CovidMaps - Công cụ phòng chống Covid-19 hữu hiệu

GD&TĐ - Chỉ cần mở ứng dụng CovidMaps trên điện thoại, người dân có thể biết ngay lịch trình di chuyển của các bệnh nhân dương tính, vùng nào bị cách ly, khu vực nào thuộc nhà của bệnh nhân Covid-19...

Bản đồ về thông tin dịch tễ được thiết lập.
Bản đồ về thông tin dịch tễ được thiết lập.

Nhìn vào bản đồ để tránh “điểm nóng”

CovidMaps là một bản đồ tương tác giúp người dân định vị và tra cứu các thông tin dịch tễ một cách trực quan trên bản đồ. Nó giúp người xem có sự đề phòng chủ động khi di chuyển đến gần các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Bản đồ còn là một kênh truyền thông hữu ích giúp cho cơ quan chức năng kịp thời thông báo các thông tin quan trọng đến người dân khi truy cập bản đồ. CovidMaps cũng giúp cơ quan chuyên môn dễ dàng nắm bắt tình hình dịch bệnh, phát hiện các điểm nóng dịch bệnh.

Anh Lê Yên Thanh, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Công nghệ Phenikaa Maas - đơn vị xây dựng Covidmaps cho biết, đơn vị tự xây dựng bằng cách sử dụng công nghệ bản đồ bMap. Bản đồ dịch tễ CovidMaps hiện được triển khai ở  9 địa phương bùng phát dịch là Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Thái Nguyên và Lạng Sơn.

Tại các địa phương này, người dân chỉ cần truy cập vào địa chỉ http: Covidmaps. (tên tỉnh thành phố).gov.vn để biết tất cả các thông tin dịch tễ liên quan đến Covid-19 ở địa phương mình. Đây là công cụ để người dân phòng tránh lây lan dịch hữu hiệu, dễ sử dụng trên điện thoại thông minh, ai cũng có thể truy cập được.

Anh Lê Yên Thanh cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều câu hỏi đặt ra, nhiều vấn đề giải quyết. Làm sao để nhận biết được bạn đã đi vào vùng dịch là mấu chốt để giải quyết các khâu tiếp theo như tự cách ly, theo dõi các dấu hiệu nhiễm virus.

Thực tế, các thông tin dịch tễ, lịch sử di chuyển của các ca bệnh Covid-19 vốn phức tạp. Các dữ liệu được cập nhật đến người dân tuy cụ thể và thường xuyên (2 ngày/lần) nhưng vẫn còn rời rạc, vì vậy gây nhiều khó khăn trong việc ghi nhớ và tìm kiếm các địa điểm đi qua của các F0. Truy vết hành trình, phong tỏa kịp thời, cách ly đúng thời điểm là chìa khóa để cắt đứt chuỗi lây nhiễm của virus.

“Bản đồ Covid-19” trên nền tảng ứng dụng BusMap – xe buýt thành phố. Bản đồ Covid hiển thị dưới dạng một bản đồ thông thường với những chấm tròn thể hiện vị trí của các khu vực dễ lây nhiễm.

Tính năng này cho phép người dùng nhận diện trực tiếp, dễ dàng và nhanh chóng những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao, từ đó có phương hướng di chuyển thích hợp, tránh đi vào vùng dịch.

Thiết kế giao diện của mỗi bản đồ khá dễ theo dõi. Biển "stop" là các chốt kiểm dịch, biểu tượng hình ngôi nhà là các cơ sở cách ly tập trung, biểu tượng chấm màu vàng là khu vực nhà bệnh nhân, dấu + là bệnh viện và cơ sở y tế, dấu X là khu vực phong tỏa, cách ly y tế.

Mỗi biểu tượng ứng với con số tương ứng chi tiết tại thời gian thực. Ngoài ra có số bệnh nhân F0 trong ngày, số bệnh nhân Covid đã cập nhật dự liệu, cùng số điện thoại báo dịch ở góc trên của màn hình.

Công cụ hữu hiệu phòng chống dịch

Anh Lê Yên Thanh cho biết, khi gõ một địa chỉ cụ thể trên bản đồ, nếu địa chỉ đó đang là khu vực phong tỏa, cách ly y tế, sẽ có cảnh báo màu đỏ, với địa chỉ phong tỏa cụ thể. Khu vực nhà ở bệnh nhân cũng được cảnh báo màu đỏ.

Bản đồ hiện cung cấp các thông tin bao gồm: Điểm cách ly tập trung, khu vực phong tỏa, khu vực nhà của bệnh nhân, địa điểm bệnh nhân từng đến, nơi bệnh nhân đến đã hơn 14 ngày.

Không dừng lại ở mức một bản đồ chỉ để xem, bản đồ Covid còn nhận biết được vị trí của người dùng có đang trùng với khu vực có nguy cơ lây nhiễm hay không. Điều này giúp người dùng biết được mức độ an toàn của vị trí mình đang ở và có phương án điều chỉnh thích hợp.

Hiện tại tính năng này đang được giới thiệu rộng rãi đến người dùng BusMap. Trong quá trình đưa vào sử dụng, ứng dụng sẽ tích cực tiếp nhận các phản hồi để hoàn thiện tính năng này nhằm cung cấp những giá trị tốt nhất cho người dân”, CEO Lê Yên Thanh cho biết.

Theo anh Lê Yên Thanh, áp dụng bản đồ số dịch tễ vào quản lý, người dân có thể nắm bắt thông tin dịch tễ kịp thời, không di chuyển đến những điểm nóng, giúp hạn chế lây lan trong cộng đồng. Về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, thông tin cụ thể của ca nhiễm như địa chỉ, họ tên đều được mờ hoá.

Đây cũng chỉ là các thông tin đã đưa ra công khai từ ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương. Khi có dữ liệu này, hệ thống người vận hành nhập liệu mới đưa vào, vì là nguồn tin chính thống nên hoàn toàn đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về bí mật cá nhân đối với các trường hợp nhiễm bệnh.

Với việc ra mắt phần mềm bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 ngày 24/5 vừa qua, Lạng Sơn là tỉnh thứ 9 trong cả nước cung cấp công cụ bản đồ dịch tễ Covid-19 để giúp cộng đồng theo dõi trực quan thông tin dịch tễ các ca bệnh tại địa phương thông qua mạng Internet.

Là địa phương đầu tiên trên cả nước ứng dụng bản đồ số trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Trung tâm Thông tin Dịch vụ công Đà Nẵng cho biết: Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 được xây dựng từ tháng 8/2020 - khi đợt dịch đầu tiên bùng phát tại Đà Nẵng và liên tục được hoàn thiện từ đó đến nay.

Các dữ liệu được cập nhật liên tục từ các nguồn uy tín, kết hợp cả nhập tự động và thực hiện bằng tay. Việc nhập số liệu bằng tay thực hiện trong trường hợp các ca không xác định địa chỉ rõ ràng.

Mục tiêu lớn nhất của bản đồ số này là giúp người dân có thể có cái nhìn trực quan nhất, chính xác nhất về toàn cảnh Covid-19 tại Đà Nẵng mà không cần phải tìm các bản tin riêng lẻ.

Anh Lê Yên Thanh cho biết, các địa phương có nhu cầu sẽ được chuyển giao miễn phí nền tảng ứng dụng để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ