Các chuyên gia cho rằng, Báo cáo tham chiếu là cơ sở quan trọng để Việt Nam xem xét, điều chỉnh các chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh, tiến tới dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN.
Công cụ để xây dựng chuẩn đầu ra cho các trình độ
Theo TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Khung trình độ quốc gia Việt Nam là công cụ tốt làm tiêu chuẩn để xây dựng chuẩn đầu ra cho các trình độ. Khung này được đối sánh, tham chiếu tốt với Khung tham chiếu trình độ ASEAN.
“Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để tham chiếu Khung trình độ quốc gia đã có với trình độ, chương trình. Làm sao điều chỉnh chương trình, các quy định, để hệ thống trở nên hài hòa và đối sánh được với cả hệ thống các nước ASEAN và có thể xa hơn nữa là châu Âu” - TS Nguyễn Quốc Chính đặt vấn đề đồng thời nhấn mạnh:
Việt Nam cần có quy trình minh bạch cho việc dung nạp, tham chiếu các trình độ, chương trình đào tạo vào khung trình độ quốc gia. Làm thế nào để đảm bảo rằng, chuẩn đầu ra của một chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo đối sánh phù hợp với trình độ đã mô tả rõ trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Từ đó các bên liên quan hiểu chương trình của mình. Để làm được việc này, phải có sự tham gia của các bên, mà trực tiếp là hai đơn vị quản lý Nhà nước gồm: Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, các bộ ngành liên quan, cùng cơ sở giáo dục đại học, trung tâm kiểm định, đơn vị sử dụng lao động, người học…
Cho rằng xây dựng Báo cáo tham chiếu Khung trình độ của quốc gia với khung tham chiếu trình độ của khu vực không mới, ThS Đào Phong Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng (Trường ĐH Cần Thơ) viện dẫn: Các quốc gia Liên minh châu Âu đã tiến hành công việc này trong nhiều năm qua. Tại khu vực ASEAN, cùng với Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Việt Nam đang thực hiện việc tham chiếu Khung trình độ quốc gia (ban hành tại Quyết định số 1982 năm 2016) với Khung tham chiếu trình độ ASEAN.
Báo cáo tham chiếu với 11 tiêu chí là cơ hội quý để các bên liên quan đóng góp ý kiến cho cơ quan chủ quản trong việc xem xét, điều chỉnh các chính sách. Qua đó, phát triển nguồn nhân lực quốc gia với mong muốn, nguồn nhân lực này có khả năng cạnh tranh, tham gia hiệu quả trong thị trường lao động nội khối và hỗ trợ dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Việc tham chiếu làm sáng rõ nhiều vấn đề, trong đó có bảo đảm trình bày đầy đủ các thành tố của khung hợp phần, ấn định trình độ hiện tại và trình độ mới vào khung trình độ quốc gia; mô tả bảo đảm tính minh bạch về thông tin, ngôn ngữ; khả năng so chiếu kết quả học tập và sự dịch chuyển giữa các trình độ trong một khung hợp phần và giữa các trình độ trong hai khung hợp phần.
Ảnh minh họa/ INT |
Phục vụ dịch chuyển lao động
TS Phạm Thị Tuyết Nhung - giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) nhìn nhận, quy trình tham chiếu yêu cầu giáo dục của các nước phải theo hướng minh bạch chất lượng, cung cấp các thông tin đạt chuẩn chất lượng đào tạo cho bên liên quan. Tham chiếu không chỉ dừng lại ở tuyên bố chuẩn của khối ngành mà còn yêu cầu cả hệ thống phải vận động theo hướng minh bạch, chất lượng, đánh giá mức độ đạt được chuẩn đầu ra đã cam kết.
Khung tham chiếu đồng thời hướng đến thống nhất ghi các thông tin về mức độ đạt được so với yêu cầu trên văn bằng để các nước có thể dễ dàng công nhận lẫn nhau. Quá trình tham chiếu cũng hỗ trợ ngành Giáo dục rà soát, đánh giá lại hệ thống và cập nhật chính sách như chuẩn chương trình đào tạo, thành lập hội đồng tư vấn khối ngành, thống nhất các chuẩn tối thiểu của ngành đó. Đây là cơ sở để thực hiện và đánh giá thống nhất, tránh trường hợp cùng một chương trình nhưng lại đào tạo các mức chuẩn quá khác biệt.
“Khung tham chiếu là “cú hích” trong tư duy quản lý và đào tạo của Việt Nam. Các tiếp cận siết chặt đầu ra, thanh tra giám sát việc thực hiện không còn đủ để đánh giá hiệu quả công tác đào tạo. Vì vậy, khung tham chiếu thúc đẩy các chính sách theo tiếp cận quản lý đầu ra, nhằm đáp ứng yêu cầu chung của ASEAN cũng như tiệm cận với chuẩn của khu vực khác” - TS Phạm Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh.
Khung tham chiếu trình độ ASEAN cung cấp tiêu chí, số liệu để hiểu được mức độ trình độ (bằng cấp) của tổ chức giáo dục, đào tạo từ các quốc gia. Khung trình độ khu vực để so sánh trình độ giáo dục giữa các quốc gia thành viên ASEAN dựa trên chuẩn đầu ra.
Chia sẻ thông tin, TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đồng thời nhấn mạnh: Những nguyên tắc của Khung tham chiếu trình độ ASEAN mang tính cởi mở, linh hoạt, tôn trọng đặc thù từng quốc gia. Việc tham chiếu khung trình độ quốc gia với Khung tham chiếu trình độ ASEAN là hoàn toàn tự nguyện và không giới hạn thời gian.
Khung trình độ quốc gia Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, với 8 cấp độ chuẩn đầu ra theo từng trình độ, tạo ra mối liên kết giữa các trình độ của giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học; tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng ở Việt Nam. Năm 2018, sau khi sửa đổi Luật Giáo dục đại học 2012, Việt Nam đã hình thành khung pháp lý thực hiện Khung trình độ quốc gia đối với các trình độ của giáo dục đại học.
Thực hiện tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN trải qua 8 giai đoạn, bảo đảm tính minh bạch và tin cậy. Theo tiến trình này, Việt Nam đang thực hiện giai đoạn 4: Viết báo cáo tham chiếu đáp ứng 11 tiêu chí của Khung tham chiếu trình độ ASEAN, có tính đến kết quả của các cuộc tham vấn cấp quốc gia và quan điểm của chuyên gia quốc tế.
Theo ThS Đào Phong Lâm, Báo cáo tham chiếu là căn cứ quan trọng để Việt Nam xem xét, điều chỉnh chính sách giáo dục, đào tạo, công nhận kết quả học tập của các hình thức giáo dục. Điều này không nằm ngoài mục đích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, tiến tới dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN.