Kỳ vọng hỗ trợ thúc đẩy kinh tế khi kéo dài thời gian giảm thuế VAT

GD&TĐ - Theo các chuyên gia việc kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng 2% là giải pháp hỗ trợ rất thiết thực, chia sẻ khó khăn với người dân và DN.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT cho nhiều nhóm ngành.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT cho nhiều nhóm ngành.

Theo các chuyên gia, khó khăn của nền kinh tế có thể kéo dài tới năm 2024. Vì vậy, việc kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% là giải pháp hỗ trợ rất thiết thực, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp.

Giảm thu NSNN gần 25.000 tỷ đồng

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trong 6 tháng đầu năm 2024.

Theo Bộ Tài chính, cần tiếp tục ban hành chính sách giảm thuế GTGT, vì sau thời gian dài chống chịu với đại dịch Covid-19 doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn.

Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu giảm 13,8%, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán năm.

Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện giảm thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% đã được thực hiện ổn định trong năm 2022 và năm 2023.

Do vậy, tại Công văn số 10830, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng tiếp tục giảm thuế GTGT như nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15.

Cụ thể là giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024 và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục giảm thuế GTGT sau thời điểm 30/6/2024 nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Đánh giá tác động đến thu NSNN, theo Bộ Tài chính, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu NSNN khoảng 25 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,175 nghìn tỷ/tháng, trong đó, giảm thu khâu nội địa là 2.700 tỷ đồng; giảm thu khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng).

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật Thuế.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Theo ý kiến của các chuyên gia, khó khăn của nền kinh tế nước ta có thể kéo dài tới năm 2024 trong bối cảnh xuất khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức. Vì vậy, việc kéo dài thời gian giảm thuế 2% là giải pháp hỗ trợ rất thiết thực, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp.

Khác với các loại thuế khác, thuế GTGT có đặc điểm quan trọng là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bởi người dân phải trả ít tiền hơn khi mua hàng hóa, dịch vụ, còn doanh nghiệp khơi thông đầu ra sản phẩm. Nên khi giảm, cả hai đối tượng này sẽ cùng được hưởng lợi.

Bên cạnh việc kéo dài chính sách giảm thuế GTGT, ông Lương Xuân Hưng - Giám đốc Công ty Da giày Thường Xuân mong muốn: Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian các chính sách như giãn hoãn nợ, miễn giảm tiền thuê đất đến hết năm 2024 vì đây là chính sách cắt giảm trực tiếp chi phí cố định, gỡ khó cho doanh nghiệp về mặt dòng tiền.

Theo ông Hưng, tiền thuê đất thường chiếm 20 - 30% tổng chi phí cố định hàng năm. Do vậy, việc doanh nghiệp được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế đã giúp tận dụng được nguồn lực tài chính từ số tiền thuế được gia hạn để xoay vòng vốn, tạo đà tăng trưởng cao hơn, từ đó doanh nghiệp quay trở lại đóng góp cho NSNN.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế dự báo vẫn còn khó khăn, bên cạnh các chính sách hỗ trợ về tiền tệ như giảm lãi suất, thì chính sách tài khóa rất quan trọng giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi.

Những chính sách hỗ trợ giảm thuế GTGT, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp… được doanh nghiệp đánh giá rất cao bởi có thể đi nhanh vào thực tế, hỗ trợ trực tiếp về dòng tiền cho người thụ hưởng.

“Nhóm chính sách này đi nhanh vào thực tế, thường không phải qua các khâu triển khai, thực hiện vốn mất nhiều thời gian và có thể cũng không hiệu quả. Đồng thời, mang lại lợi ích trực tiếp, theo ngôn ngữ dân dã là tiền tươi thóc thật nên doanh nghiệp tiếp cận rất dễ dàng, công bằng, minh bạch”, ông Tuấn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ