Cú hích để GV mầm non thêm yêu nghề

GD&TĐ - Sau gần một năm Nghị quyết số 06/2018/NĐ-CP về quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non (GVMN) với 4 nhóm đối tượng được hưởng chính sách mới. Giáo viên được đưa vào thang bảng lương và hưởng các chế độ chính sách, học sinh được hỗ trợ tiền ăn. Đây là những niềm vui lớn, thực sự là động lực để các cô giáo thêm yêu nghề.

Cô và trò Trường Mầm non xã Hải Phú (huyện Hải Lăng, Quảng Trị)
Cô và trò Trường Mầm non xã Hải Phú (huyện Hải Lăng, Quảng Trị)

Niềm động viên lớn

Nhà giáo Phạm Văn Quyến - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Nam Định, phấn khởi cho biết: Từ ngày Nghị định 06 năm 2018 của Chính phủ ban hành đã thực sự khích lệ giáo viên mầm non thêm yêu và gắn bó với ngành. Nghị định quy định chế độ làm việc theo hợp đồng lao động trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập, nếu đủ tiêu chuẩn chức danh GVMN hạng IV trở lên thì được ký hợp đồng lao động và xếp lương. Ngoài ra, các GVMN này còn được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành như GVMN là viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Một thời gian dài trước đây, hệ thống trường mầm non chủ yếu là loại hình bán công, gắn với hợp tác xã, xí nghiệp, công ty, giáo viên hưởng lương theo công điểm hoặc từ nguồn kinh phí của phụ huynh đóng góp. Thực hiện Luật Giáo dục năm 2005, các trường mầm non bán công chuyển dần sang loại hình trường công lập và dân lập, tư thục. Tuy nhiên, do chỉ tiêu biên chế ít, nên số lượng giáo viên được tuyển dụng còn hạn chế, GVMN vẫn là đối tượng thiệt thòi. Chỉ đến khi Nghị định số 06/2018/NĐ được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quy định GVMN có đủ tiêu chuẩn về trình độ theo quy định thì đều được hưởng chế độ lương và các phụ cấp khác.

Nói về Quyết định đầy nhân văn này, bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: Chia sẻ với những khó khăn và thiệt thòi của GVMN, Chính phủ đã ban hành Quyết định 60/2011/QĐ-TTg quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 - 2015, trong đó đã đưa giải pháp hỗ trợ để đối tượng GVMN hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập được hưởng chế độ tương đương như giáo viên là viên chức. Tuy nhiên, đến thời điểm hết 2015, quyết định này hết hiệu lực, tôi cho rằng Bộ GD&ĐT đã rất kịp thời khi tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 06 - 2018 để đảm bảo chế độ chính sách cho giáo viên, giúp giáo viên yên tâm công tác.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Cô yêu nghề, trò ra lớp

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hướng Dương, quận Ba Đình, TP Hà Nội, cho biết: Đã hơn 10 năm trong nghề, ở giữa Thủ đô, ngày nào chúng tôi cũng phải làm việc hơn 10 tiếng, chịu nhiều áp lực nhưng lương thì còm cõi, nhiều GVMN không đủ trang trải cuộc sống, phải dựa vào chồng và bố mẹ là chính. Tôi rất vui vì Nghị định 06 đã thể hiện sự quan tâm đến GVMN nhiều hơn, ngoài việc giáo viên đủ tiêu chuẩn được xếp lương viên chức thì Nghị quyết 06 đã tạo thêm chế độ chính sách, góp phần ổn định thu nhập, đảm bảo đời sống cho một bộ phận lớn GVMN đang chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non theo chế độ hợp đồng lao động khác.

Nghị quyết 06 áp dụng cho 4 nhóm đối tượng như sau: Giáo viên mầm non (bao gồm cả phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đang làm việc ở các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Giáo viên mầm non trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. 

Ông Nguyễn Văn Ty – Trưởng Phòng Giáo dục huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: Không chỉ động viên GVMN, Nghị định 06 với chính sách hỗ trợ ăn trưa, áp dụng cho những trẻ em đang học tại lớp mẫu giáo của các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ, hoặc có cha, hoặc có mẹ, hoặc thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo; thứ hai, không có nguồn nuôi dưỡng; thứ ba, là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Các đối tượng trên được hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng. Chính sách này rất thiết thực, đặc biệt là với những trường nằm ở miền núi, vùng dân tộc, điều kiện kinh tế của người dân ở đây còn rất khó khăn.

Chỉ sau 8 tháng Nghị quyết 06 - 2018 có hiệu lực, những đổi thay hết sức tích cực từ các GVMN, nhiều người thể hiện niềm vui lớn khi được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành, không phân biệt là viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập hay tư thục, đều được xếp và hưởng thang bậc lương theo chế độ hợp đồng lao động.

Đặc biệt hơn nữa, quy định những giáo viên này còn được Nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; hằng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng. Nói như NGND Lưu Xuân Giới (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), các cô giáo mầm non đã không còn mặc cảm vì mình bị đứng ngoài biên chế. Cũng còn mong muốn nhiều hơn nữa, nhưng Nghị quyết 06 thực sự là cú hích để GVMN thêm yêu và gắn bó với nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.