Cụ thể mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19

GD&TĐ - Bộ Y tế có văn bản số 5378/BYT-KHTC gửi UBND các tỉnh, thành phố, Sở Y tế các địa phương và các cơ sở y tế thuộc Bộ, y tế các bộ, ngành về việc hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo văn bản này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt chú trọng công tác xét nghiệm phát hiện các trường hợp mang virus SARS-CoV-2 để kịp thời cách ly, điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế đã ban hành một số văn bản chỉ đạo về công tác xét nghiệm như:

Công điện số 615/CĐ-BYT ngày 7/5/2021 về việc nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất và chủ động xét nghiệm COVID-19 tại các bệnh viện; Công điện số 628/CĐ-BYT ngày 10/5/2021 về việc khẩn trương thực hiện giãn cách và tăng cường xét nghiệm tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, trường đại học và tuyến cuối.

Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế thực hiện nghiêm các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ về công tác xét nghiệm, kịp thời phát hiện các ca dương tính để thực hiện các biện pháp cách ly và điều trị theo quy định, thực hiện thu và thanh toán đối với từng đối tượng theo pháp luật giá hiện hành và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Bộ Y tế đã ban hành công văn số 5028/BYT-KHTC ngày 23/6/2021 hướng dẫn nguồn kinh phí chi trả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi tăng cường thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; công văn số 4356/BYT-KH-TC ngày 28/5/2021 hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19.

Bộ Y tế nhận được ý kiến của một số đơn vị địa phương và phản ánh của báo chí về việc thực hiện mức thu xét nghiệm tại các cơ sở y tế; theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể như sau: Mức giá đối với xét nghiệm nhanh thực hiện theo hướng dẫn tại mục VI công văn số 4356/BYT-KH-TC ngày 28/5/2021 nêu trên.

Cụ thể, trước ngày 1/7/2021, đối tượng bảo hiểm y tế thực hiện theo mức giá 238.000 đồng theo hướng dẫn tại công văn 4068/BYT-KHTC ngày 30/7/2020. Đối tượng không thanh toán bảo hiểm y tế, thực hiện theo mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt tối đa là 238.000 đồng theo công văn số 5834/BYTKHTC ngày 27/10/2020.

Từ ngày 1/7/2021 thực hiện thực thanh thực chi. Cụ thể, các chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm (vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công) thì cơ sở y tế chi và quyết toán theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành về kinh phí phòng, chống dịch. Chi phí test xét nghiệm thực hiện thực thanh thực chi thì chi và thanh toán với từng đối tượng người bệnh theo số lượng test xét nghiệm nhanh thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua test theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.  

Ví dụ, đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu thầu test nhanh là 135.000 đồng/test. Nếu người có thẻ bảo hiểm y tế đủ điều kiện được thanh toán bảo hiểm y tế và là đối tượng được hưởng khác mức 80% chi phí khám, chữa bệnh thì được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả theo phạm vi được hưởng và mức hưởng của một lần xét nghiệm nhanh là 135.000 đồng x 80% = 108.000 đồng.

Phần đồng chi trả 27.000 đồng và các chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp hiện hành.

Đối với xét nghiệm kháng nguyên phát hiện SARS-CoV-2 trên máy miễn dịch: Trường hợp phải thực hiện quy trình lấy mẫu và bảo quản bệnh phẩm tương tự như xét nghiệm Real-time PCR thì tạm thời thu và thanh toán chi phí dịch vụ “lấy mẫu và bảo quản bệnh phẩm” theo mức giá 100.000 đồng mẫu.

Chi phí thực hiện xét nghiệm tạm thời thực hiện thực thanh thực chi; cụ thể: chi và thanh toán với từng đối tượng người bệnh theo số lượng test xét nghiệm thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua test theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.

Các chi phí về vật tư, hóa chất, điện, nước, nhân công liên quan đến quá trình thực hiện xét nghiệm, cơ sở y tế chi và quyết toán theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành về kinh phí phòng, chống dịch. Đối với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR từ bệnh phẩm dịch hầu họng, Bộ Y tế đề nghị tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 4356/BYT-KH-TC ngày 28/5/2021 của Bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.