(GD&TĐ)- Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, một số vật tư thiết yếu đang tiếp tục ổn định và với hiệu quả ban đầu của các giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ tháng Năm vẫn sẽ cao nhưng có xu hướng giảm dần.
Ngày 26/4 tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước (Liên Bộ). Tại cuộc họp, Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo trong tháng Năm, thị trường hàng hóa trong nước tiếp tục chịu tác động từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.
Dự báo, CPI từ tháng Năm vẫn cao nhưng sẽ giảm dần. Ảnh minh họa, internet |
Giá nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang diễn biến phức tạp nhất là giá xăng dầu sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới giá nguyên nhiên liệu nhập khẩu cũng như gây sức ép tăng giá trên thị trường hàng hóa. Cùng với đó, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh đã từng bước được khống chế nhưng vẫn diễn ra trên diện rộng khiến người chăn nuôi chưa dám tái đàn mạnh.
Không những thế, việc cung ứng điện trong mùa khô có thể ảnh hưởng tới sản xuất của một số ngành. Việc tăng mức lương tối thiểu áp dụng từ 1/5 cùng với tác động của mặt bằng giá mới (nguyên nhiêu liệu) tiếp tục làm gia tăng chi phí đầu vào. Đáng chú ý, kỳ nghỉ lễ dài (30/4- 1/5) sắp tới sẽ làm gia tăng nhu cầu du lịch và ăn uống ngoài gia đình.
Cũng theo Tổ điều hành thị trường trong nước, để tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất nhằm bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, đồng thời tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, các địa phương chủ động có kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu chống thiên tai, bão lũ và ổn định đời sống nhân dân; Theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá đối với các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bất hợp lý.
Đại diện các hiệp hội ngành hàng đưa ra tại cuộc họp cho rằng các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, bảo đảm giữ vững cân đối cung-cầu các mặt hàng trọng yếu với giá bán hợp lý.
An Sương