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công vào tế bào phổi, gây viêm phổi, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, sau đại dịch bùng phát năm 2009 trên quy mô toàn cầu (trong đó có Việt Nam), cúm A/H1N1 hay còn gọi là cúm lợn, virus này xuất hiện thường xuyên và hiện được coi là bệnh thông thường, xuất hiện hàng năm.

Bệnh xảy ra trên toàn cầu với tỷ lệ ước tính từ 5% đến 10% người lớn và 20% đến 30% trẻ em. Tại Việt Nam, cúm mùa chủ yếu là cúm A/H3N2 (chiếm 44%); cúm B chiếm 43,4% và cúm A/H1N1 là 12,2%.

Virus cúm A/H1N1 tồn tại lâu ngoài môi trường. Chúng có thể sống từ 24 - 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang, nút thang máy, nắm cửa nhà vệ sinh… và ngay cả trong quần áo (8 - 12 giờ) hay trong lòng bàn tay (5 phút). Loại virus này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước.

Chúng có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C. Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Cẩn thận khi ở nơi đông người

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng của bệnh.

Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ...

Bệnh có biểu hiện sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong.

Bệnh cúm A/H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.

Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, thời tiết như hiện nay là lúc các bệnh cúm mùa, đặc biệt là cúm A/H1N1 dễ tấn công và lây lan trong cộng đồng.

Do vậy, người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi hắt hơi, ho.

Vệ sinh và mở nơi ở, lớp học, phòng làm việc. Các trường học, đặc biệt là mầm non cần thường xuyên lau chùi bề mặt, vật dụng, đồ dùng đồ chơi của trẻ bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.

Điều này đặc biệt quan trọng với trường học ở khu vực phía Nam bởi đây là nơi dịch bệnh đang dồn dập tấn công người dân. Sốt xuất huyết, Zika, quai bị đang bao vây trong khi người dân thường xuyên phải chống chọi với triều cường nên sức đề kháng dễ suy giảm, tạo điều kiện cho nhiều dịch bệnh bùng phát và tấn công cùng lúc.

- Mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 1,5 - 1,8 triệu ca cúm với các chủng cúm do virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B. Tỷ lệ các ca bệnh mắc các chủng cúm thường luân phiên nhau, lúc cúm B nhiều, lúc cúm A nhiều.

- Cúm là bệnh dễ đến dễ đi nhưng với người có cơ địa nhạy cảm có thể gây nguy hiểm. Mặc dù thuốc kháng virus dễ tìm kiếm nhưng theo khuyến cáo, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.