TS.BS Nguyễn Thái An (Bệnh viện 30 - 4, TPHCM)
TS.BS Nguyễn Thái An
Tôi từng có thời gian khá dài tu nghiệp ở nước ngoài và hiện đã mang những kiến thức trau dồi được trở về cống hiến, góp phần xây dựng đất nước mình.
Tôi rất phấn khởi vì nhận thấy Giáo dục Việt Nam đã và đang chuyển động thực sự, tích cực, phù hợp với hướng đi chung của giáo dục các nước phát triển.
Cảnh thầy đọc, trò chép với lối dạy học truyền thống đã gần như vắng bóng ở chốn học đường và thay vào đó là cách dạy học lấy học sinh làm trung tâm, học sinh là chủ thể, chủ động trong quá trình lĩnh hội kiến thức.
Nhờ những chủ trương đổi mới phù hợp, tích cực và quyết liệt của Bộ GD&ĐT, học sinh đã có cơ hội phát huy tối đa năng lực cá nhân và tăng khả năng vận dụng linh hoạt những kiến thức lý thuyết vào thực tiễn. Cũng nhờ đó mà nhiều phát minh, sáng kiến của học sinh ta đã tự tin mang đi thi thố với bạn bè quốc tế và được đánh giá rất cao.
Điều khiến tôi tâm đắc hơn cả là chủ trương chú trọng phát triển khả năng ngoại ngữ cho người học các cấp. Đây có thể coi là “điểm sáng” trong lộ trình đổi mới của ngành Giáo dục, với việc triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020 trong các nhà trường.
Đề án đã và đang khẳng định giá trị thực tiễn của nó khi những lứa học sinh được thụ hưởng những ích lợi do Đề án mang lại sử dụng ngoại ngữ để học tập, nghiên cứu, trau dồi và trao đổi kiến thức với bạn bè quốc tế.
Cũng nhờ chủ trương chú trọng đẩy mạnh khả năng sử dụng ngoại ngữ trong nhà trường mà việc đào sâu kiến thức của sinh viên, giảng viên các trường đại học được nâng lên rõ rệt vì kho kiến thức cũng theo khả năng sử dụng ngoại ngữ mà mở rộng dần ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những chủ trương rất đúng đắn rồi, Bộ GD&ĐT cần nêu cao quyết tâm và đồng lòng thực hiện để giáo dục nước nhà thực sự có những bước đổi mới ổn định và giá trị bền vững.
Kiến trúc sư Dương Mạnh Thắng - Công ty CP CONINCO 3C
Với tư cách một cử tri - cựu sinh viên, tôi nhận thấy, phần đổi mới thiết thực và hữu ích nhất của giáo dục hiện nay là “Đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo”.
Phần đổi mới này của Bộ GD&ĐT thực sự đã đi vào thực tiễn và bước đầu cho những tín hiệu khả quan.
Tôi tâm đắc với nội dung “triển khai đổi mới chương trình giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực; phát triển năng lực và phẩm chất người học; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển khả năng sáng tạo và ý thức tự học”.
Đổi mới chương trình sẽ kéo theo đó là một loạt những thay đổi của giảng đường. Các hoạt động học tập của học sinh, sinh viên, quá trình tích lũy kiến thức phần nhiều được định hướng và dẫn đường bởi khung chương trình.
Vì vậy, nếu chương trình quá nặng nề về kiến thức lý thuyết sẽ gây áp lực và hạn chế khả năng tư duy sáng tạo và không khuyến khích được người học đào sâu kiến thức lý thuyết bằng con đường thực hành và vận dụng thực tế.
Việc đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực của người học cũng là một hướng đổi mới mà hầu hết các học sinh, sinh viên chăm học đều mong muốn.
Nhờ quá trình đào tạo được quản lý chặt chẽ từ chương trình đến các khâu kiểm tra, đánh giá năng lực mà mỗi học sinh, sinh viên sẽ tự giác hơn, đồng nghĩa với việc họ biết tự chịu trách nhiệm với thành quả của quá trình trau dồi tri thức.
Việc tăng cường quản lý chất lượng đầu ra ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đã bắt đầu khẳng định giá trị và sự đúng đắn.
Bằng chứng là, những lứa sinh viên mới ra trường được tuyển dụng vào đơn vị của tôi đều nhanh chóng phát huy được sự năng động, áp dụng linh hoạt hiến thức đã trau dồi trong nhà trường và chủ động, sáng tạo trong công việc được giao.
Họ không phải mất thời gian làm quen hay tham gia vào quá trình “đào tạo lại” của doanh nghiệp như trước kia.