Sự nguy hiểm của bệnh liên cầu lợn

Trong những năm gần đây, bệnh liên cầu lợn (do vi khuẩn liên cầu lợn: Streptococcus suis) đã xuất hiện khá nhiều. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương năm nào cũng tiếp nhận những bệnh nhân bị liên cầu lợn với các bệnh cảnh lâm sàng vô cùng nguy kịch.

Tập quán ăn tiết canh hết sức nguy hiểm
Tập quán ăn tiết canh hết sức nguy hiểm

Ở nước ta, trong năm 2015, cả nước ghi nhận 96 trường hợp mắc liên cầu lợn, trong đó có 13 người tử vong (tăng 51 trường hợp và tăng 5 người tử vong so với năm 2014). Nguyên nhân được các nhà chuyên môn kết luận là do tập quán ăn tiết canh, tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc thịt lợn, đặc biệt là ăn tiết canh và ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi hầu hết lợn mang vi khuẩn liên cầu lợn không có biểu hiện bệnh (lợn mang mầm bệnh không triệu chứng).

Số bệnh nhân nặng bị liên cầu lợn phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương từ nhiều tỉnh thành (Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình, Phú Thọ…), không phải chỉ xảy ra tại một địa phương nào. Được biết năm 2016, cũng tại bệnh viện này, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 1 - 2 bệnh nhân liên cầu lợn, nguyên nhân chính là do ăn tiết canh.

Ở phía Nam nước ta, tại một số tỉnh (Long An, Đồng Tháp..) cũng đã từng xuất hiện bệnh liên cầu lợn do ăn tiết canh lợn hoặc tiếp xúc với lợn, thậm chí có trường hợp tử vong do bệnh quá nặng trong khi đó bệnh nhân được đưa đến cấp cứu quá muộn.

Su nguy hiem cua benh lien cau lon - Anh 1

Bệnh khởi phát sốt rất cao (40 - 41 o C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, có thể suy hô hấp

Đường lây truyền bệnh

Bệnh liên cầu lợn do bị nhiễm loại vi khuẩn streptococcus suis (vi khuẩn liên cầu lợn). Vi khuẩn này thường có trong đường hô hấp, đường tiêu hóa của lợn và có thể lây sang người. Các đường lây có thể trực tiếp qua vết trầy xước, vết thương trên da, niêm mạc, quần áo, khăn lau... khi giết mổ, chế biến, mua bán thịt lợn, đặc biệt là ăn thịt lợn và các phủ tạng của lợn chưa nấu chín. Người chăn nuôi, nhân viên thú y đi kiểm dịch cũng có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao, nếu không có bảo hộ lao động tốt.

Su nguy hiem cua benh lien cau lon - Anh 2

Streptococcus suis

Triệu chứng

Thời gian ủ bệnh ngắn, khoảng 3- ngày (có thể nhanh hơn). Thời gian ủ bệnh càng ngắn, bệnh càng nguy kịch. Bệnh khởi phát sốt rất cao (40 - 41 o C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, có thể suy hô hấp (khó thở). Một số trường hợp xuất hiện nhiễm độc đường tiêu hóa: rối loạn tiêu hóa (đi ngoài nhiều lần, phân lỏng). Một số trường hợp có thể bị viêm màng não (sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng, cứng gáy).

Bệnh liên cầu lợn hay gặp nhất là thể nhiễm khuẩn huyết (vi khuẩn liên cầu lợn vào máu, nhân lên nhanh chóng và đồng thời tiết ra nhiều độc tố, bởi vì máu là môi trường tốt nhất cho vi khuẩn này). Khi nhiễm khuẩn huyết ngoài các triệu chứng như: sốt rất cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau (xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa). Người bệnh có thể bị nhiễm độc độc tố rất nặng do sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp và có thể bị tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Để chẩn đoán bệnh, ngoài các triệu chứng lâm sàng điển hình, phân lập, nuôi cấy xác định vi khuẩn liên cầu là hết sức quan trọng bằng phương pháp cấy máu. Khi cấy máu dương tính sẽ được xác định vi khuẩn bằng tính chất sinh vật hóa học, tốt nhất là thực hiện phản ứng sinh học phân tử (PCR). Đây là một loại phản ứng có độ tin cậy cao, độ chính xác lớn.

Phòng bệnh như thế nào?

Vi khuẩn gây bệnh liên cầu cư trú trong đường hô hấp, đường tiêu hóa của lợn. Vì thế để phòng bệnh, người dân cần nâng cao ý thức bằng cách không nên giết mổ lợn ốm, chết, không xử lý thịt lợn sống với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay (đi găng tay khi tiếp xúc, chế biến thịt và các phủ tạng của lợn) và cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc và chế biến.

Không ăn thịt lợn bệnh, thịt lợn sống (tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín, nem chua, nem chạo…) và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Lợn ốm, chết không được giết mổ, cần chôn thật sâu, xa nguồn nước và khu dân cư. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh liên cầu lợn (sốt cao đột ngột, có tiền sử chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ lợn ốm, chết hoặc tiếp xúc với các sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh hoặc ăn tiết canh, thịt lợn, lòng lợn chưa nấu chín… cần đến cơ sở y tế ngay để được khám và điều trị kịp thời.

Theo SK&ĐS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ