Không những thế, cú hích này còn huy động được sự tham gia của gia đình và toàn thể xã hội vào công cuộc phát triển giáo dục.
Đổi mới toàn diện
Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Huyện ủy Tân Uyên (Lai Châu) đã ban hành, triển khai Kế hoạch số 63/2014 cùng các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan. Các nội dung của Nghị quyết số 29 đã được Lai Châu kịp thời triển khai; nhiều nhiệm vụ khó từng bước tháo gỡ, một số mục tiêu hoàn thành và vượt.
Ông Phan Văn Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Uyên, cho biết: “Trên quan điểm của Nghị quyết, huyện Tân Uyên đã và đang chỉ đạo đổi mới đồng bộ, toàn diện từ phương thức lãnh đạo của cấp ủy, việc điều hành, quản lý của chính quyền, việc dạy và học các nhà trường, đặc biệt huy động sự tham gia của gia đình, toàn thể xã hội đối với giáo dục”.
Cũng theo ông Phan Văn Nguyên, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, ngành GD-ĐT huyện Tân Uyên có nhiều khởi sắc, phát triển mạnh mẽ về cả số và chất lượng. Số học sinh tăng gần 3.600 em. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng 25%. Học sinh xếp loại học lực khá, giỏi tăng trên 15%… Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì và củng cố vững chắc, khẳng định vị trí tốp đầu toàn tỉnh. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học tiếp tục phát triển và nâng cao về chất lượng.
Huyện Tân Uyên đã tập trung chỉ đạo ngành Giáo dục triển khai thực hiện đổi mới nội dung, chương trình nhằm phát huy tư duy sáng tạo, tích cực của học sinh. Chủ động triển khai chương trình, sách giáo khoa 2018 đúng lộ trình. “Trong điều kiện khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn lực, đội ngũ…
Huyện ủy đã lãnh đạo UBND huyện lồng ghép nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, kiên cố hóa trường lớp học và các nguồn xã hội hóa để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Sau 6 năm quyết liệt thực hiện, năm 2020 số trường đạt chuẩn quốc gia tăng từ 10,9% lên 76,5%,” - ông Phan Văn Nguyên cho biết.
Cùng đó, huyện Tân Uyên còn ưu tiên đầu tư ngân sách cho giáo dục để đảm bảo chế độ, chính sách cho người dạy và học. Phát triển mạng lưới trường, lớp, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng, thiết bị theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Qua đó, huyện đã xóa 230 phòng học tạm, giảm tỉ lệ này từ trên 30% (2013) còn 0,3% (2023).
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên, chia sẻ: “Việc nâng cao chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực được chú trọng thực hiện. Huyện ủy ban hành Nghị quyết về xây dựng trọng điểm chất lượng giáo dục giai đoạn 2021 - 2025 đối với Trường Tiểu học số 1 thị trấn và THCS thị trấn Tân Uyên. Đây là bước phát triển mạnh mẽ, sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn trên địa bàn huyện”.
Huyện Tân Uyên trao thưởng cho các cá nhân trong Lễ Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. |
Phát huy vai trò giáo viên đảng viên
Với quan điểm “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, trong các chính sách, chương trình, kế hoạch, Đảng bộ huyện Mường Tè luôn ưu tiên, quan tâm đến sự phát triển giáo dục. Nhờ đó, các chỉ số đầu tư giáo dục ngày một tăng như: Học sinh, cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực. Qua triển khai, mức độ hiểu biết, sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT hàng năm được cải thiện.
Ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè, chia sẻ: “Những năm qua, công tác xây dựng Đảng trong trường học được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm. Đến nay, 100% trường học có chi bộ độc lập, tỷ lệ nhà giáo là đảng viên đạt 68%. 100% chi bộ trường học lãnh đạo các nhà trường trong việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Công tác đánh giá chất lượng các chi bộ, đảng viên được cấp ủy chú trọng, đổi mới mang tính xây dựng”.
Ngành GD-ĐT huyện Mường Tè ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. |
Đổi mới đồng bộ giáo dục
Ông Phạm Văn Phôi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ, tâm sự: “Chúng tôi chỉ đạo các trường làm tốt công tác bồi dưỡng thường xuyên, tự bồi dưỡng của cán bộ quản lý, giáo viên. Mục đích nhằm nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Các trường căn cứ vào điều kiện thực tế, xây dựng kế hoạch phù hợp, không ngừng nâng cao chất lượng theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện”.
Cũng theo ông Phôi, các cơ sở giáo dục đã tập trung đổi mới phương pháp dạy học, cách thức tổ chức hoạt động theo hướng nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả… nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.
Tại huyện Tân Uyên, ngành GD-ĐT tập trung chỉ đạo các trường đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục trên cơ sở vận dụng các phương pháp dạy học tích cực như: Học thông qua chơi theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm; ứng dụng phương pháp giáo dục STEAM; tăng cường tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm, rèn kỹ năng sống. Qua đó, đã phát huy được tính chủ động, tích cực, sáng tạo của trẻ trong việc tham gia các hoạt động giáo dục.
Ông Vũ Trường Tới, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên, cho biết: “Đến nay, 100% các đơn vị trường thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ”.
“Nhìn chung, sau 10 năm triển khai đổi mới, ngành Giáo dục Than Uyên đã cơ bản được khắc phục lối dạy học thiên về truyền thụ kiến thức, áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Đa số học sinh đã chủ động, tự tin trong giao tiếp, chủ động lĩnh hội kiến thức, có kĩ năng tự học, kĩ năng tương tác với bạn bè, thầy cô” - ông Trịnh Ngọc Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên khẳng định.
“Tại huyện Than Uyên, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên trở thành nhân tố tích cực, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua của ngành. Đến nay, 100% trường học có chi bộ độc lập. Đến tháng 3/2023, tỷ lệ nhà giáo đảng viên đạt gần 58%…”, ông Trịnh Ngọc Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên cho biết.