Cứ 5 người Việt đau đầu có một người mắc bệnh đau nửa đầu

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đau nửa đầu được xếp trong 20 nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật. 

Đau nửa đầu là chứng đau đầu theo cơn, có chu kỳ và có căn nguyên thần kinh mạch máu.
Đau nửa đầu là chứng đau đầu theo cơn, có chu kỳ và có căn nguyên thần kinh mạch máu.

Bệnh Migraine, dân gian thường được gọi đơn giản là đau nửa đầu, về bản chất là một bệnh lý mạn tính có căn nguyên thần kinh mạch máu, đã được loài người biết từ trước Công nguyên. 

Những biểu hiện và diễn biến của bệnh rất phức tạp và không phải chỉ là đau đầu. Vì vậy trong một thời gian dài bệnh được gọi với tên “Đau đầu dị thường”.

Thống kê của WHO trong những năm gần đây cho thấy 11% dân số trưởng thành trên thế giới đang phải gánh chịu các cơn đau nửa đầu, trong đó phụ nữ chiếm đến 3/4. 

Bệnh thường tập trung trong giai đoạn 20 - 45 tuổi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống cũng như khả năng học tập và làm việc của người bệnh.

Vướng chứng bệnh này, mỗi khi cơn đau xuất hiện, chị Hoàng Lan ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) lại phải bỏ dở công việc. Cảm giác đau dữ dội tập trung ở nửa đầu bên trái trong suốt nhiều giờ đồng hồ rồi âm ỉ 2 - 3 ngày, chị phải liên tục nghỉ phép. Chỉ cần nghe tiếng ồn hoặc nhìn thấy ánh sáng từ màn hình máy tính là cơn đau trở nên trầm trọng hơn. 

Chị Lan miêu tả: "Cảm giác đau lan xung quanh một bên thái dương rồi lan sang khu vực mắt trái, mắt mình có dấu hiệu mờ dần, cơn đau kinh khủng kéo dài cả ngày". Chị Lan lo có u trong não, đi khám mới biết mình bị đau nửa đầu.

Còn chị Hương Mai ở TPHCM thường đau giật mạnh theo nhịp thở và còn có cảm giác nôn nao như muốn nôn. Để xoa dịu những cơn đau, chị Mai đành phải cầu cứu tới thuốc giảm đau kết hợp mát xa đầu. 

"Mỗi lần đau đầu tôi mệt mỏi lắm, tự nhủ nhất định phải đi khám nhưng lần nữa mãi không sắp xếp được thời gian nên dùng tạm thuốc giảm đau. Trước tôi dùng một viên giảm đau là đỡ nhưng bây giờ phải "chơi" 2 viên mới dễ chịu".

GS.TS Nguyễn Văn Chương - Chủ tịch hội Chống đau Hà Nội, Chủ nhiệm Bộ môn Nội Thần kinh Học viên Quân y - cho biết: Ở Việt Nam, người bệnh còn chủ quan coi đau nửa đầu chỉ là một triệu chứng đau đơn giản, hết cơn rồi lại thôi. 

Thực tế, nhiều bệnh nhân đã phải chịu những biến chứng nặng nề - thậm chí đe doạ tính mạng vì đau nửa đầu. "Những người bị đau nửa đầu không chỉ thường xuyên bị cơn đau hành hạ, mà lâu ngày bệnh còn dẫn đến những hậu quả nguy hại khác cho sức khỏe như suy giảm trí nhớ, khó tập trung, trầm cảm, đột quỵ, suy thoái võng mạc, dẫn đến mất thị lực và mù vĩnh viễn" - GS Chương cho biết thêm.

Tại Việt Nam, phần lớn người bệnh thường tự ý chẩn đoán và sử dụng thuốc giảm đau một cách thường xuyên trước khi buộc phải tìm đến bác sĩ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo thuốc giảm đau không phải là thuốc trị bách bệnh. 

Người bệnh không nên điều trị đau nửa đầu theo kiểu… chữa cháy. Tức là khi nào đau thì uống giảm đau, và chờ đợi cơn đau tiếp theo mà không biết sẽ xảy ra khi nào. Đồng thời do việc sử dụng thường xuyên biện pháp này, cơ thể sẽ giảm dần đáp ứng với thuốc.

Điều trị đau nửa đầu bao gồm điều trị cơn đau cấp và điều trị dự phòng, nhưng quan trọng là người bệnh phải chủ động tìm đến bác sĩ thay vì tự ý sử dụng thuốc giảm đau. 

Nếu sử dụng trong thời gian dài, các loại thuốc giảm đau có thể gây nhiều tác dụng phụ như ảnh hưởng đến chức năng gan thận và tiêu hóa, gây cao huyết áp khó kiểm soát, sốc thuốc, tương tác với thuốc tim mạch...

Hiện tại các bác sĩ sử dụng nhóm thuốc tân dược như triptan, ergotamine... để giải quyết cơ chế gây bệnh. Tuy nhiên, xu hướng thế giới đang hướng tới sử dụng nhóm thuốc thảo dược có cơ chế chuyên về bệnh, ít tác dụng không mong muốn khi dùng lâu dài.

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh đau nửa đầu nên tránh dùng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê…; thức đêm và nhữg căng thẳng về tinh thần trong cuộc sống. 

Bên cạnh đó tập thể dục dưỡng sinh thường xuyên cùng chế độ ăn uống hợp lý, tránh các yếu tố khởi phát gây bệnh, bổ sung chất vi lượng như magie, vitamin B2, vitamin B6 cũng có thể giảm được các triệu chứng.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ