Điều kiện để được công nhận văn bằng tốt nghiệp do cơ sở nước ngoài cấp

GD&TĐ - PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng chia sẻ về công nhận văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).

Công nhận theo nhu cầu của người có văn bằng

PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết, công nhận văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp hiện nay được thực hiện theo Thông tư số 13 ngày 15/4/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Thông tư này quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.

Theo đó, công nhận văn bằng được thực hiện theo nhu cầu của người có văn bằng, hoặc cơ quan quản lý về nhân sự, hoặc đơn vị quản lý lao động khi được sự đồng ý của người có văn bằng. Bộ GD&ĐT không quy định tất cả những người có bằng tốt nghiệp nước ngoài đều phải làm thủ tục công nhận văn bằng.

Cơ sở giáo dục đại học thể căn cứ các điều kiện được quy định tại Thông tư 13 tự đánh giá văn bằng để sử dụng trong hoạt động đào tạo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá văn bằng.

Hiện nay, trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Công nhận văn bằng, Cục Quản lý chất lượng có thông tin về những cơ sở giáo dục được công nhận, bảo đảm chất lượng tại các nước mà nhiều học sinh Việt Nam du học để người dân có thể tham khảo lựa chọn trường du học; đồng thời có mục tra cứu Giấy công nhận văn bằng. Nội dung này có dẫn link của các cơ quan chính thống có thẩm quyền về giáo dục ở nước ngoài đã công khai các cơ sở giáo dục bảo đảm chất lượng.

Cũng theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, các thắc mắc, cách xử lý những vấn đề người có văn bằng thường gặp khi làm thủ tục công nhận văn bằng đã được công khai, hướng dẫn rõ ràng trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Công nhận văn bằng và khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ GD&ĐT.

“Thời gian qua xuất hiện một số Giấy công nhận văn bằng giả mạo. Trung tâm Công nhận văn bằng khuyến cáo các đơn vị khi tiếp nhận Giấy công nhận văn bằng có thể tra cứu trên trang thông tin điện tử của trung tâm (link tra cứu: https://naric.edu.vn/front/tra-cuu-van-bang) hoặc quét mã QR trên Giấy công nhận văn bằng để xác thực lại”, PGS Huỳnh Văn Chương lưu ý.

Mẫu công nhận văn bằng theo quy định tại Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT.
Mẫu công nhận văn bằng theo quy định tại Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT.

Điều kiện để được công nhận văn bằng

Cũng theo Thông tư 13, văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận khi chương trình giáo dục có thời gian học, nghiên cứu phù hợp với khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam và đáp ứng một trong 2 điều kiện.

Một là, chương trình giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng tương ứng với hình thức đào tạo.

Hai là, cơ sở giáo dục nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cho phép đào tạo, cấp bằng hoặc đã được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng.

Ngoài ra, văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính (bao gồm cả Việt Nam) được công nhận khi cơ sở giáo dục đó được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của hai nước cho phép mở phân hiệu, cho phép đào tạo hoặc phê duyệt việc hợp tác, liên kết đào tạo; thực hiện hoạt động đào tạo theo giấy phép đồng thời đáp ứng 2 điều kiện ở trên.

Đối với văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến được công nhận khi đáp ứng quy định "chương trình giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng tương ứng với hình thức đào tạo.

Đồng thời, đáp ứng một trong 2 điều kiện: chương trình đào tạo được Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo tại Việt Nam khi người học lưu trú và học tập tại Việt Nam; hoặc chương trình đào tạo được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi tổ chức đào tạo cấp phép khi người học lưu trú và học tập tại nước đó.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ GDĐT sẽ công nhận bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Giám đốc sở GD&ĐT công nhận bằng tốt nghiệp THCS, THPT và giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Thời hạn trả kết quả công nhận văn bằng không quá 45 ngày

Theo Thông tư 13, trong thời hạn 20 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng có trách nhiệm trả kết quả công nhận văn bằng cho người đề nghị công nhận văn bằng.

Trường hợp cần xác minh thông tin về văn bằng từ cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc đơn vị xác thực nước ngoài, thời hạn trả kết quả công nhận văn bằng không vượt quá 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ công nhận văn bằng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ