Của cho là của… nợ

GD&TĐ - Nhiều hộ nông dân ở Nghệ An đang phàn nàn việc họ được hỗ trợ cá giống để phục hồi sản xuất do thiệt hại trong đợt lũ năm 2022.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cần nói rõ là, đây là “của cho”, địa phương trích từ ngân sách ra mua cá giống về phát không cho dân để phục hồi sản xuất, nhưng vì sao dân lại phàn nàn?

Trước hết, người dân chê việc cấp cá giống muộn quá. Cá được cấp vào giữa tháng 11 vừa rồi nhưng cá giống cần thả nuôi thì phải là trong tháng 10 để đến tháng 7 - 8 năm sau, tức là khi mùa mưa bắt đầu, họ sẽ kịp thu hoạch để “chạy lũ”.

Nhưng cá cấp tháng 11 thì đến mùa mưa năm sau, chúng không đủ trọng lượng để bán ra thị trường, mà để nuôi cho đủ lớn thì mưa lũ sẽ cuốn phăng ra biển. Cái mà người dân chê tiếp theo là cá … bé quá.

Để cho kịp thu hoạch vào năm sau thì trọng lượng cá thả nuôi phải từ 0,5 - 0,7kg/con, trong khi cá Nhà nước cho không đợt vừa rồi chỉ bằng… hai ngón tay. Đã thế, lại còn quá đắt, tới 72.000 đồng/kg, trong khi dân mua chỉ 45.000 đồng/kg mà thôi.

Người dân thắc mắc là với 3,5 tỷ đồng hỗ trợ kia sao không phát trực tiếp cho dân mà lại tự ý đi mua, vừa đắt lại vừa không đúng như cách mà dân chuyên nghiệp nuôi cá đã thả nuôi hằng năm? Đây là điều rất “khó nói”, chỉ có những người trong cuộc mới hiểu vì sao lại như thế.

Tuy đây là của cho không, song người dân cảm thấy mình bị mắc nợ, đó là nợ ơn nợ nghĩa, dù không phải trả như nợ vay nhưng họ cũng phải làm sao cho xứng với sự “quan tâm” kia của Nhà nước!

Việc biếu không vật nuôi cho các hộ nghèo, các gia đình bị thiệt hại do thiên tai đã diễn ra lâu nay. Nhưng tại sao các tổ chức thiện nguyện mang vật nuôi đến biếu thì người dân rất vui vẻ nhận quà còn của Nhà nước mang cho không thì luôn xảy ra tiếng chì tiếng bấc?

Như cách đây vài năm, ở các tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, chương trình hỗ trợ bò cho các hộ nghèo là đồng bào thiểu số đều bị người dân phàn nàn. Lý do là bò cấp cho họ hoặc là quá gầy còm, hoặc là bị dịch bệnh.

Nhận bò về chăm rất khó tăng cân nếu như bò quá gầy, hoặc nhận về nuôi nhưng lại tốn thêm tiền thuốc vì trúng con bò bị bệnh. Nhận của cho như thế, khác gì… của nợ?

Nhà nước hiện nay có nhiều chương trình hỗ trợ cho các địa phương đặc biệt khó khăn như xây trường học, trạm y tế, nhất là hỗ trợ vật nuôi. Điều đó tốt thôi, song tốt hơn vẫn là nên giao cho dân tự quyết, cơ quan chủ quản chỉ giám sát xem họ có làm đúng như yêu cầu về chuyên môn không mà thôi.

Chính vì “sợ dân không biết làm” nên nhiều công trình xây dựng “biếu không” ở những nơi được nhà nước trực tiếp xây dựng, rất kém chất lượng mà dân thì không biết kêu ai. Vật nuôi cũng thế, người dân sẽ biết nuôi con vật bằng cách gì để mạnh khỏe và mau lớn nhất sau khi đã nhận đồng tiền hỗ trợ.

Nhà nước cứ “dài tay” đến cả những vật nuôi như trường hợp cho không cá giống ở Nghệ An trên đây thì không những gây lãng phí tiền bạc mà còn gây mất lòng tin của người dân đối với “lòng tốt” của nhà nước dành cho họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Antony Blinken trong cuộc họp với Ủy ban Tài chính Thượng viện về viện trợ cho Israel và Ukraine.

Di sản của ông Antony Blinken

GD&TĐ - Ông Antony Blinken đã dành hai tuần cuối cùng tại nhiệm để trả lời báo chí bảo vệ thành tích của mình với tư cách là nhà ngoại giao của Mỹ.