Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng lưu ý về công nhận văn bằng do nước ngoài cấp

GD&TĐ - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ thông tin liên quan đến công nhận văn bằng, chứng chỉ do nước ngoài cấp.

Ban Đào tạo quốc tế – Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TPHCM trao bằng tốt nghiệp và vinh danh sinh viên tiêu biểu các chương trình liên kết đào tạo quốc tế năm học 2021 - 2022. Ảnh minh họa: Website nhà trường
Ban Đào tạo quốc tế – Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TPHCM trao bằng tốt nghiệp và vinh danh sinh viên tiêu biểu các chương trình liên kết đào tạo quốc tế năm học 2021 - 2022. Ảnh minh họa: Website nhà trường

Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ thông tin liên quan đến công nhận văn bằng, chứng chỉ do nước ngoài cấp; đồng thời đưa ra một số lưu ý với những người có nhu cầu công nhận văn bằng này.

Nhu cầu cá nhân

- Công nhận văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp hiện nay được thực hiện theo quy định nào, thưa ông?

- Việc công nhận văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp hiện nay được thực hiện theo Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15/4/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.

Theo đó, việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp xuất phát từ nhu cầu của cá nhân người có văn bằng hay các đơn vị, tổ chức tuyển dụng, sử dụng người có văn bằng nước ngoài cần thẩm định, công nhận.

Hiện nay, việc công nhận văn bằng chủ yếu phục vụ nhu cầu tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự (đặc biệt trong các cơ quan Nhà nước) và yêu cầu tuyển sinh của cơ sở giáo dục Việt Nam khi người học có nhu cầu tiếp tục học tập tại Việt Nam ở bậc cao hơn. Cơ sở giáo dục đại học có thể căn cứ các điều kiện được quy định tại Điều 4 của Thông tư này tự đánh giá văn bằng để sử dụng trong hoạt động đào tạo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá văn bằng.

Trước thời điểm 15/4/2021, việc công nhận văn bằng được thực hiện theo Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2007 của Bộ GD&ĐT quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Ông Huỳnh Văn Chương. Ảnh: NVCC

Ông Huỳnh Văn Chương. Ảnh: NVCC

Nhiều lý do khiến văn bằng chưa được công nhận

- Những nước nào có nhiều hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng nhất?

- Các nước có nhiều hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng nhất (tính từ năm 2017 trở lại đây) là: Vương quốc Anh (3.908 văn bằng); Australia (3.662 văn bằng); Trung Quốc (3.754 văn bằng); Hoa Kỳ (3.287 văn bằng); Liên bang Nga (2.878 văn bằng); Cộng hòa Pháp (2.324 văn bằng); Nhật Bản (1.927 văn bằng), Hàn Quốc (1.777 văn bằng), Đài Loan (Trung Quốc, 1.355 văn bằng); Thái Lan (1.152 văn bằng). Xin nhắc lại, việc công nhận văn bằng nước ngoài đến thời điểm này được thực hiện theo Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT.

Từ tháng 1/2017 đến hết tháng 11/2023, Cục Quản lý chất lượng đã nhận tổng 37.436 hồ sơ, được công nhận là 35.662 hồ sơ (95,26%), chưa công nhận 1.774 hồ sơ (4,74%). Số hồ sơ chưa được công nhận bao gồm cả hồ sơ chưa nộp đủ thủ tục công nhận và văn bằng không đáp ứng được tiêu chuẩn điều kiện công nhận.

- Ông có thể cho biết lý do những văn bằng chưa được công nhận?

- Như thống kê ở trên, có thể thấy hầu hết văn bằng được công nhận nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn điều kiện theo Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT. Tuy nhiên có văn bằng không đáp ứng được tiêu chuẩn điều kiện công nhận văn bằng với nhiều lý do, trong đó có:

Văn bằng cấp trong các chương trình liên kết đào tạo: Chương trình liên kết đào tạo thực hiện khi chưa được cấp phép hoặc không được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền về giáo dục; chương trình liên kết đào tạo không đáp ứng quy định về liên kết đào tạo tại Việt Nam; các cơ sở giáo dục liên kết chưa được kiểm định chất lượng, không được phép cấp bằng hoặc không được phép hoạt động tại Việt Nam; văn bằng cấp trong chương trình liên kết đào tạo không được cơ quan có thẩm quyền của nước cấp bằng công nhận; chương trình thực hiện không đáp ứng các điều cơ bản của Quyết định cho phép như điều kiện đầu vào, số tín chỉ...

Văn bằng cấp cho người học theo hình thức từ xa, liên kết đào tạo từ xa, trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến khi người học lưu trú và học tập tại Việt Nam, nhưng chương trình đào tạo lại chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.

Văn bằng cấp cho người học theo hình thức du học toàn phần: Cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc chương trình đào tạo không được/chưa được kiểm định/công nhận chất lượng/chưa được phép cấp bởi cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại; văn bằng nước ngoài không được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước cấp bằng công nhận.

Lưu ý những địa chỉ hữu ích

- Ông có lưu ý, khuyến cáo gì đối với những người có nhu cầu công nhận văn bằng?

- Hiện, trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Công nhận văn bằng - Cục Quản lý chất lượng có thông tin về các cơ sở giáo dục được công nhận, bảo đảm chất lượng tại các nước mà nhiều học sinh Việt Nam du học để người dân có thể tham khảo lựa chọn trường. Nội dung này dẫn đường link các cơ quan chính thống có thẩm quyền về giáo dục ở nước ngoài đã công khai các cơ sở giáo dục bảo đảm chất lượng (https://naric.edu.vn/news/thong-tin-he-thong-giao-duc-cac-nuoc-tren-the-gioi.html).

Về thời hạn xử lý hồ sơ: Các trường hợp hồ sơ và minh chứng xác thực văn bằng du học đầy đủ, thời hạn trả kết quả công nhận văn bằng tối đa là 20 ngày làm việc. Các trường hợp phức tạp hơn như cần xác minh thông tin về văn bằng mà phía nước ngoài chậm phản hồi, thì thời hạn trả kết quả không quá 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ công nhận văn bằng. Trên thực tế, một số trường hợp có văn bằng cung cấp đầy đủ hồ sơ và minh chứng, thời gian xử lý hồ sơ có thể được rút ngắn hơn so với thời hạn quy định trên.

Để được công nhận văn bằng, hồ sơ cần nộp theo từng trình độ đào tạo và loại hình đào tạo. Các thắc mắc và cách xử lý vấn đề mà người có văn bằng thường gặp khi làm thủ tục công nhận văn bằng đã được công khai và hướng dẫn rõ ràng trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Công nhận văn bằng hoặc khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ GD&ĐT. Có thể tham khảo hồ sơ cần nộp tại link: https://naric.edu.vn/news/ho-so-can-nop.html.

Thời gian qua, xuất hiện một số Giấy công nhận văn bằng giả mạo. Trung tâm Công nhận văn bằng khuyến cáo các đơn vị khi tiếp nhận Giấy công nhận văn bằng có thể tra cứu trên trang thông tin điện tử của Trung tâm (đường link tra cứu: https://naric.edu.vn/front/tra-cuu-van-bang) hoặc quét mã QR trên Giấy Công nhận văn bằng để xác thực lại Giấy công nhận văn bằng.

- Xin cảm ơn ông!

Thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học rà soát và báo cáo trường hợp có sử dụng giảng viên có văn bằng nước ngoài cấp, xem xét quá trình đánh giá và sử dụng văn bằng này như thế nào trong hoạt động phục vụ giảng dạy. - Ông Huỳnh Văn Chương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.