Crimea phòng thủ như thế nào khi Mỹ lộ ý tưởng nóng?

GD&TĐ -Theo ông Konstantinov, bất kỳ thế lực nào hỗ trợ Ukraine tấn công Crimea đều bị đáp trả bởi lực lượng tinh nhuệ và vũ khí tối tân.

Crimea phòng thủ như thế nào khi Mỹ lộ ý tưởng nóng?

Không để Crimea bị tấn công

Tuyên bố trên được Chủ tịch Nghị viện Crimea, ông Vladimir Konstantinov cho biết hôm 20/1 khi nói về việc quân đội Nga tại bán đảo này đã hoàn thành xây dựng lực lượng phòng thủ đủ mạnh.

"Chúng tôi sẽ không để bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Crimea xảy ra. Lực lượng tinh nhuệ cùng vũ khí tối tân đã sẵn sàng đủ sức thực hiện những nhiệm vụ khẩn cấp khi cần. Người dân tại đây tin tưởng vào quân Nga, vào Hạm đội Biển Đen và những vũ khí Moscow đang triển khai tại đây.

Chính vì vậy, chúng tôi phòng thủ rất chắc chắn trước mọi cuộc tấn công và đáp trả hiệu quả bất kỳ thế lực nào thực hiện và đứng sau cuộc tấn công đó", ông Vladimir Konstantinov cho biết trên kênh truyền hình Rossiya 24.

Hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.

Hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.

Tuyên bố trên được lãnh đạo Crimea đưa ra sau khi tờ New York Times của Mỹ đăng tải rằng các quan chức nước này đang ngày càng nghiêng về ý tưởng giúp Ukraine tấn công bán đảo Crimea.

"Hiện tại, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu thừa nhận rằng Kiev có thể cần sức mạnh để tập kích Crimea, dù động thái này có thể làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng", New York Times viết.

Báo Mỹ cho biết thêm, các quan chức nước này và Ukraine đang thảo luận về việc sử dụng vũ khí do Washington cung cấp, trong đó có hệ thống Pháo phản lực hạng nặng HIMARS và xe chiến đấu M2 Bradley, nhằm gây khó khăn cho hành lang trên bộ từ Crimea, qua các tỉnh Kherson, Zaporizhia và Donetsk đến Nga.

Dù chính quyền Mỹ vẫn im lặng về thông tin được đăng tải nhưng nguy cơ bán đảo Crimea bị tấn công bằng vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine là rất lớn. Đây chính là lý do lực lượng Nga phải tăng năng lực phòng thủ và tấn công tại đây.

Sức mạnh lực lượng Nga

Theo RIA, hiện tại lực lượng Không quân Nga đang triển khai tại Crimea gần 50 chiếc tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-30SM. Loại tiêm kích đa nhiệm này gia nhập lực lượng quân sự ở Crimea chỉ trong vòng một năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo này hồi năm 2014.

Máy bay có thể phát hiện, truy đuổi 15 mục tiêu trên không và một chiếc có thể cùng lúc nã hỏa lực vào 4 mục tiêu. Đặc biệt, Su-30SM có thể mang theo 8 tấn tên lửa không đối không dẫn đường, các loại bom không dẫn đường và nhiều vũ khí khác, được lắp đặt từ 12 vị trí trên máy bay.

Kể từ khi xuất hiện nguy cơ xảy ra cuộc tấn công nhằm vào Crimea, bầu trời Crimea đã được tăng cường giám sát bởi hệ thống phòng thủ S-400. Ngoài ra, các hệ thống tên lửa Pantsir-S và pháo binh cũng đã được điều đến khu vực.

Một số nguồn tin quân sự còn tiết lộ, Nga vừa gia cố cho chiếc ô phòng thủ nhiều tầng tại đây bằng các hệ thống Buk-M3 và Tor-M2. Trong khi đó bất cứ mối đe dọa nào đến từ hướng biển đều được bảo vệ bởi hệ thống chống hạm Bastion và Bal.

Những hệ thống này đều được trang bị tên lửa diệt hạm siêu thanh có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách tối đa lên tới 300km trong mọi điều kiện thời tiết. Cùng với sức mạnh phòng thủ và không quân là hạm đội tàu ngầm thế hệ mới lớp Varshavyanka, chiến hạm Dự án 11356 có thể phóng tên lửa tầm xa Kalibr và nhiều loại tên lửa khác nhau.

"Crimea là nhân tố chiến lược trong năng lực phòng vệ của Nga. Kiểm soát bán đảo này sẽ kiểm soát mọi tuyến đường ở Biển Đen và bất cứ chuyện gì xảy ra trên lãnh thổ của các quốc gia lân cận. Bất cứ thời điểm nào Nga cũng sẽ triển khai lực lượng mạnh nhất của mình để ngăn chặn một cuộc can thiệp từ bên ngoài", chuyên gia quân sự Dmitry Safonov nói sau khi Nga tăng cường lực lượng phòng thủ cho Crimea.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.