Cử tri đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả trong phòng chống dịch

Tại phiên họp thứ 4 diễn ra vào sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.

Theo báo cáo do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày, cử tri và nhân dân cảm nhận sâu sắc sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự ủng hộ và sáng kiến pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19.

Cử tri, nhân dân đánh giá cao việc Đảng, Nhà nước đã kịp thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban; quyết định đưa lực lượng tuyến đầu vào TPHCM và các tỉnh phía nam phòng, chống dịch cũng như các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng tuyến đầu, các nhà hảo tâm, tình nguyện viên… không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng hy sinh quên mình để phòng, chống dịch và chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, nguồn lực của đất nước còn hạn chế, đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm đã gây tổn thất nặng nề về người và kinh tế, xã hội. Đến nay, dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng nhân dân mong muốn các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân có trách nhiệm phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn, thiếu thống nhất, những việc còn lúng túng, chậm trễ, bị động. Qua đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế năm 2021, nhân dân ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các tổ chức kinh tế trong việc tích cực thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh  nhưng chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn.

Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, GDP 9 tháng năm 2021 không đạt kế hoạch; công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm. Cử tri và nhân dân lo lắng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 không đạt, dẫn đến khó đạt được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026.

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các địa phương tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thiết bị để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; có chính sách hỗ trợ về thuế, giãn, khoanh nợ ngân hàng, cho vay mới; giảm lãi suất ngân hàng, giảm các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất; có chính sách hỗ trợ duy trì lực lượng lao động… để doanh nghiệp có thể vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Về các chính sách xã hội và an sinh xã hội, đánh giá rất cao các giải pháp đã được ban hành song cử tri phản ánh còn nhiều đối tượng chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp còn bất cập, rườm rà, tiến độ giải ngân chậm; việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất; một bộ phận nông dân gặp khó khăn nhưng chưa được đưa vào diện hỗ trợ; vẫn còn tình trạng lợi dụng việc thực hiện chính sách phòng, chống dịch để trục lợi...

Cử tri cũng bày tỏ lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với sức khỏe học sinh bậc tiểu học khi các cháu phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử....

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương khẩn trương thể chế hóa Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 về phục hồi, phát triển kinh tế khi đã kiểm soát được dịch bệnh; sớm quyết định các gói tài chính hỗ trợ, kích thích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển kinh tế, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng; có chính sách hỗ trợ để đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp khi hoạt động trở lại; tiếp tục có giải pháp phù hợp để nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển...

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu, cán bộ, công chức, viên chức, các ngành, các cấp, nhất là cán bộ cơ sở, các tình nguyện viên do làm nhiệm vụ mà mắc COVID-19; những đồng chí hy sinh, những người tử vong do thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, đồng thời có hình thức thích hợp để biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch và các hoạt động thiện nguyện.

Theo baochinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.